TPHCM hiện có dân số đông nhất nước với 8,4 triệu người thường trực (dân số tĩnh), khoảng 2,5-3 triệu người đến trong thời gian ngắn hạn (dân số động: vãng lai, khách du lịch từ bên ngoài đến). Như vậy dân số TP gia tăng gần đạt ngưỡng cực đại của đô thị, trong khi cơ sở hạ tầng không theo kịp và các dịch vụ xã hội cũng có hạn định. Thực tế này đang đặt ra bài toán khó giải cho dân số TPHCM.
Đừng nhồi nhét vào trung tâm
Theo kịch bản mang tính dự báo dân số của đề án “Điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến 2040, tầm nhìn 2060”, khả năng dân số TP có thể tăng lên 16 triệu vào năm 2040; 27 triệu vào năm 2060 và cuối thế kỷ 21 có thể tới 30 triệu.
Trong bối cảnh như thế, câu hỏi quan trọng đặt ra quy mô dân số tối đa của TP là bao nhiêu? TP cần kiểm soát và khống chế dân số hay cứ để phát triển tự do?
Có 2 quan điểm: Thứ nhất, cho rằng không thể và không được cấm đoán người nhập cư, vì đó là quyền cơ bản được ghi trong Hiến pháp và là quyền con người (nhân quyền). Thứ hai, cần có những biện pháp để kiểm soát dòng nhập cư.
Thí dụ, phân bổ dân cư để không nén quá cao vào vài điểm trong nội thành; tạo ra sức đẩy và sức hút để chuyển dòng người nhập cư ra các khu vực khác; chọn lọc dân cư làm sao nâng cao chất lượng dân cư theo hướng “tinh hoa”.
Trên thực tế, các TP lớn của Singapore, Malaysia, Trung Quốc hay châu Âu đều có những phương thức khác nhau để kiểm soát và khống chế dân số. Họ không chủ trương thả nổi dân số, bởi các TP được coi là “cục nam châm khổng lồ” hút nhân lực, là nơi có nhiều cơ hội sống, hay nói như người Việt Nam là “đất lành chim đậu”.
Nếu không khi tài nguyên cạn kiệt ắt hẳn sẽ xảy ra xung đột nếu cố gắng nhồi nhét nhau vào một diện tích hạn chế sẽ tạo ra TP đông đúc, nhưng kết cục là chia nhau cái nghèo như Mexico city, Sao Paulo (Brazil), Dakca (Bangladesh)…
Tạo lực đẩy để giải nén khu trung tâm
TPHCM có diện tích 2.100km2, nhưng dân số chủ yếu tập trung ở 14 quận nội thành và vài quận đô thị hóa mới. 90% dân số TP (7,6 triệu người) được nén trong diện tích khoảng 750km2 (bằng 1/3 TP). Trong đó mật độ dân số, tổ chức vật chất được nén cao nhất trong diện tích 170km2, gồm các quận 1, 3, một phần quận 4, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận.
Việc giải nén được đặt ra từ năm 2000, và thu được những kết quả khả quan, khi dân số không còn tăng đột biến như giai đoạn 2000-2010, tuy vẫn còn tăng nhưng trong khả năng chịu đựng được.
(Khu vực có mầu xanh đen là nơi tập trung dân số cao nhất ở vùng lõi) .
Đó là việc dãn dân ra khỏi trung tâm TP và đón dòng nhập cư đã được thực hiện bằng các giải pháp mang cùng lúc 2 nhân tố “đẩy và hút”, bao gồm hành chính, luật, kinh tế và xã hội.
Từ năm 2005, TPHCM thực hiện các chính sách dân số chặt chẽ hơn mang yếu tố “đẩy”. Đó là các quy định buộc các đơn vị kinh doanh, sản xuất và hành chính sự nghiệp có nhân lực đông, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải di dời ra bên ngoài.
Trong đó, việc di chuyển các cơ sở ô nhiễm ra vành đai được coi tương đối thành công, bởi cùng với di chuyển các cơ sở này là lượng nhân lực đông đảo đi cùng. TPHCM cũng khống chế việc xây chung cư cao tầng, cao ốc văn phòng, khách sạn có quy mô lớn, nhằm khống chế việc gia tăng thêm dân số. Tuy muộn, nhưng giải pháp này đã phát huy tác dụng tích cực.
Tuy nhiên, việc di chuyển các trường học, bệnh viện thành công ít hơn. Cho đến nay mới di chuyển được sinh viên 2 trường Khoa học - Xã hội - Nhân văn và Ngân hàng, còn các trường khác vẫn chưa có động thái nào như Kiến trúc, Kinh tế, Sư phạm, thậm chí nhiều trường còn mở rộng quy mô bằng cách cơi nới, xây chèn.
Các cửa hàng, văn phòng trước kia chỉ loanh quanh ở trung tâm nay đã dãn dần ra bên ngoài, phát triển theo các trục đường chính lan ra đến Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức… Một bộ phận dân cư có mức sống trung bình trở xuống cũng có xu hướng dịch chuyển ra xa vì giá cả hàng hóa, dịch vụ, giá nhà đất, các loại thuế trong vùng trung tâm quá đắt đỏ.
Việc sử dụng thuế, phí, giá hàng hóa này được coi là các giải pháp mang nhân tố “đẩy” hiệu quả, bước đầu đã mang lại hiệu ứng tốt, từ năm 2015, dân số khu vực trung tâm không còn tăng mạnh như các giai đoạn trước, có một số phường dân số tăng không đáng kể.
Phát triển các trung tâm vệ tinh bên ngoài TP
Phát triển các trung tâm vệ tinh bên ngoài TP
Cùng với lực đẩy là tạo ra “lực hút” để hút người ở bên trong nội ô ra vành đai bên ngoài, cùng với đó là chặn dòng từ bên ngoài vào. Đó là việc chú trọng phát triển các trung tâm dịch vụ vệ tinh ở bên ngoài TP như bệnh viện, trường học, siêu thị, các khu dân cư mới nhằm hút dân cư ra bớt bên ngoài.
Việc hình thành một số bệnh viện ở Bình Chánh như Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM (quy mô 1.000 giường bệnh, tổng mức đầu tư gần 4.500 tỷ đồng), Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Củ Chi, Bệnh viện Ung bướu 2 ở TP Thủ Đức…, cho thấy sự nỗ lực theo hướng này.
Người dân từ các tỉnh đến TPHCM chữa bệnh không cần phải vào quận 1, 3, 5, mà có thể được cung cấp dịch vụ chất lượng cao ở các quận huyện ven TP.
Một thí dụ điển hình là siêu thị Aeon của Nhật Bản ở Tân Phú, Bình Tân ra đời đã làm cho bức tranh kinh doanh và đời sống ở khu vực này trở nên sôi động, tạo cú hích kéo theo nhiều loại dịch vụ khác lan tỏa ra xung quanh như nhà hàng, khách sạn, nhà trọ, thuê xe…
Như vậy, bên cạnh việc kiến tạo nên các khu đô thị mới từ các khu công nghiệp, nay được bổ xung thêm việc hình thành các khu cư trú mới từ chính các cụm siêu thị-dịch vụ. Việc TPHCM phát triển các TP mới như Tây Bắc Củ Chi, Hiệp Phước, TP Thủ Đức cũng là hình thức hút người bên trong ra và đón người bên ngoài khi di chuyển tới.
Dù bức tranh dân số của TPHCM đã có những cải thiện nhất định, nhưng rõ ràng TP sẽ vẫn là nơi hút nhân lực nhiều nhất, mạnh nhất cả nước. Do vậy cần có chiến lược dân số, trong đó xác định việc tái phân bổ cân bằng dân số, kiểm soát mức gia tăng dân cư hợp lý, tiếp nhận dân số chất lượng cao là trọng tâm.
Trong cấu trúc hình thái đô thị, dân số TPHCM tăng 20-25 triệu người, trong khi cơ cấu kinh tế, năng suất lao động vẫn không thay đổi, tài nguyên ở mức như hiện nay, đặc biệt đất đô thị không gia tăng, sẽ là thảm họa khôn lường. |