Người được hỗ trợ là người lao động tự do bị mất việc làm, giảm sâu thu nhập, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trường hợp người được hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên, thì chỉ được hưởng 1 lần hỗ trợ. TPHCM không hỗ trợ người tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Điều kiện hỗ trợ là: người lao động tự do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 có nơi cư trú hợp pháp trên địa bàn TPHCM (trường hợp tạm trú thì cần có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận); không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn 4 triệu đồng/người/tháng (mức chuẩn cận nghèo của TPHCM giai đoạn 2021-2025).
Người lao động tự do làm 1 trong 6 công việc: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng); thu gom rác, phế liệu; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các ngành nghề, lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND TPHCM tại Công văn số 1749 ngày 30-5-2021.
Cụ thể là spa, cơ sở làm đẹp (cắt uốn tóc nam nữ, nail), massage, xông hơi; phòng khám thẩm mỹ, bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ. Người làm tại các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; sân khấu ca nhạc, sân khấu kịch, rạp chiếu phim; trung tâm – nhà hàng tiệc cưới; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo mô hình buffet có tổ chức hát với nhau.
Các điểm karaoke, vũ trường, quán bar, pub, beer club; các địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng, thư viện. Người làm việc tại phố đi bộ, chợ đêm, công viên; các cơ sở kinh doanh thể dục thể thao, các khu tập luyện thể thao công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị điện máy trên địa bàn TPHCM.
Qua khảo sát ban đầu từ TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, toàn TPHCM có khoảng 230.000 người thuộc các diện nêu trên. Trong đó, riêng người buôn gánh bán bưng, bốc vác, bán vé số là hơn 70.000 người.
Theo dự thảo chính sách hỗ trợ chuẩn bị trình HĐND TPHCM trong kỳ họp đầu tiên của HĐND TPHCM khóa X nhiệm kỳ 2021-2026 (họp trong ngày 24 và 25-6), mức dự kiến hỗ trợ là 50.000 đồng/người/ngày khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, với số tiền hỗ trợ một lần khoảng 1,5 triệu đồng/người.
Như vậy, tổng số tiền hỗ trợ người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khoảng 345 tỷ đồng.
Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách TPHCM, Quỹ phòng chống dịch Covid-19 TPHCM.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn yêu cầu Phòng LĐTB-XH các quận, huyện, TP Thủ Đức chuẩn bị sẵn danh sách người lao động tự do bị ảnh hưởng dịch Covid-19 ở từng phường, xã, thị trấn.
“Các địa phương cần chuẩn bị sẵn sàng để khi HĐND TPHCM thông qua Nghị quyết về việc hỗ trợ, Sở sẽ trình UBND TPHCM ban hành kế hoạch triển khai, ngay lập tức thực hiện, hỗ trợ nhanh nhất tới người lao động tự do. Thủ tục phải đơn giản nhất, triển khai nhanh gọn nhất”, ông Lê Minh Tấn chỉ đạo.
Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cũng yêu cầu Phòng LĐTB-XH TP Thủ Đức và 21 quận, huyện chú trọng việc công khai chế độ hỗ trợ, để người dân kịp thời nắm bắt và thụ hưởng chính sách.“TPHCM chia sẻ với tinh thần một miếng khi đói bằng một gói khi no, mọi người đùm bọc, chia sẻ, nâng đỡ cùng nhau sớm vượt qua dịch bệnh”, ông Lê Minh Tấn nói.