Vận dụng Nghị quyết 98
Thời gian qua, để triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện trong các lĩnh vực, TPHCM đã ban hành nhiều đề án, chương trình như Đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh; chương trình chuyển đổi số; đề án phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn…
Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM ra đời sẽ giúp đưa các sản phẩm công nghệ số của doanh nghiệp vào ứng dụng rộng rãi hơn. Ảnh: KIM THANH
TPHCM được Liên hợp quốc xếp hạng 54/147 thành phố tiêu biểu về chính quyền điện tử trên thế giới năm 2022, cũng là thành phố duy nhất được Liên hợp quốc theo dõi, đánh giá về chính quyền điện tử ở Việt Nam. TPHCM là đơn vị duy nhất trong cả nước được Hội đồng Giải thưởng ASOCIO thống nhất lựa chọn và trao Giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc năm 2023 tại Hàn Quốc. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) của thành phố liên tục nằm trong tốp 5 tỉnh thành và năm 2022 xếp hạng 2.
Dù vậy, TPHCM xếp hạng thấp về chính quyền điện tử của châu Á. Việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến thực sự xuyên suốt đối với người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Việc phát triển và triển khai các ứng dụng, dịch vụ số có tác dụng sâu rộng đến đời sống của người dân trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, an sinh xã hội còn thiếu.
Nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong các sở, ban ngành, quận huyện cũng hạn chế về số lượng và chất lượng (mỗi đơn vị chỉ 1-2 người) là thực tế hiện nay.
Trước thực tế này, việc thành lập Trung tâm Chuyển đổi số (TTCĐS) sẽ giải quyết được một số khó khăn, thách thức của thành phố khi triển khai chuyển đổi số. Trung tâm là đơn vị đủ năng lực tập hợp các nguồn lực lớn của thành phố để thực thi và khai thác tối đa các công nghệ số và dữ liệu, mở rộng hợp tác, thúc đẩy và huy động nguồn lực để cung cấp các dịch vụ số phục vụ người dân và doanh nghiệp; phát triển chính quyền số, tạo động lực phát triển kinh tế số, kinh tế dữ liệu.
TTCĐS sẽ đóng vai trò kết nối, huy động các nguồn lực từ các trường viện, các tổ chức trong và ngoài nước trong công tác nghiên cứu và phát triển các giải pháp công nghệ mới, phát triển các dịch vụ số phục vụ xây dựng chính quyền số…
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức trao quyết định, chúc mừng thành lập Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Trung tâm được thành lập trên cơ sở vận dụng cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Nghị quyết 98), là trung tâm đầu tiên trong cả nước được lập ra để triển khai, vận hành những nền tảng số dùng chung quy mô toàn thành phố. Đồng thời, TTCĐS sẽ vận dụng cơ chế thuê chuyên gia mà HĐND TPHCM vừa thông qua để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để nghiên cứu ứng dụng và đổi mới sáng tạo cho hoạt động chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh”, bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc TTCĐS TPHCM, cho biết.
Người dân dễ dàng tham gia đời sống số
Ngay sau lễ ra mắt TTCĐS (ngày 30-1), Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi giao nhiệm vụ cho trung tâm, bắt tay ngay vào công việc để triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số năm 2024, góp phần thực hiện thành công chủ đề năm của TPHCM là “Quyết tâm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98 của Quốc hội”.
Từ tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà thành phố ưu tiên là triển khai các nền tảng, dịch vụ số giúp nâng cao chất lượng phục vụ người dân, đem lại tiện ích cho người dân, doanh nghiệp như: dịch vụ công trực tuyến; bản đồ số dùng chung… và đặc biệt là việc xây dựng “ứng dụng di động công dân”, ứng dụng di động duy nhất giúp tương tác giữa người dân và chính quyền thành phố.
“Với ứng dụng di động công dân, người dân được cung cấp thông tin, dịch vụ số cũng như nhận các thông tin hoạt động, thông báo, cảnh báo của chính quyền thành phố về các lĩnh vực cấp thiết trong cuộc sống như: giáo dục, y tế, giao thông vận tải, quy hoạch - xây dựng, dịch vụ công… kể cả những thông tin phản ánh, kiến nghị, hiến kế của người dân”, ông Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc TTCĐS TPHCM, cho biết.
TTCĐS cũng đặt mục tiêu giai đoạn 2025-2030 phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế về chuyển đổi số và đô thị thông minh. Theo đó, hầu hết các dịch vụ của chính quyền cung cấp cho người dân, doanh nghiệp sẽ được thực hiện trên môi trường số.
Trung tâm giúp khai thác, chia sẻ dữ liệu đất đai, quy hoạch, xây dựng, giao thông, y tế, giáo dục; tối ưu hóa và phát triển hạ tầng số dùng chung của thành phố, đảm bảo hoạt động của chính quyền số… Tiến tới hình thành mạng lưới cán bộ chuyên trách chuyển đổi số từ TTCĐS đến các sở ban ngành, quận huyện, TP Thủ Đức có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu; phát triển mạng lưới các trung tâm nghiên cứu và phát triển (data labs) tại các trường đại học, viện nghiên cứu và phát triển các mô hình hợp tác công tư, huy động nguồn lực tư nhân tham gia xây dựng chính quyền số.
“Hiện TTCĐS là đơn vị vừa thành lập với nhiều khó khăn, thử thách nên rất cần sự hỗ trợ, tiếp sức và phối hợp của Sở TT-TT cũng như các sở ngành, đơn vị để trung tâm hoạt động hiệu quả, cùng đóng góp cho TPHCM”, bà Võ Thị Trung Trinh chia sẻ.
TTCĐS TPHCM ra đời trên cơ sở tiếp nhận Trung tâm CNTT-TT của Sở TT-TT và được bổ sung một số chức năng nhiệm vụ, như khai thác tối đa các công nghệ số và dữ liệu, mở rộng hợp tác, thúc đẩy và huy động nguồn lực để cung cấp các dịch vụ số phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng thuận tiện, dễ dàng, an toàn.
Trung tâm có nhiệm vụ phát triển nền tảng số, phát triển dữ liệu số… đồng thời tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng, chuyển giao các nền tảng, sản phẩm công nghệ số, phát triển dịch vụ số phục vụ xây dựng chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số và đô thị thông minh.