Tìm sự đồng thuận
Với kế hoạch vốn giao hơn 122 tỷ đồng, trong 3 tháng đầu năm 2023, UBND quận 11 đã giải ngân được hơn 47 tỷ đồng (đạt 39%), thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt nhất của thành phố. Ông Nguyễn Trần Bình, quyền Chủ tịch UBND quận 11, cho biết, số vốn này chủ yếu tập trung cho dự án đường Vành đai Đầm Sen, đang thực hiện đảm bảo tiến độ. Hiện nay, UBND quận 11 tập trung cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời các hộ dân bị ảnh hưởng, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 5 để cuối quý 2-2023 có thể khởi công xây lắp.
Theo quyền Chủ tịch UBND quận 11, dự án đường Vành đai Đầm Sen có khoảng 180 hộ dân bị ảnh hưởng, tới nay, hầu hết các hộ đã nhận kinh phí bồi thường. Chính sách bồi thường, tái định cư được tính toán với nhiều phương án để người dân lựa chọn nên nhận được sự đồng thuận cao.
“Quận khảo sát nhu cầu tái định cư, giới thiệu các vị trí căn hộ ở chung cư Phú Thọ hay một số quỹ nhà tái định cư khác của TPHCM, nhưng đa phần các hộ dân đều chọn chung cư ở khu vực gần trường đua Phú Thọ. Nơi đây gần với nơi ở cũ của các hộ dân bị giải tỏa, hạ tầng đường sá, trường học, bệnh viện, dịch vụ văn hóa giải trí cũng thuận lợi hơn. Do vậy, những căn hộ dù đã cũ nhưng xét đến những ưu điểm về vị trí thuận lợi nên người dân đồng thuận”, lãnh đạo UBND quận 11 chia sẻ.
Ở quận 6, trong quý I-2023, quận giải ngân hơn 38 tỷ đồng (đạt 23,36%), phấn đấu đến tháng 6 sẽ đạt trên 50% và cả năm đạt trên 95% kế hoạch. Nhìn lại thời gian trước đó, quận cũng có kết quả giải ngân tốt: năm 2021, giải ngân đạt 97,84%; năm 2022, giải ngân đạt 99,6%.
Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo khẳng định, quan điểm của quận trong đầu tư công, trước hết là xác định nhu cầu; sau đó là khi đăng ký vốn cũng xác định các dự án phải thực hiện được, tránh tình trạng đăng ký nhưng khi đi vào thực hiện lại vướng mắc.
Do vậy, quận ưu tiên hàng đầu cho các dự án không có bồi thường. Chẳng hạn, khi xác định nhu cầu trường lớp là cấp thiết, quận đã tập trung triển khai các dự án giáo dục và đến nay đã đạt 307 phòng học/vạn dân, cao hơn chỉ tiêu chung của thành phố là 300 phòng học/vạn dân. Ý nghĩa thiết thực của những công trình này, cùng với sự quyết liệt của chính quyền địa phương đã giúp nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công ở quận 6.
Tương tự, ở quận Gò Vấp, trong đợt I-2023, quận được giao vốn hơn 88 tỷ đồng. Đến hết ngày 31-3, quận giải ngân gần 24 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch. Những công trình giải ngân là dự án chuyển tiếp thuộc các lĩnh vực đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo trụ sở các cơ quan, đơn vị, xây dựng hệ thống thoát nước các tuyến đường, tuyến hẻm trên địa bàn quận, góp phần giải quyết nhu cầu làm việc ở các cơ quan, đơn vị và phục vụ nhu cầu dân sinh trên địa bàn.
Bám sát kế hoạch chi tiết
Chia sẻ về kết quả giải ngân vốn đầu tư công đợt 1-2023, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho hay, ngay từ đầu năm, UBND quận đã chỉ đạo các chủ đầu tư dự án trên địa bàn xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết giải ngân vốn của từng dự án. Đồng thời, quận cũng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh công tác thanh quyết toán các dự án bồi thường và nhiều dự án khác trên địa bàn.
Tại kỳ họp chuyên đề ngày 18-4, quận Gò Vấp được thành phố giao thêm vốn đầu tư công đợt 2-2023 là hơn 1.754 tỷ đồng. Trong đó, vốn giao cho dự án thành phần 2 bồi thường giải phóng mặt bằng mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa) là 1.750 tỷ đồng. Đây là dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ quận Gò Vấp nhiệm kỳ 2020-2025.
Dự án góp phần giải quyết, khắc phục các điểm nghẽn về giao thông, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu đi lại của người dân cũng như góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của quận trong thời gian tới. Với tổng vốn được giao 2 đợt là hơn 1.842 tỷ đồng, khá cao so với các năm trước, quận Gò Vấp đã ban hành kế hoạch thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, đáng chú ý là quận đề nghị Ủy ban MTTQ quận và các đoàn thể cùng giám sát việc thực hiện.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo chia sẻ, để được ghi vốn, quận “cắt cử” phòng ban tham mưu đeo bám sở ngành, bám đến từng chuyên viên, tháo gỡ ngay khó khăn vướng mắc chứ không phải gửi văn bản lên rồi ngồi chờ. Thường trực UBND quận hàng tuần nghe báo cáo tiến độ giải ngân. Nếu các phòng ban tham mưu của quận làm việc trực tiếp với các chuyên viên sở ngành để tháo gỡ, thì thường trực UBND quận làm việc với lãnh đạo các sở ngành để đảm bảo tiến độ.
Xây dựng kế hoạch chi tiết và bám sát tiến độ từng tuần, từng tháng cũng là kinh nghiệm mà các đơn vị đã thực hiện tốt trong thời gian qua. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (trực thuộc UBND TPHCM), năm nay, với dự án trọng tâm là Vành đai 3 TPHCM, số vốn cần giải ngân là 23.000 tỷ đồng - con số lớn chưa từng có, gấp hơn 10 lần số vốn hàng năm của ban.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM Lương Minh Phúc cho biết, ban đã xây dựng tiến độ giải ngân cho từng tháng, từng quý. Dự kiến đến hết quý 2-2023, tỷ lệ giải ngân đạt 46%, hết quý 3-2023 đạt 72% và hoàn thành 100% vào cuối năm nay.
Thời gian qua, công tác giải ngân vốn đầu tư công ở TPHCM nhìn chung là chậm. Năm 2022, tỷ lệ giải ngân đạt 71,3%. Nhưng 3 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân mới đạt 4%. Trong khi cả 2 năm (2022, 2023) TPHCM đều đặt mục tiêu giải ngân 95% trở lên.
Năm 2022, bên cạnh các nguyên nhân khách quan khiến giá cả vật liệu leo thang, ảnh hưởng đến kế hoạch thi công của nhà thầu, TPHCM xác định có tình trạng cơ quan chủ quản, chủ đầu tư dự án đầu tư công đăng ký bố trí vốn rất hạn chế để không bị giải ngân thấp. Từ đó, nhiều dự án kéo dài nhưng không được các chủ đầu tư đề xuất bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án trong năm.
Việc lập kế hoạch giải ngân của các đơn vị này cũng chưa sát. Tại hội nghị giao ban, các đơn vị thường xuyên báo cáo và khẳng định sẽ đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 95% nhưng đến hết năm tỷ lệ giải ngân thấp hơn nhiều so với đăng ký. Ngoài ra, còn có tình trạng “vốn chờ dự án”, tức là vốn đã bố trí nhưng hồ sơ thủ tục còn chưa hoàn tất, phải bổ sung, chỉnh sửa nhiều lần làm mất thời gian. Việc tham mưu quản lý, điều hành, thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022 chưa đạt hiệu quả.
Những tháng đầu năm 2023, TPHCM liên tục có chỉ đạo, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến hết quý 1-2023, vẫn có 25/61 đơn vị giải ngân 0 đồng và đã bị phê bình. Bước sang quý 2-2023, nhiều địa phương, đơn vị đang nỗ lực rất lớn để đạt được tỷ lệ giải ngân theo kế hoạch.