Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%, chính sách được nhiều nền kinh tế phát triển áp dụng.
Theo VAFI, lãi suất tiền gửi 0% bảo đảm lãi suất cho vay cực thấp (2-5%), qua đó kích thích hệ thống doanh nghiệp và thị trường chứng khoán phát triển, bảo đảm an sinh xã hội cho người thu nhập thấp và trung bình mua nhà ở, tiêu dùng với lãi suất tín dụng thấp.
Từ Anh, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol chia sẻ với Dân trí quan điểm phản bác đề xuất này. Dưới đây là toàn văn bài viết:
Đề xuất đốt nóng thị trường tài chính và bất động sản
Việc hạ lãi suất tiền gửi mạnh về mức 0% có thể ngay lập tức khiến Việt Nam bị xem là có hành động can thiệp mạnh về chính sách tiền tệ, để hạ giá đồng tiền thông qua điều chỉnh giảm lãi suất. Trong bối cảnh chúng ta đang bị quan sát về thao túng tiền tệ, đây sẽ là bước đi sai lầm, làm gia tăng căng thẳng về vấn đề này.
Nếu lấy con số lãi suất gần 0% của Thái Lan để so sánh, chúng ta cũng cần nhìn vào việc đồng tiền baht mất giá hơn 5% trong vài tháng đầu năm để tham khảo. Liệu VND mất giá 5% so với USD có khiến Việt Nam bị đặt câu hỏi thao túng tiền tệ bởi Mỹ hay không? Cần nhớ rằng Việt Nam đang nằm trong danh sách quan sát còn nhiều nước lãi suất 0% thì không.
Thứ hai, lãi suất tiền gửi giảm về 0% sẽ khiến tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng, chuyển sang các kênh như vàng, ngoại tệ, cổ phiếu, đất đai, "đốt nóng" thị trường tài chính và bất động sản. Đây là hiện tượng được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảnh báo gần đây.
Ngoài ra, lãi suất cho vay phải được giữ ở mức cao vì nhiều lý do. Trong đó có việc giải quyết các khoản nợ xấu thông qua việc dùng lợi nhuận để bù đắp. Việc hạ lãi suất đầu vào nhưng tiền không đi vào hệ thống ngân hàng có thể chỉ làm tăng chi phí vốn chứ không tạo ra kết quả ngược lại.
Việc các nền kinh tế lớn giữ lãi suất tiền gửi ở mức rất thấp hay gần bằng 0% xuất phát từ yếu tố lạm phát của họ cũng rất thấp hoặc là số âm như Nhật Bản và Đức. Khi lạm phát Mỹ tăng quá mục tiêu 2%, chúng ta có thể thấy hội đồng chính sách tiền tệ Mỹ đã đưa ra ngay chính sách đẩy lãi suất chính sách về 2% trong năm 2023.
Tuy nhiên, rất nhiều cố vấn kinh tế cao cấp của các đảng đã chỉ trích vô cùng mạnh mẽ sự chậm trễ này của Fed. Họ cho rằng Fed đã sai lầm nghiêm trọng khi không kịp thời khóa van bơm tiền và trì hoãn việc này quá lâu.
Việt Nam không ở điều kiện tương tự khi chúng ta chỉ mới thành công trong việc khống chế lạm phát vài năm qua ở dưới mức 3-4%.
Mỹ đã bắt đầu phát tín hiệu đi vào điểm cuối của chu kỳ bơm tiền, đang chuẩn bị tăng lãi suất và rút lại thanh khoản. Các nhà phân tích cũng dự báo một số nước châu Âu sẽ tăng lãi suất lại trong năm nay. Trong lúc này, Việt Nam không nên lỗi nhịp với chu kỳ tiền tệ của thế giới.
Song song đó, nhiều quốc gia có lãi suất tiền gửi 0% sở hữu cấu trúc dân số già. Thứ họ dư thừa là tiền vốn. Chi phí vốn do đó rất thấp và cần cho vay ra ngoài như Nhật Bản.
Việt Nam chúng ta ở trạng thái khác khi đang trong cấu trúc dân số vàng. Các phúc lợi an sinh xã hội cho người dân chưa được cao như nhiều nước nên nhu cầu tiết kiệm của người Việt lớn. Người dân cần có kênh đầu tư an toàn để ký thác tiền tiết kiệm cũng như tạo ra lãi suất hợp lý.
Sự co hẹp lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ tạo ra những hệ lụy kinh tế xã hội khó lường và chỉ làm giàu cho một số ít người thông qua việc đốt nóng thị trường tài chính và bất động sản.
Cố tình lập lờ?
Đề xuất hướng dòng tiền nhàn rỗi vào thị trường trái phiếu với lãi suất 2%/năm, để đưa dần lãi suất tiền gửi về 0% cũng không có cơ sở khoa học và thực tiễn nào. Khi lãi suất tiền gửi bị đẩy về 0%, người dân có rất nhiều kênh có thể đạt mức sinh lời trên 2% nhưng rủi ro cao hơn, như trái phiếu doanh nghiệp, cho vay không chính thức, cổ phiếu.
Những nghiên cứu trên thế giới cũng như thực tiễn cho thấy người dân sẽ có xu hướng nghe theo người quen, đi bỏ tiền vào những kênh lãi suất cao kèm với rủi ro mất tiền. Ở Việt Nam, 2% là một mức lãi suất quá thấp để người dân quan tâm, và họ sẽ chạy đi bỏ vốn vào những nơi rủi ro hơn.
Vậy vì sao ở nhiều nước, người dân mua trái phiếu nhiều? Vì đó là kênh đầu tư tích lũy hưu trí miễn thuế. Trong quỹ hưu trí đó, doanh nghiệp sẽ tự bỏ thêm tiền vào cùng với người lao động. Ví dụ cá nhân đóng 10% thu nhập, công ty bỏ thêm 30% nên ai cũng bỏ tiền vào đó. Và việc này đã diễn ra nhiều thập kỷ.
Đồng thời, đề xuất này lập lờ về những con số vĩ mô kèm theo như lạm phát và thanh khoản thị trường, tỷ lệ tiền gửi so với cho vay, tỷ lệ tiết kiệm cao đột biến của các nước trong đại dịch Covid-19 so với Việt Nam.
Việc chỉ nhìn vào con số lãi suất mà không đề cập đến nền tảng vĩ mô, cấu trúc xã hội, dân số, chính sách tiết kiệm và đầu tư là vô cùng thiếu sót. Hoặc đây là một đề xuất do thiếu hiểu biết, hoặc là do cố tình lập lờ để trục lợi chính sách.