TPHCM: Đào tạo nhân lực phục vụ chuyển đổi số nông nghiệp

(ĐTTCO) - Sau hơn 10 năm triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, TPHCM đạt được nhiều kết quả quan trọng khi có tới trên 800.000 lao động được đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật.
Anh Bùi Minh Thắng (32 tuổi, ấp 5, xã Hòa Phú, Củ Chi) chăm chút sản phẩm ở Trang trại Nấm 10 Sài Gòn.
Anh Bùi Minh Thắng (32 tuổi, ấp 5, xã Hòa Phú, Củ Chi) chăm chút sản phẩm ở Trang trại Nấm 10 Sài Gòn.

Thời gian tới, TPHCM hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Làm giàu với nông nghiệp công nghệ cao

Khởi nghiệp với mô hình sản xuất phôi nấm bào ngư, nấm linh chi…, anh Bùi Minh Thắng (32 tuổi, ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi) thất bại do không nắm vững kỹ thuật. Không nản, anh tiếp tục nghiên cứu và tham gia một số lớp học chuyển giao kỹ thuật do Đoàn Thanh niên Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM phối hợp Huyện đoàn Củ Chi tổ chức.

Sau khóa học, được hỗ trợ vay thêm vốn, anh Thắng mạnh dạn đầu tư thêm nhiều trang thiết bị như máy phun sương, máy tự động điều chỉnh nhiệt độ nhà trại, phòng nuôi cấy meo giống, đồng thời chuyển đổi từ lò đun củi sang lò hơi. Hiện tại, Trang trại Nấm 10 Sài Gòn của anh đã phát triển trên diện tích 3.000m2, mỗi tháng xuất ra thị trường khoảng 80.000 túi phôi, cao điểm đạt 120.000 túi. Trừ chi phí, mỗi năm anh Thắng thu về khoảng 2,2 tỷ đồng lợi nhuận.

Tương tự, mô hình Trang trại Trồng rau ăn lá của anh Trần Văn Tam (31 tuổi, ngụ xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) với cây trồng chủ lực là rau cải sạch, trồng trên diện tích 2ha, cho bình quân lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm và tạo được việc làm cho 15 lao động. Anh Tam chia sẻ, trồng rau ăn lá rất thích hợp với thổ nhưỡng địa phương, thời gian sinh trưởng 27-30 ngày, hệ số quay vòng vốn nhanh, năng suất cao dẫn đến hiệu quả kinh tế cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Thị Hằng cho hay, thời gian qua, toàn huyện đã có khoảng 18.000 LĐNT được tư vấn học nghề. Việc triển khai đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả quan trọng. Từ việc phải chủ động tìm kiếm các lớp học nghề, nay người dân dễ dàng tiếp cận các chương trình đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu.

Đào tạo nghề sát nhu cầu của địa phương

Theo đánh giá của Sở LĐTB-XH TPHCM, đào tạo nghề cho LĐNT, nhất là khu vực ngoại thành, được các địa phương áp dụng nhiều mô hình sáng tạo, sát với thực tiễn. TPHCM có khoảng 800.000 LĐNT đã qua đào tạo, tỷ lệ LĐNT có việc làm đạt 85%. Tuy nhiên, trước sức ép cạnh tranh hiện nay, việc đào tạo nghề cho LĐNT đòi hỏi phải có chuyển biến mạnh về mô hình, chương trình, phương thức đào tạo để giúp LĐNT của thành phố chủ động tiếp cận khoa học kỹ thuật, vận dụng vào sản xuất kinh doanh.

Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm thông tin, UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2025. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên 85%; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp…

Ở góc độ đào tạo, ThS Bùi Thanh Hùng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Trung cấp Kỹ thuật Nông nghiệp TPHCM, cho biết, từ năm 2010 đến nay, nhà trường đã thực hiện chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên cho khoảng 12.000 LĐNT. Năm 2023, trường được Sở NN-PTNT TPHCM giao đào tạo nghề cho 1.300 người, dự kiến sẽ mở 35 lớp, với các nghề: trồng rau thủy canh; trồng rau mầm; trồng hoa lan trên các giá thể; phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực như bò sữa, heo, tôm, cá cảnh.

Là địa bàn nông thôn có đông lao động cần đào tạo, bà Lê Thị Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, chia sẻ, công tác đào tạo nghề cho LĐNT luôn được huyện quan tâm thực hiện. Tính riêng năm 2022, số LĐNT được đào tạo là 1.400 người, trong đó có 134 lao động được đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp; tỷ lệ có việc làm sau khi đào tạo đạt 90,39%. Huyện cũng thường xuyên khảo sát số LĐNT có nhu cầu học nghề cũng như nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong KCN Hiệp Phước và KCN Long Hậu (Long An).

Qua đó đề xuất danh mục nghề, “đặt hàng” cơ sở dạy nghề đào tạo LĐNT bám sát với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện cũng thu thập, nhập liệu lên phần mềm quản lý trên 35.000 phiếu đăng ký học nghề và đã thực hiện đăng ký nhu cầu đào tạo nghề cho 800 LĐNT trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, phấn đấu hết năm 2023 đạt 1.500 người.

Các tin khác