Chiều 28-4, tại buổi họp báo về kinh tế - xã hội, phóng viên đặt câu hỏi về tình hình thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt (gọi tắt nhân tài) từ khi có quyết định 17 năm 2019 của UBND TP.HCM.
Trao đổi lại, ông Lâm Hùng Tấn - phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - cho biết ngay sau khi TP có quyết định 17, các ngành của TP rà soát và tổng hợp nhu cầu thu hút chuyên gia, nhà khoa học và nhân tài.
Theo đó, TP có nhu cầu thu hút 14 vị trí vào làm việc tại Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Khoa học - công nghệ, Ban quản lý Khu công nghệ cao và Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, số lượng dự tuyển giới hạn và qua rà soát, thẩm định chỉ tuyển chọn được 5 chuyên gia, nhà khoa học vào công tác tại Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.
Hiện nay, các nhà khoa học, chuyên gia được tuyển chọn đang được bố trí công việc đúng nhiệm vụ kêu gọi và chưa có trường hợp nào nghỉ việc. Theo đánh giá bước đầu, các chuyên gia và nhà khoa học đang thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Trong năm 2021, TP cũng có kế hoạch tuyển 6 người có tài năng cho lĩnh vực văn hóa của TP. Trong đó 2 vị trí thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và 4 vị trí thuộc lĩnh vực giải pháp.
Dù vậy, do thời gian qua dịch bệnh diễn biến phức tạp nên việc đăng ký vào các vị trí còn hạn chế, chưa tuyển chọn được. Có một số trường hợp ở nước ngoài do khó khăn về di chuyển nên chưa thể đến Việt Nam để phỏng vấn.
"Thời gian tới, dịch bệnh được kiểm soát, hy vọng việc tuyển chuyên gia, nhà khoa học và nhân tài vào làm việc tại các lĩnh vực TP đang có nhu cầu sẽ thuận lợi hơn. Làm sao để hướng tới TP sẽ là nơi, môi trường để các chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt có điều kiện phát huy và góp phần vào sự phát triển TP", ông Tấn cho hay.
Trao đổi thêm về việc khó thu hút như vậy thì năm 2022 TP.HCM có tiếp tục chính sách thu hút, ông Tấn cho hay quyết định 17 năm 2019 về chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài được thực hiện theo nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP.HCM.
Theo nghị quyết, hết năm 2022, TP sẽ tổng kết, đánh giá và tiếp tục kiến nghị xây dựng nghị quyết mới. Với nhu cầu phát triển của TP trong thời gian tới sẽ phải tiếp tục mở rộng các chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và nhân tài cho nhu cầu của các ngành.
Theo quyết định 17 năm 2019 của UBND TP.HCM, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt được hưởng mức trợ cấp ban đầu (chỉ áp dụng một lần và áp dụng cho lần ký hợp đồng đầu tiên) 100 triệu đồng.
Số tiền này nhằm khuyến khích và tạo điều kiện giúp ổn định công tác. Người có tài năng đặc biệt được hưởng mức hỗ trợ sinh hoạt phí theo năng lực, thành tích cá nhân đã đạt được là 30-50 triệu đồng/người/tháng.
Mức hỗ trợ này đã gồm tiền lương, các khoản phụ cấp kèm theo lương nếu có mà người có tài năng đặc biệt được hưởng theo quy định pháp luật.
Riêng chuyên gia, nhà khoa học sẽ được chi trả mức lương hằng tháng với số tiền bằng mức lương cơ sở nhân với hệ số bảng lương chuyên gia cao cấp.
Giáo sư, phó giáo sư hưởng bậc 2 (hệ số 9,40), các trường hợp còn lại được hưởng bậc 1 (hệ số 8,80).
Tiền lương hằng tháng nêu trên đã bao gồm tiền công lao động, chi phí phương tiện đi lại làm việc, tiền công làm thêm giờ, ngoài giờ…
Trường hợp chuyên gia, nhà khoa học thực hiện tốt nghĩa vụ hợp đồng, có thành tích xuất sắc, có nhiều cống hiến, được tiếp tục ký hợp đồng cho giai đoạn tiếp theo được hưởng mức lương cao hơn một bậc so với hợp đồng lần đầu tiên.
Ngoài ra, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt còn được bố trí nhà công vụ. Nếu không bố trí được nhà công vụ thì được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở (không vượt quá 7 triệu đồng/người/tháng).
Cơ quan, đơn vị tiếp nhận có trách nhiệm tạo điều kiện, bố trí phương tiện đi lại làm việc cho chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt trong khả năng, điều kiện của mỗi đơn vị.