Sáng 4-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023. Dự hội nghị ở đầu cầu TPHCM có các ông: Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin, qua 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội TPHCM nói riêng, cả nước nói chung có những chuyển biến tích cực, nhất là trong quý 2. Kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và người dân ở mọi mặt như hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, nhất là trong công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Đặc biệt, TPHCM tăng trưởng trở lại trong quý 2, các chỉ số như sản xuất công nghiệp, doanh thu bán lẻ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu… đều có sự chuyển biến tích cực. Thành phố cũng rất tập trung, quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Cụ thể, thành phố đã và đang giải quyết 113/232 kiến nghị của nhóm doanh nghiệp nhà nước, 169/189 kiến nghị thuộc 148 dự án bất động sản và 20/44 dự án về chủ trương đầu tư, gia hạn chủ trương đầu tư.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Bên cạnh đó, TPHCM tập trung cao thúc đẩy các dự án đầu tư công cũng như mua sắm công. Về giải ngân vốn đầu tư công, đến ngày 30-6, thành phố đã giải ngân trên 15.400 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch năm. Kết quả này tuy chưa đạt mục tiêu đến cuối quý 2, nhưng cao gấp 9 lần so với quý 1 và gấp 2,4 lần cùng kỳ 2022.
Ngoài ra, tổng doanh thu dịch vụ tăng 7,1%, du lịch tăng 62,7%. “Những động lực tăng trưởng trong quý 2 là rất tích cực. Đặc biệt, thành phố đã khởi công dự án đường Vành đai 3, đây là kết quả của sự nỗ lực cả hệ thống chính trị”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Đại biểu dự hội nghị. Ảnh:VIỆT DŨNG |
Đánh giá thời gian tới còn nhiều khó khăn, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định thành phố sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, gắn với triển khai các chủ trương, chính sách đã ban hành trong 6 tháng đầu năm.
Đặc biệt, TPHCM tập trung quyết liệt để triển khai nghị quyết thay Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM gắn với kế hoạch triển khai Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Trong đó, tập trung tham mưu nghị định Chính phủ hướng dẫn thực hiện nghị quyết mới; chuẩn bị tổ chức hội nghị triển khai thực hiện nghị quyết, các tổ công tác.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy các động lực tăng trưởng; tháo gỡ khó khăn, thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân theo nội dung nghị quyết thay Nghị quyết 54; tiếp tục triển khai chương trình kích cầu khuyến mãi tiêu dùng, du lịch; có chương trình hỗ trợ xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục tập trung điều hành chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách đã ban hành trong 6 tháng đầu năm. Cùng với đó cần tiếp tục giải quyết các tồn đọng về thị trường bất động sản, trái phiếu, các thủ tục về PCCC, đăng kiểm; sớm phê duyệt kế hoạch sắp xếp doanh nghiệp nhà nước của thành phố.
TPHCM cũng kiến nghị Bộ KH-ĐT tiếp tục phối hợp cùng TPHCM hoàn thiện đề án xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế. Theo Bộ KH-ĐT, trong 6 tháng đầu năm 2023, dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội đã dần chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng đã có bước tăng trưởng.
Nhiều địa phương thuộc các vùng động lực quan trọng đã có mức tăng trưởng GRDP quý 2 cao hơn quý 1, cũng như cao hơn mức bình quân chung cả nước. Trong đó, TPHCM tăng 5,9% (quý 1 chỉ tăng 1,1%); Bình Dương tăng 5,7% (quý 1 tăng 1,7%); Đồng Nai tăng 4,8% (quý 1 tăng 3,1%); Bắc Giang tăng 13,8% (quý 1 tăng 8,1%); Vĩnh Phúc tăng 3,8% (quý 1 giảm 4,5%)...