Và khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số GRDP của TPHCM quý I-2023 chỉ tăng 0,7%, lãnh đạo TPHCM đã quyết liệt vào cuộc vực dậy “đầu tàu” kinh tế này.
Có tiền nhưng không... tiêu được
Báo cáo của Kho bạc Nhà nước TPHCM, 2 tháng đầu năm giải ngân vốn đầu tư công từ ngân sách TP chỉ 369 tỷ đồng (đạt 1% so với kế hoạch). Còn vốn ngân sách Trung ương thậm chí chỉ giải ngân được 0,52% so với kế hoạch được giao. Năm 2023 TPHCM được Chính phủ phân bổ 70.518 tỷ đồng vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách Trung ương 13.880 tỷ đồng, vốn địa phương 5.225 tỷ đồng (tăng gần 2 lần so với 2022), vốn nước ngoài ngân sách Trung ương 1.413 tỷ đồng.
Phần lớn vốn đầu tư công của TPHCM dành cho các dự án hạ tầng quan trọng hoặc mang tính liên kết vùng, như đường Vành đai 3, Quốc lộ 50, nút giao An Phú, đường nối từ Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa (nối vào sân bay Tân Sơn Nhất).
Như vậy, sự “ì ạch” của kinh tế TPHCM chưa hẳn do thiếu tiền, mà do các vướng mắc khó khăn trong thủ tục đầu tư, quy định chồng chéo khiến cán bộ thụ lý e dè khi quyết định, nhất là trong bối cảnh nhiều vụ việc tiêu cực được phát hiện, xử lý.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TPHCM mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng, cho rằng sự tăng trưởng và phục hồi kinh tế của TPHCM có ý nghĩa rất lớn và quan trọng đối với tăng trưởng chung của cả nước. Do vậy, đà tăng trưởng của TPHCM liên tục giảm cần phải tìm nguyên nhân để tháo gỡ.
Từ năm 2021 đến nay, TPHCM chỉ có 8 dự án bất động sản được cấp mới. Trong khi đó bình quân mỗi năm của những giai đoạn trước có 70 dự án, thấp nhất 40 dự án; 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu tăng trưởng âm; xuất khẩu giảm sâu so với cùng kỳ; chỉ số PCI đứng thứ 27; giải ngân đầu tư công thấp; 22 dự án PPP đang tồn đọng chưa được giải quyết.
Nói về nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng ngoài những khó khăn chung do tình hình thế giới đang ở mức lạm phát tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, trong nước hệ thống chính sách chưa đồng bộ, một số vấn đề còn chồng chéo, những vấn đề nổi lên là tâm lý xã hội, niềm tin của thị trường.
Lấy thí dụ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết trong năm 2022, TPHCM gửi 584 văn bản lên hỏi Bộ KH-ĐT và Bộ trả lời 604 văn bản. Đáng lưu ý, hầu hết vấn đề hỏi đều thuộc thẩm quyền TP, cho thấy một bộ phận cán bộ của TP đang có tâm lý e dè, sợ trách nhiệm.
Góp ý với TPHCM, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Thành ủy TPHCM sớm có chủ trương, chỉ đạo, chỉ thị nhằm phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, đi đầu và bảo vệ người dám nghĩ dám làm. Phải cụ thể bằng chủ trương, chính sách rõ ràng, đồng thời rà soát lại công tác cán bộ, cần thì luân chuyển điều động bổ sung nhằm tạo xung lực và động lực mới. Ngoài ra, TPHCM cần có thêm những giải pháp để gỡ khó cho doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh.
Xốc lại tinh thần đi đầu, vượt khó
Ông Huỳnh Khắc Điệp, Bí thư Quận ủy Bình Tân, cho rằng kinh tế TP tăng trưởng kém nguyên nhân do dịch Covid đã rõ, nhưng nguyên nhân từ trách nhiệm công vụ của các sở, ngành cũng cần được xem xét nghiêm túc. HĐND TP đã có nhiều đợt giám sát, UBND TP cũng lập các tổ công tác tháo gỡ, nhưng tình hình giải ngân vẫn không khả quan hơn.
Nhấn mạnh về quy trình thủ tục, quy chế phối hợp giữa các sở, ngành và quận, huyện còn chậm trễ, ông Điệp nêu thí dụ quận Bình Tân đã 3 lần gửi kiến nghị cho sở, ngành nhưng chưa được trả lời. Chỉ đến khi đăng ký làm việc với Chủ tịch UBND TP, các sở mới biết có kiến nghị này.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, đã có tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, ngại khó dẫn tới việc tồn đọng nhiều hồ sơ. “TP đã có giải pháp để khắc phục tình trạng cán bộ chậm trễ, tránh né, sợ sai phạm không dám làm. TP đã phân công các cán bộ thường vụ báo cáo, thay đổi "cầu thủ", thậm chí thay đổi cả "huấn luyện viên".
Theo Bí thư Thành ủy, nhằm tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, TPHCM sẽ duy trì chế độ giao ban, thực hiện Chỉ thị 13 về tăng cường thực hiện các dự án đầu tư công để làm sao điều hòa vốn, cân đối, bố trí vốn cho các dự án. Ban Thường vụ Thành ủy phân công các thành viên Thường trực Thành ủy và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy làm tổ trưởng các tổ công tác của Ban Thường vụ Thành ủy, trực tiếp, thường xuyên giám sát, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai từng dự án và công tác giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình, dự án trọng điểm. Qua đó, kịp thời ghi nhận các vướng mắc về cơ chế, chính sách, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.
Theo danh sách phân công, có 13 tổ công tác thực hiện giám sát 38 dự án. Trong đó, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên theo dõi, kiểm tra, giám sát 3 dự án, gồm dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); giai đoạn 1 dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) và dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.
Các Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Thị Lệ, Nguyễn Hồ Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê… là tổ trưởng các tổ công tác giám sát những dự án quan trọng khác, như dự án nút giao thông An Phú; dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội; dự án thành phần 2 bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đường Vành đai 3…
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, việc lập 13 tổ công tác giám sát 38 công trình trọng điểm là dựa trên tinh thần "Việc nào cần chia sẻ thì chia sẻ, cần uốn nắn thì uốn nắn, cần tăng cường thì tăng cường, cần xử lý thì xử lý".
Sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo TP cùng những kiến nghị của TP với Trung ương sớm có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, lại một lần nữa kỳ vọng “Sài Gòn - TPHCM” sẽ nhanh chóng lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.