TPHCM đứng đầu cả nước về năng lực cạnh tranh logistics

(ĐTTCO)-Top 5 tỉnh, thành có điểm số năng lực Cạnh tranh Logistics cao nhất gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Hà Nội.

Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Phước Long ICD, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Bốc dỡ hàng hóa tại Cảng Phước Long ICD, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vừa công bố Báo cáo Chỉ số năng lực Cạnh tranh Logistics (LCI) cấp tỉnh của Việt Nam năm 2022.

Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước, tiếp đến là Hải Phòng, Bình Dương; Bà Rịa-Vũng Tàu và Hà Nội đồng hạng tư.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết Báo cáo Chỉ số năng lực Cạnh tranh Logistics cấp tỉnh của Việt Nam được VLA khởi xướng với sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu gồm Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) và Dream Incubator (DI).

Đây hoạt động cụ thể hóa nhiệm vụ "Xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và doanh nghiệp dịch vụ logistics theo Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Báo cáo Chỉ số năng lực Cạnh tranh Logistics cấp tỉnh năm 2022 được thực hiện lần đầu tiên tại Việt Nam với thời gian khảo sát hơn một năm từ tháng 8/2022 đến tháng 11/2023.

Trong hơn một năm qua, các chuyên gia trong nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát với quy mô cỡ mẫu lớn, tiến hành hàng trăm giờ phỏng vấn sâu và hàng chục cuộc họp báo cáo cập nhật tiến độ cũng như tham vấn định kỳ với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu.

Trong Báo cáo LCI năm 2022, 26 tỉnh và thành phố đã được lựa chọn dựa trên sự nổi bật về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), khối lượng hàng hóa luân chuyển và số lượng doanh nghiệp logistics.

Kết quả có 21 địa phương ở tất cả các vùng kinh tế trong cả nước được đánh giá và xếp hạng LCI.

Với thang điểm 0-100, 21 tỉnh thành này đã nhận được số điểm từ 43,3 đến 74,3 điểm.

Top 5 tỉnh, thành có điểm số cao nhất gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Hà Nội.

Có 5 địa phương trong danh sách đánh giá dự kiến nhưng chưa được nhóm nghiên cứu xếp hạng do không nhận được phiếu kết quả khảo sát đầy đủ của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics (LSP) là Lạng Sơn, Thái Nguyên, Nghệ An, Thanh Hóa và Thái Bình.

Ngoài ra, một số địa phương thể hiện tiềm năng phát triển logistics nhưng chưa được đưa vào danh sách đánh giá năm 2022 như Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Khánh Hòa.

Dự kiến trong lần đánh giá tiếp theo, các địa phương này cùng với các địa phương có tiềm năng về logistics khác sẽ được lựa chọn để đưa vào danh sách các tỉnh thành cần thực hiện đánh giá LCI.

Các tin khác