Ông Phan Văn Mãi phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị đánh giá việc tiếp thu, triển khai các ý kiến, hiến kế của Hội đồng để triển khai Nghị quyết 98 mang lại hiệu quả cao trong thời gian ngắn.
Năm 2025, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, đồng chí Phan Văn Mãi đánh giá đây là mục tiêu thách thức với thành phố, thành phố đặt mục tiêu cao để phấn đấu, nhưng phải có cơ sở. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến nhanh, sẽ tác động đến phát triển của TPHCM. Chủ tịch đề nghị các chuyên gia phân tích, gợi ý để vượt qua những thách thức trước mắt, hướng đến phát triển bền vững, lâu dài.
Bên cạnh đó, cả nước đang thực hiện cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy, đó là việc tổ chức lại phương thức tổ chức, quản lý, điều hành kinh tế thông qua thay đổi về tổ chức bộ máy. TPHCM đang chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, để đề xuất Trung ương ban hành luật quản lý đô thị đặc biệt TPHCM.
Trong bối cảnh hiện nay, ông Phan Văn Mãi đề nghị Hội đồng góp ý về mô hình tổ chức bộ máy phù hợp với thành phố trong bối cảnh hiện nay. Theo Chủ tịch, trong năm 2025, thành phố phải hoàn thiện thể chế, bộ máy để có nền tảng đầy đủ, bắt đầu nhiệm kỳ mới.
TS Trần Du Lịch phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng khẳng định Nghị quyết 98 ra đời là lần đầu tiên TPHCM có được các cơ chế đặc thù trên nhiều lĩnh vực để thành phố phát triển với mục tiêu, tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị. Trong đó, nhóm các cơ chế, chính sách về phân cấp, ủy quyền đã cơ bản đi vào cuộc sống. Nhóm cơ chế huy động nguồn lực, như mô hình TOD, PPP lĩnh vực VH-TT, BOT trên đường giao thông hiện hữu, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương… Đến nay, TPHCM đã ban hành một số chính sách, chuẩn bị nhiều dự án để huy động nguồn lực.
TS Trần Du Lịch nhấn mạnh, TPHCM đã triển khai Nghị quyết 98 đúng với tinh thần và mang lại những kết quả thiết thực, bước đầu đã thể hiện được mục tiêu thúc đẩy, tạo động lực cho TPHCM phát triển. Bên cạnh đó, còn một số nội dung cần tiếp tục triển khai như tín chỉ carbon, điện áp mái, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược các ngành mũi nhọn.
TS Trần Du Lịch đề nghị các thành viên Hội đồng tập trung thảo luận đóng góp ý kiến, hiến kế để TPHCM là địa phương đi đầu, động lực tăng trưởng của cả nước. Đó là các vấn đề về tình hình kinh tế thế giới; các chính sách vĩ mô; việc huy động các nguồn lực; những giải pháp từ đầu năm để thúc đẩy tổng cung, cầu, những loại nào tác động trực tiếp, những loại nào tạo nền tảng giai đoạn 2026-2030.
Chuyên gia thảo luận tại cuộc họp. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đẩy mạnh tái cơ cấu các khu công nghiệp
PGS-TS Vũ Minh Khương (thành viên Hội đồng) góp ý nhiều giải pháp để TPHCM tăng trưởng 2 con số. Trong đó, bên cạnh đổi mới sáng tạo, TPHCM cần nâng cao trình độ quản lý của các doanh nghiệp và chuyển dịch cơ cấu các khu công nghiệp.
Theo PGS-TS Vũ Minh Khương, khi TPHCM chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống thành trung tâm dữ liệu, các lĩnh vực mới… thì hàng chục tỷ USD đầu tư sẽ đổ vào nhanh. Bởi, hiện nay trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh, đòi hỏi các trung tâm dữ liệu lớn và phải đặt gần đô thị lớn.
Bên cạnh đó, TPHCM có trên 220.000 doanh nghiệp đang hoạt động, TPHCM cần rà soát, tiếp sức, khơi dậy nguồn lực của các doanh nghiệp này để các doanh nghiệp phát triển, đóng góp vào phát triển chung của thành phố. Chuyên gia cũng kiến nghị TPHCM mạnh dạn áp dụng các loại phí để nâng cao chất lượng phục vụ của nền hành chính.
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn thảo luận. Ảnh: VIỆT DŨNG
TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn (thành viên Hội đồng) Nghị quyết 98 cho rằng định hướng chiến lược cho TPHCM phát triển TOD. Nếu thành phố làm tốt sẽ là hạng mục đi đầu giúp TPHCM đạt tăng trưởng 2 con số và những dự án này kỳ vọng kéo các lĩnh vực khác phát triển.
Theo chuyên gia, khi phát triển TOD không chỉ là metro mà cần nhấn mạnh đến hệ sinh thái TOD, bao gồm giao thông và các dự án trọng điểm. Chuyên gia cho rằng metro muốn hoạt động tốt thì phải trên nền tảng hệ thống xe buýt bao trùm và kết nối với các hạ tầng khác như sân bay, đường thủy. Đồng thời, phát triển các dự án lớn, dự án trọng điểm, các khu đô thị để huy động nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển.
Ngoài ra, muốn triển khai hiệu quả TOD, cần có hệ thống pháp luật tương ứng, do đó, cần sự hỗ trợ của Trung ương trong việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hiệu quả từ bồi thường giải phóng mặt bằng, đấu giá đất, xác định ranh giới vùng ảnh hưởng của TOD, kêu gọi nhà đầu tư… để triển khai nhanh, đồng bộ các dự án, tránh việc phải đi xin cơ chế cho từng dự án.
TS Trương Minh Huy Vũ thông tin về định hướng hoạt động của Hội đồng trong năm 2025. Ảnh: VIỆT DŨNG
TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM (Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng) cho biết, năm 2025, Hội đồng tiếp tục theo dõi và đề xuất các giải pháp trong quá trình tổ chức triển khai các nội dung của Nghị quyết 98 đã được HĐND TPHCM thông qua hoặc UBND TPHCM cho ý kiến. Tiếp tục tổ chức một số hội thảo, tọa đàm về các vấn đề thuộc 6 nhóm lĩnh vực trong Nghị quyết 98.
Đồng thời, tiếp tục tư vấn triển khai có hiệu quả bốn nhóm nội dung Thành phố đang triển khai: PPP đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật – xã hội, nhất là các công trình văn hóa và thể thao; mô hình TOD; thu hút nhà đầu tư chiến lược; nhóm vấn đề về tăng trưởng xanh, trong đó có giao thông xanh, điện áp mái, Cần Giờ Xanh, thí điểm thị trường tín chỉ carbon.
Cụ thể, Hội đồng nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng triển khai Khu thương mại tự do tại Cần Giờ; hỗ trợ nghiên cứu xây dựng nền công vụ hiện đại, ưu tú hiệu lực, hiệu quả; nghiên cứu tiến tới mô hình đô thị đặc biệt cho thành phố.
Bên cạnh đó, phối hợp, đóng góp ý kiến xây dựng đề án “Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM” theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị; hoàn chỉnh đề án “Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM” trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đóng góp vào chủ đề và các nội dung của Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2025.
Cùng với đó, tham gia góp ý, thảo luận về bộ tiêu chí đánh giá về tăng trưởng xanh, xây dựng lộ trình giảm phát thải về Netzero đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tham gia vào các chương trình nghị sự nhằm thu hút thành công các nhà đầu tư chiến lược thế hệ mới vào thành phố như chip, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo.