Liên quan đến đề xuất đưa lãi suất tiền gửi về 0% mới đây của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho rằng đây là đề xuất không khả thi, thiếu thực tế.
Thứ nhất, VAFI so sánh lãi suất của Việt Nam với các nước như châu Âu, Mỹ và một số nước trong khu vực là khập khiễng, vì rủi ro nền kinh tế và rủi ro của cácdoanh nghiệp Việt Nam là cao hơn.
Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB, trong khi một số nước trong khu vực - có mặt bằng lãi suất thấp - hạn mức tín nhiệm cũng cao hơn nhiều. Ví dụ Trung Quốc đã gần lên mức A. Rủi ro cao thì đương nhiên lãi suất sẽ phải cao hơn.
Thứ hai, lạm phát Việt Nam đang ở mức cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm nay, dự báo lạm phát của nước ta vào khoảng 3,5% đến gần 4%. Trong khi các nước đang phát triển ở châu Á dự kiến khoảng 2%, toàn thế giới dự kiến khoảng 2,5 - 2,8%. Do đó lãi suất của chúng ta cũng phải cao hơn.
Thứ ba, việc giảm lãi suất sẽ tác động tiêu cực đến thanh khoản hệ thống ngân hàng. Giả sử lạm phát 3,5%, nhưng lãi suất tiền gửi chỉ 0%, thì người gửi tiền vào ngân hàng sẽ phải chịu lãi suất thực âm. Khi đó, người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng. Hậu quả là ngân hàng sẽ âm tiền gửi, không có tiền cho vay, tác động không chỉ đến thanh khoản hệ thống mà còn đến cung tiền cho toàn bộ nền kinh tế.
Thứ tư, nếu lãi suất giảm về 0%, người dân sẽ ồ ạt rót vốn vào các kênh đầu tư rủi ro khác như: chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số, thậm chí là mua vàng, mua USD... Điều này xảy ra sẽ làm náo loạn xã hội.
Liên quan đến đề xuất của VAFI về việc nắn dòng tiền tiết kiệm rót vào trái phiếu thay vì vào tiết kiệm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng người dân gửi tiết kiệm ngân hàng an toàn gần như tuyệt đối, trong trường hợp ngân hàng phá sản còn có bảo hiểm tiền gửi. Trong khi đó, trái phiếu doanh nghiệp là kênh đầu tư rủi ro. Nếu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phá sản, người dân sẽ mất trắng.
“Trái phiếu, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chỉ chiếm khoảng 20% nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế. Ngân hàng vẫn cung ứng khoảng gần 50%”, TS. Lực nói.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, VAFI đang nhầm lẫn giữa lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương và lãi suất thực tế của các ngân hàng thương mại.
Theo chuyên gia này, một số quốc gia khi nền kinh tế rơi vào tăng trưởng âm đã đưa lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cơ bản về mức 0%, chứ không ngân hàng thương mại nào trên thế giới có lãi suất tiền gửi 0%.
Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam cũng đang phục hồi khá tốt, GDP 6 tháng dự kiến tăng 5,8%, nhiều doanh nghiệp cũng đang khát vốn, sẵn sàng vay ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu với lãi suất 10 - 12% mà vẫn khó khăn, thì đề xuất lãi suất tiền gửi 0% là không thực tế, thậm chí rất hài hước.