Sau khi chợ đầu mối Hóc Môn tạm thời đóng cửa, 2 chợ đầu mối lớn còn lại của TPHCM là Thủ Đức và Bình Điền đã chủ động kết nối, tạo điều kiện cho thương lái từ chợ Hóc Môn nhập hàng, tăng công suất hoạt động đảm bảo đủ nguồn hàng cung cấp ra thị trường. Góp phần hạn chế tình trạng thiếu hàng tạm thời.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (cung cấp rau, củ quả, trái cây chủ yếu cho TPHCM) cho biết ngay sau khi chợ đầu mối Hóc Môn đóng cửa, đơn vị đã chủ động tăng nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là rau củ từ Đà Lạt, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.
"Đêm ngày 28/6, tổng lượng nông sản về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức đạt mức 3.574 tấn, tăng 178 tấn so với ngày trước đó. Trong đó lượng rau về chợ tăng mạnh, tăng hơn 200 tấn, riêng lượng nông sản của tỉnh Lâm Đồng chiếm từ 40-50%", ông nói.
Linh hoạt nguồn cung tại 2 chợ Bình Điền, Thủ Đức
Theo ông Nhu, do một số thương lái trước đây nhập hàng cho chợ đầu mối Hóc Môn đã chuyển sang nhập ở chợ Thủ Đức và nhiều người kinh doanh cũng chủ động tăng nhập rau củ, trái cây, khiến lượng hàng về chợ tăng. Dự kiến trong các ngày tới hàng hóa về chợ sẽ tăng thêm", ông Nhu cho hay.Theo Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, 2 chợ đầu mối đang hoạt động đủ sức tiếp nhận hết lượng hàng trong thời gian chợ Hóc Môn ngừng hoạt động.
Tương tự, tại chợ đầu mối Bình Điền, lượng thịt, rau củ quả về chợ ngày 28-6 cũng ghi nhận tăng lên so với trước. Ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty quản lý và linh doanh chợ Bình Điền cho biết tổng lượng thịt heo về chợ trong ngày tăng 1.000 con so với ngày 27-6, chủ yếu do tiếp nhận từ thương lái ở chợ đầu mối Hóc Môn.
"Lượng rau, củ về chợ cũng tăng khoảng 30%. Vì chợ Hóc Môn đóng cửa, người kinh doanh chuyển sang chợ Bình Điền nhập hàng nên đến 8h sáng nay, lượng thịt, rau củ quả tại chợ đã hết sạch", ông nói.
Ngoài ra, ông Tân cho biết giá nông sản tại chợ ổn định, riêng thịt heo, giá có giảm xuống do lượng hàng dồi dào. "Chợ Bình Điền có diện tích, kho bãi rất rộng lên đến 50 ha, gấp 10 lần chợ Hóc Môn nên dù lượng hàng về chợ có tăng thêm chợ vẫn sẽ đủ cho số lượng hàng hóa tập kết", ông thông tin.
Ông Tân cho biết Ban giám đốc chợ Bình Điền đã tổ chức tiêm vaccine 100% cho thương nhân nhưng chợ vẫn yêu cầu nghiêm ngặt thương nhân phải thực hiện khai báo y tế điện tử cho mình, người lao động và đối tác đến giao dịch tại chợ.
"Trường hợp chủ ô vựa không thực hiện khai báo y tế điện tử thì công ty sẽ yêu cầu tạm ngừng kinh doanh", ông nói.
"Chợ đầu mối Bình Điền có diện tích lên đến 50 ha, gấp 10 lần chợ Hóc Môn nên dù lượng hàng về chợ có tăng thêm chợ vẫn sẽ đủ cho số lượng hàng hóa tập kết", ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty quản lý và linh doanh chợ Bình Điền.
"Ngoài ra, thương nhân cũng tự điều phối mua - bán và giao hàng trực tiếp. Bên cạnh đó, mạng lưới siêu thị, cửa hàng tiện lợi rộng khắp thành phố và các đơn vị này có nguồn hàng dồi dào nên không sợ thiếu”, ông Dũng thông tin.
Lượng hàng cung cấp cho 2 chợ đầu mối ổn định
Trước đó, chợ đầu mối Hóc Môn - chợ sỉ thịt heo lớn nhất của TPHCM - phải tạm ngừng đóng cửa 7 ngày đã khiến nhiều người lo ngại lượng thịt tại chợ thiếu hụt nguồn cung, tăng giá. Tuy nhiên, khảo sát tại một số chợ trên địa bàn TPHCM ngày 28-6, lượng thịt tại các chợ dồi dào, giá ổn định.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết ngày 28-6, lượng heo từ Đồng Nai về chợ đầu mối Bình Điền khoảng 2.200 tấn, tổng cộng khoảng 5.500 con; giá heo hơi ở mức 73.000-75.000 đồng/kg.
Ông Bùi Thế, Phó giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng cũng cho rằng số lượng rau, củ quả Lâm Đồng cung cấp về thị trường TPHCM chủ yếu ở chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức, còn chợ đầu mối Hóc Môn chỉ chiếm số lượng ít nên việc đóng cửa tạm thời đầu mối này không gây ảnh hưởng.
"Việc đóng cửa chợ đầu mối Hóc Môn không ảnh hưởng nhiều đến nguồn cung rau, củ từ Lâm Đồng về thành phố. Hiện lượng nông sản về TPHCM vẫn ổn định, phía Sở Công Thương Lâm Đồng đã thông tin đến các doanh nghiệp, hiệp hội trên địa bàn để họ chủ động có kế hoạch tiêu thụ hàng hóa", ông nói.
Hiện, TPHCM có 1.962 điểm cung ứng thực phẩm gồm 106 siêu thị, 220 chợ truyền thống, 1.636 cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. Các điểm này đều triển khai kế hoạch dự trữ, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng lượng thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn thành phố.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, khẳng định trong bối cảnh nhiều chợ truyền thống phải tạm dừng hoạt động như hiện nay, các kênh bán lẻ hiện đại trên địa bàn hoàn toàn bù đắp được nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Các siêu thị, bên cạnh phương thức bán hàng trực tiếp, đã tổ chức và tăng cường bán hàng online. Một bộ phận người tiêu dùng cũng đã hạn chế đến chợ, siêu thị và tận dụng kênh mua sắm này", ông nói.