TPHCM: Đẩy nhanh xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục, công nghệ

(ĐTTCO) - Từ ngày 1-8, TPHCM bắt đầu thực hiện cơ chế đặc thù mới theo Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
TPHCM: Đẩy nhanh xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục, công nghệ

Đón nhận Nghị quyết 98 với tâm thế phấn khởi, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương khẳng định sẽ đẩy nhanh quá trình triển khai thực hiện để sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống.

Ông NGUYỄN VĂN ĐỨC, Chủ tịch UBND quận 12:

Khởi công nhiều dự án trường học, công trình công cộng

Quận 12 sẽ chủ động rà soát các cơ chế, chính sách có sự thay đổi theo Nghị quyết 98 nhằm kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quận chủ động triển khai thực hiện ngay khi có hướng dẫn của thành phố. Trong đó, tập trung rà soát các quy trình, thủ tục hành chính có liên quan trực tiếp đến người dân, việc thực hiện các dự án đầu tư công… Quận 12 chỉ đạo UBND 11 phường cơ cấu lại số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường… để báo cáo đề xuất UBND TPHCM trình HĐND TPHCM quyết định số lượng phù hợp.

Bên cạnh đó, qua rà soát, quận 12 tiếp tục kiến nghị UBND TPHCM bố trí kinh phí để thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt là các công trình giáo dục, công trình công viên cây xanh… cấp thiết trên địa bàn quận. Quận kiến nghị thành phố hỗ trợ thu hồi 14 khu đất để xây dựng các công trình công cộng, trong đó có công trình trường học. Trước đó, bằng nỗ lực vượt khó, quận 12 đã khởi công xây mới Trường Tiểu học Thới An (20 phòng học), Trường Tiểu học Nguyễn An Khương (20 phòng học), tổng mức đầu tư của 2 ngôi trường này trên 100 tỷ đồng và sẽ được đưa vào sử dụng trong năm học 2023-2024.

Ông VÕ ĐỨC THANH, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh:

Đề xuất thí điểm xây dựng các công trình dân sinh

Huyện Bình Chánh đã đưa vào sử dụng 50 trường học mới, với 1.529 lớp học. Tuy nhiên, số lượng học sinh trên địa bàn huyện tăng khoảng 4.000 em/năm, trường lớp vẫn đang bị quá tải. Trong khi đó, trên địa bàn hiện có hàng chục dự án xây mới trường lớp đang gặp khó khăn về bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Với những cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, chúng tôi tin tưởng những dự án trên sẽ được thành phố tháo gỡ, giúp huyện giải quyết nhu cầu cấp bách về trường lớp đã kéo dài trong nhiều năm qua. Đồng thời, huyện Bình Chánh mong muốn được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư để bổ sung vốn đầu tư công trung hạn cho các dự án trường học này.

Huyện Bình Chánh cũng đề xuất thí điểm thực hiện đầu tư xây dựng mới các tuyến đường giao thông trên địa bàn theo hình thức đối tác công tư; đề xuất cải tạo, mở rộng các tuyến đường hiện hữu theo hình thức BOT (xây dựng - chuyển giao) để đảm bảo mật độ giao thông được nâng lên. Theo đó, huyện đề xuất khai thác 2 khu đất dọc theo tuyến đường Vành đai 3 (xã Phạm Văn Hai, diện tích khoảng 688ha) và 1 khu đất tiệm cận với tuyến đường Vành đai 3 (các xã Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, diện tích khoảng 415ha).

Nếu các khu đất này được khai thác thì sẽ cùng với các KCN Phạm Văn Hai I, II (khoảng 668ha, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý) góp phần phát triển đô thị phía Tây thành phố. Bên cạnh đó, huyện đề xuất thí điểm đầu tư xây dựng Khu Văn hóa đa năng huyện Bình Chánh theo hình thức đối tác công tư để đáp ứng nhu cầu phục vụ văn hóa tinh thần cho người dân.

Ông NGUYỄN VIỆT DŨNG, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM:

Kích thích nguồn lực xã hội đầu tư vào đổi mới sáng tạo

Trong nghị quyết 98, ở lĩnh vực KH-CN có một số chính sách hứa hẹn sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, giúp huy động nguồn lực xã hội để thúc đẩy hoạt động ứng dụng KH-CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) cho thành phố.

Nhìn chung, có hai nhóm chính sách chính. Nhóm chính sách thứ nhất là thu hút nguồn lực của xã hội để đầu tư cho hoạt động KH-CN và ĐMST. Cụ thể là các chính sách miễn giảm thuế cho các cá nhân, các tổ chức tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu phát triển và ĐMST. Chính sách này tác động tích cực đến nhiều tổ chức, như vườn ươm KH-CN, doanh nghiệp khởi nghiệp và đặc biệt là các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST…

Chính sách miễn giảm thuế sẽ thu hút nhiều hơn nguồn lực, kể cả đầu tư nước ngoài, và đây được xem là điểm mấu chốt chính. Việc miễn giảm thuế sẽ giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp có thêm nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động, vì trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST, yếu tố mạo hiểm rất cao.

Nhóm chính sách thứ hai là tháo gỡ một vài chính sách liên quan đến kinh phí, thù lao, hỗ trợ kinh phí theo chức danh… của các đơn vị KH-CN công lập cũng như hoạt động nghiên cứu ĐMST. Chính sách này giúp cho đội ngũ nghiên cứu yên tâm làm việc.

Hiện nay, các lĩnh vực công nghệ cao ưu tiên đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao và cần sự đầu tư của Nhà nước. Nghị quyết 98 đã kịp thời đưa vấn đề này vào, không chỉ giúp Nhà nước thu hút lực lượng nhân lực chất lượng cao mà còn tạo sự yên tâm nghiên cứu phát triển và ĐMST trong lĩnh vực công nghệ cao.

Để KH-CN phát triển, yếu tố then chốt quyết định vẫn là nguồn lực của xã hội đầu tư cho hoạt động này vì nguồn lực của Nhà nước có giới hạn. Các quốc gia trên thế giới đã có con số thống kê: đầu tư cho KH-CN chiếm từ 5% đến 6% GDP, trong đó nguồn lực Nhà nước chỉ chiếm 10%-20%, còn lại là nguồn lực xã hội, doanh nghiệp đầu tư…; vì vậy chính sách miễn giảm thuế rất quan trọng, khuyến khích đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu phát triển, ĐMST.

Ông NGUYỄN VĂN TRƯỜNG, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM:

Kích hoạt lại các dự án văn hóa, giáo dục

Nghị quyết 98 đã tạo điều kiện cho TPHCM được mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa. Theo danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM (gọi tắt là Ban) và Sở VH-TT TPHCM đã thống nhất lập chủ trương đầu tư 25 dự án văn hóa, thể thao có tổng mức đầu tư hơn 19,4 triệu tỷ đồng.

Do khó khăn về nguồn vốn nên hiện nay, Ban chỉ được thành phố giao phối hợp Sở VH-TT TPHCM lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 12 dự án (tổng mức đầu tư dự kiến 9.385.485 tỷ đồng). Sau khi Nghị quyết 98 được triển khai, Ban sẽ phối hợp Sở VH-TT TPHCM đề xuất thành phố những danh mục dự án phù hợp để thí điểm việc xã hội hóa theo tinh thần của nghị quyết.

Riêng dự án xây mới Trường THPT Tenlơman (quận 1) bị “treo” gần 17 năm, và dự án này không có trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của thành phố. Tại kỳ họp thứ 8, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND TP đã thông qua các nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách địa phương; kế hoạch đầu tư công năm 2023. Ban đã phối hợp Sở GD-ĐT TPHCM lập báo cáo đề xuất đối với dự án “Xây dựng mới và cải tạo Trường THPT Tenlơman”.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án có một số nội dung vướng mắc về công tác bảo tồn, quy hoạch nên chưa thể khởi công. Ban phối hợp với Sở GD-ĐT TPHCM, Sở VH-TT TPHCM lên phương án phù hợp để trình UBND TPHCM. Đồng thời phối hợp Sở QH-KT TPHCM xin ý kiến UBND TPHCM chấp thuận chủ trương lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu TPHCM (khu 930ha) tại khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão.

Các tin khác