UBND TPHCM vừa triển khai Chương trình giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến năm 2020.
Các giải pháp cụ thể là: quy hoạch tổng thể phát triển giao thông - vận tải; tập trung đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối với các khu đô thị vệ tinh; phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, ưu tiên phương tiện có sức chở lớn, từng bước cải thiện tình trạng ùn tắc và kéo giảm tai nạn giao thông.
Ngoài việc khai thác hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông hiện hữu, TP sẽ mở rộng các hẻm nối thông giữa các tuyến đường, giảm áp lực giao thông cho các tuyến chính và các nút giao thông, kết hợp chỉnh trang đô thị, khu dân cư để các tuyến vận tải hành khách công cộng có thể đến từng khu dân cư. TP lập quy hoạch chi tiết để kêu gọi đầu tư hoặc đầu tư từ ngân sách đối với các nút giao thông quan trọng.
Trong giai đoạn 2011-2015, UBND TP đề ra các chỉ tiêu: có thêm 210km đường và 50 cây cầu đưa vào sử dụng; mật độ đường giao thông đạt 1,87km/km²; tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,18%; vận tải hành khách công cộng đô thị đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại; kìm hãm và giảm dần ùn tắc giao thông. Giảm 5% số vụ, số người chết và người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm so với năm trước đó.
![]() |
Nút giao thông Hàng Xanh thường bị ùn tắc do mật độ xe quá lớn. |
Để chủ động được nguồn vốn, UBND TP đẩy mạnh chương trình kêu gọi đầu tư hạ tầng hàng năm, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải bằng các phương thức hợp tác BOT, BTO, BT. Các nguồn vốn huy động được sẽ tập trung đầu tư xây dựng đường vành đai, đường xuyên tâm, đường trên cao, các tuyến đường sắt đô thị (metro, tramway, monorail) và các công trình giao thông tĩnh (bến xe, bãi đậu xe…).
Trong 5 năm tới, TPHCM sẽ hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, cơ bản phủ kín trên địa bàn, tăng khả năng kết nối thuận tiện với đường hàng không và hệ thống đường sắt, đường thủy đô thị trong tương lai. Tiến hành lập quy hoạch một số tuyến đường có làn dành riêng hoặc ưu tiên cho xe buýt, tổ chức các tuyến xe buýt nhanh khối lượng lớn (BRT).
TP đề ra kế hoạch di dời các bến xe khách liên tỉnh hiện hữu ra các bến xe mới theo quy hoạch. Xây dựng hoàn tất các đầu mối trung chuyển xe buýt, thực hiện mục tiêu điều chỉnh luồng tuyến xe buýt theo quy hoạch; tổ chức khai thác các dịch vụ tại các đầu mối trung chuyển xe buýt nhằm tạo nguồn thu để bù đắp một phần kinh phí trợ giá cho xe buýt. Đầu tư mới phương tiện xe buýt, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị và có cơ chế quản lý đối với taxi, phà...
TP sẽ ưu đãi đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng theo hướng Nhà nước tập trung vốn đầu tư giải phóng mặt bằng, kết hợp Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phương tiện và các hệ thống thiết bị, trong đó Nhà nước chỉ đầu tư khởi động để tạo thị trường hoặc tham gia đầu tư thông qua cơ chế cho vay vốn ưu đãi (bao gồm cả các nguồn vốn ODA) hoặc miễn giảm thuế, bảo lãnh tín dụng, còn doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện đầu tư phát triển cung ứng dịch vụ. Bên cạnh đó, từng bước triển khai thu phí sử dụng hạ tầng giao thông đô thị đối với các phương tiện cơ giới cá nhân.