Trong con mắt của nhà đầu tư nước ngoài, TPHCM có nhiều ưu thế tạo nên sức hấp dẫn. Ông Alistair Sawer, người sáng lập, Giám đốc Điều hành Công ty TLC Modular Construction, luôn chia sẻ quan điểm đó sau hơn 30 năm đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Hoạt động chính của công ty là giải pháp nhà ở đúc sẵn, với nhu cầu rất lớn trên toàn cầu.
Phát triển nhà máy ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, song ông Alistair Sawer chọn quận 1, TPHCM, làm nơi đặt trụ sở công ty. “Việc đặt trụ sở chính tại đây tạo cơ hội cho chúng tôi kết nối với khách hàng khắp Việt Nam và Đông Nam Á, bởi thành phố các bạn ngày càng trở thành trung tâm kết nối các nước trong khu vực”, doanh nhân người Anh này chia sẻ. Theo ông, sự nhộn nhịp và năng động của TPHCM luôn thu hút các đối tác quốc tế tìm kiếm cơ hội hợp tác. Người dân và chính quyền thành phố khá cởi mở với những ý tưởng mới, do vậy rất thuận lợi cho các dự án khởi nghiệp mới.
Trong buổi gặp gỡ lãnh đạo TPHCM diễn ra mới đây, ông Kho Ngee Seng Roy, Tổng Lãnh sự Singapore tại TPHCM, thông tin, TPHCM là địa phương đầu tiên mà doanh nghiệp Singapore nghĩ đến khi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam. Ông nói, số lượng vốn và dự án đầu tư thực tế của doanh nghiệp Singapore vào thành phố sẽ tiếp tục tăng lên khi họ cam kết làm ăn và phát triển kinh doanh lâu dài. Singapore hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại TPHCM, với số vốn đầu tư chiếm tới 25% tổng vốn đầu tư nước ngoài tại thành phố.
Funding Societies là tập đoàn tài chính số lớn nhất khu vực Đông Nam Á dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Tập đoàn này có mặt ở TPHCM từ năm 2021 và đã giải ngân hơn 100 triệu USD. Ông Ryan Galloway, Giám đốc Điều hành Funding Societies Việt Nam, chia sẻ về mong muốn mời các đối tác của mình sang TPHCM cùng đầu tư. Trong khi đó, ông Seck Yee Chung, Giám đốc Công ty Luật TNHH Baker & McKenzie, một trong những hãng luật nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, tổng kết 20 năm qua là “hành trình rất phấn khởi và mang lại nhiều thành tựu tốt”. Ông bày tỏ rất vui vì đã đến TPHCM và mong được làm việc nhiều thập niên nữa ở đây.
Đến với TPHCM làm ăn kinh doanh và yêu quý mảnh đất này, các nhà đầu tư nước ngoài cũng có nhiều điều mong muốn để có được môi trường đầu tư thuận lợi hơn. Giám đốc Alistair Sawer mong muốn thành phố luôn duy trì môi trường thông thoáng cho nhà đầu tư, thủ tục hành chính được đơn giản hóa và tiếp cận thông tin ngày càng thuận tiện. Để cạnh tranh với các khu vực khác, TPHCM cũng cần thiết kế những ưu đãi riêng, đặc biệt là với các ngành nghề, lĩnh vực mà thành phố đang muốn thu hút đầu tư. Trong khi đó, các nhà đầu tư Singapore mong muốn có thêm nhiều thông tin về dự án thu hút đầu tư, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai.
Ông Seck Yee Chung hoan nghênh việc TPHCM ưu tiên phát triển các trung tâm dữ liệu và cho rằng, nếu có thể mở rộng khả năng tiếp cận thông tin, sẽ có nhiều nhà đầu tư nữa đến đây. Đó là thông tin cụ thể về kế hoạch chuyển đổi hay gia hạn ở những khu công nghiệp, khu chế xuất đã sắp hết thời hạn sử dụng đất; là các thông tin về quy hoạch phân khu chức năng, kế hoạch phát triển hạ tầng… Dù nhiều thủ tục hành chính đã được giải quyết trực tuyến nhưng nhà đầu tư mong thành phố tiếp tục cải tiến mạnh mẽ hơn nữa quy trình, thủ tục hành chính, làm sao giải quyết hồ sơ một cách nhanh nhất cho doanh nghiệp.
Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) vừa công bố, năm 2023, TPHCM trở thành quán quân thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5,85 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2022.
TPHCM hiện cũng dẫn đầu cả nước về số dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với hơn 12.300 dự án. Trong đó, Khu Công nghệ cao TPHCM là khu vực đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với các dự án công nghệ cao. Tại đây hiện có 50 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ USD. Riêng nơi đây có hơn 10 tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới hiện diện như: Intel, Jabil, Rockwell Automation (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Italy), Sanofi (Pháp), TTI (Đức)…
Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu của Khu Công nghệ cao TPHCM đạt từ 20-23 tỷ USD/năm, chiếm 52% kim ngạch xuất khẩu của thành phố.