Siêu cảng Cần Giờ sẽ định danh hàng hải TP.HCM lên bản đồ quốc tế
Cần Giờ nằm ở phía Đông Nam, cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km đường bộ. Đây là địa phương có vị trí tiếp giáp với biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn là sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu, đồng thời tiếp giáp sông Thị Vải. Đây là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4, hội tụ đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế.
Vị trí Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cũng là động lực để phát triển đội tàu container Việt Nam. Ngoài ra, dự án sẽ tạo ra một khu đô thị biển Cần Giờ, tạo ra trung tâm logistics để gắn liền với Cảng trung chuyển Cần Giờ. Dự kiến, công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động cũng được tạo ra và cũng là nơi khởi nghiệp, mở rộng cho hàng trăm doanh nghiệp logistics cũng như các doanh nghiệp dịch vụ khác. Từ đó, Cần Giờ sẽ giúp TP.HCM định danh trên bản đồ hàng hải quốc tế.
Theo tờ trình đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển Cần Giờ mà TP gửi Thủ tướng, vị trí đặt cảng tại khu vực Cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Dự án có quy mô 7km cầu cảng và 2km bến sà lan với nhu cầu sử dụng đất khoảng 571ha. Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEU (một TEU tương đương container loại 20 feet), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 - 65.000 tấn và sà lan tải trọng 8.000 tấn.
Tổng mức đầu tư dự án này ước tính gần 129.000 tỷ đồng, tương đương hơn 5,45 tỷ USD. Cảng này sẽ có công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 4,8 triệu TEU, đến năm 2047 đạt 16,9 triệu TEU. Khi khai thác hết công suất, mỗi năm Cảng sẽ đóng góp ngân sách 34.000- 40.000 tỷ đồng.
Cầu Cần Giờ là điểm nhấn
Có thể thấy, khi Cảng trung chuyển Cần Giờ đi vào khai thác thì nhu cầu kết nối giao thông đường bộ giữa Cần Giờ với huyện Nhà Bè, kết nối với trung tâm để vận chuyển công nhân, chuyên gia và hàng hóa…là rất cao.
Giai đoạn đầu, các dự án hạ tầng giao thông chủ yếu phục vụ hoạt động sản xuất của cảng và một phần nhỏ container. Tuy nhiên sau đó tùy theo nhu cầu phát sinh từ các dịch vụ cộng sinh với hoạt động khai thác của cảng như logistics, thương mại tự do, kho vận, …thì nhu cầu đường bộ sẽ rất lớn.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng – Kỹ thuật Biển (Portcoast), đơn vị thực hiện đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển Cần Giờ, giao thông kết nối đường bộ rất quan trọng: "Có hai kết nối là trực tiếp vào cảng và kết nối vùng. Giao thông đường bộ không chỉ là đoạn đường từ rừng Sác vào cảng mà nó sẽ phải kết nối với các tuyến vành đai khác. Đường bộ sẽ được nghiên cứu trong quy hoạch Cần Giờ sắp tới. Phương án kết cấu đường như thế nào để giảm tác động nhất đối với Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ)
TP.HCM đã giao Sở Giao thông vận tải TP.HCM chuẩn bị các thủ tục đầu tư các dự án trên. Trước mắt, ngành giao thông đang lên kế hoạch đầu tư xây dựng nút giao thông đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại xã Bình Khánh. Đồng thời, các cầu trên đường Rừng Sác cũng được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Đặc biệt, dự án cầu Cần Giờ, cây cầu có hình tượng cây đước (cây phổ biến ở Cần Giờ) với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng sẽ là điểm nhấn.
Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, Sở đang cùng với các địa phương như Cần Giờ, Nhà Bè để rà soát chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, phấn đấu trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023. Dự kiến, cầu Cần Giờ sẽ được khởi công vào dịp lễ 30/4/2025.
Phương án kết cấu đường được làm để giảm tác động nhất đối với Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ
"Để kết nối giao thông với cảng, giai đoạn từ nay đến 2030, ngoài xây cầu Cần Giờ, Thành phố sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng các cầu trên đường Rừng Sác. Nghiên cứu nút giao thông đường Rừng Sác với đường cao tốc Bến Lức- Long Thành để phát huy hiệu quả giao thông và khi Vành đai 3 và cao tốc Bến Lức- Long Thành đưa vào khai thác thì sẽ sớm có hướng giao thông kết nối với Cần Giờ", ông Lâm nói.
Nghị quyết 24 về phát triển KT- XH và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 31 về phương hướng nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 của Bộ Chính trị đều xác định, một trong các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là nghiên cứu, xúc tiến đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong giai đoạn 2021- 2030. Và để có thể phát huy hết tiềm năng của siêu cảng này trong tương lai thì rõ ràng, giao thông phải đi trước.