TPHCM: Chuyển đổi mô hình kinh tế xanh phải chấp nhận mức tăng trưởng thấp

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC về việc tăng trưởng của TPHCM đạt thấp, ông NGUYỄN QUANG HUÂN, đại biểu Quốc hội khóa 15, Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhận định giai đoạn đầu chuyển đổi bao giờ cũng làm chậm nhịp tăng trưởng vì chưa kịp thích ứng, sau đó mới dần hồi phục và bứt tốc.
TPHCM đang tập trung tái cơ cấu vào chiều sâu, tiên phong thực hiện "tăng trưởng xanh" và phát triển bền vững.
TPHCM đang tập trung tái cơ cấu vào chiều sâu, tiên phong thực hiện "tăng trưởng xanh" và phát triển bền vững.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, tăng trưởng GRDP của TPHCM quý I ở mức rất thấp 0,7%. Một trong những nguyên nhân được xác định do tỷ lệ giải ngân đầu tư công (ĐTC) rất thấp, không tạo ra được động lực tăng trưởng. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

Ông NGUYỄN QUANG HUÂN: - ĐTC của TPHCM rất quan trọng, vì đó là động lực kích thích tăng trưởng kinh tế. Song để giải ngân được ĐTC cũng không đơn giản. Bởi nó còn liên quan đến rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, vướng mắc hiện nay là các kế hoạch dự án đầu tư và tiến độ thực hiện đề ra có đúng và phù hợp chưa.

Thứ 2, đó là khâu đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án công trình cơ sở hạ tầng được thực hiện ra sao, nhất là trong bối cảnh Luật Đất đai đang sửa đổi, rất nhiều địa phương vẫn bị ách tắc ở khâu này, như về định giá đất, cơ chế đền bù còn bất cập.

Thứ 3, là vấn đề yếu tố con người. Cụ thể cán bộ, viên chức đã thực sự ổn định và yên tâm công tác chưa. Bởi thực tế thời gian qua một bộ phận cán bộ công chức chưa yên tâm, sợ sai, sợ trách nhiệm nên không dám làm.

TPHCM tăng trưởng chậm còn nhiều nguyên nhân khác xuất phát từ chính nội tại TP. Đó là khi TP đã phát triển đến ngưỡng “bẫy thu nhập trung bình”, sau đó muốn đẩy tốc độ tăng trưởng lên cao hơn hay duy trì tiếp tục như trước đó sẽ rất khó khăn, đòi hỏi phải có những động lực mới.

Thí dụ, mỗi năm nền kinh tế TPHCM chỉ có thể hấp thụ được khoảng 100.000 tỷ đồng, nhưng khi bơm gấp đôi số tiền ấy vào kinh tế sau đó vẫn dẫn đến ách tắc, không thể giải ngân được. Nguyên nhân do nội tại nền kinh tế của TP không hấp thụ được lượng vốn đó. Thêm vào đó, nguồn vốn ấy không kích thích cho tăng trưởng được nữa, nó chỉ đạt đến ngưỡng ấy thôi.

Do đó, muốn vượt được ngưỡng ấy, chỉ còn cách tăng năng suất lao động, áp dụng khoa học công nghệ, thay đổi phương tiện sản xuất. Lúc đó GRDP sẽ tăng mạnh, hiệu quả sử dụng vốn sẽ cao hơn. Điều này đòi hỏi TPHCM cần có “chiếc áo” rộng hơn để có thể tạo được động lực tăng trưởng mới.

- Trong định hướng phát triển kinh tế giai đoạn mới, TPHCM tập trung vào chiều sâu, tiên phong thực hiện “tăng trưởng xanh” và phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, TPHCM cần cơ chế đặc thù. Ông đánh giá thế nào?

- Từ cuối năm 2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nghị quyết 54 có thời hạn 5 năm và TPHCM sẽ tiến hành tổng kết, báo cáo Quốc hội. Nhìn lại quãng thời gian dài thực hiện Nghị quyết 54, TPHCM đã đạt được những thành tựu nhất định đối với sự phát triển. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung trong Nghị quyết vẫn chưa được tận dụng và phát huy.

Mặt khác, đến nay báo cáo đầy đủ về kết quả thực hiện Nghị quyết 54 vẫn chưa có, đúng hơn là đánh giá để từ đó rút kinh nghiệm về những gì đã làm được và chưa làm được chưa rõ ràng. Đây là điều TPHCM và Chính phủ cần thực hiện trong thời gian tới. Vì chỉ khi đánh giá được đầy đủ và rút kinh nghiệm qua việc thực hiện nghị quyết cũ, chúng ta mới kỳ vọng vào sự thay đổi tiến bộ ở Nghị quyết mới thay thế.

TPHCM lâu nay là “đầu tàu” kinh tế của cả nước, giữ vị trí quan trọng, đóng vai trò dẫn dắt cho cả vùng kinh tế Đông Nam bộ, thậm chí cả vùng ĐBSCL cũng là vệ tinh cho TPHCM. Thí dụ, kết quả tăng trưởng kinh tế quý I-2023 của TPHCM 0,7%, kinh tế cả nước cũng bị tác động bởi TPHCM đóng vai trò dẫn dắt. Theo tính toán, nếu để tăng trưởng kinh tế cả nước đạt được mức 6,5-7%/năm, riêng TPHCM phải tăng trưởng 9-10% mới có thể kéo được mức tăng trưởng bình quân cả nước đi lên. Còn nếu TPHCM chỉ 5-6% GDP cả nước cũng sẽ giảm.

Định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cho TPHCM là xu hướng đúng đắn và chủ trương rất tốt. Nhưng mấu chốt ở đây là thực hiện thế nào, cần cơ chế gì. Phát triển bền vững gồm có 5 yếu tố. Đầu tiên phải duy trì phát triển kinh tế. Sau đó để bền vững cần 4 yếu tố đi kèm là bảo vệ môi trường, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát triển xã hội và phát triển về văn hóa.

Đó là theo quan điểm chung. Còn khi chúng ta gộp tài nguyên thiên nhiên với bảo vệ môi trường, văn hóa với xã hội, sẽ theo đúng chuẩn của Ngân hàng Thế giới là: kinh tế, môi trường và xã hội.

Tuy nhiên, môi trường chỉ là yếu tố đảm bảo cho ta một khía cạnh đó là tăng trưởng xanh, phát triển xanh là nói về yếu tố môi trường. Còn khi nói đến phát triển bền vững bao hàm cả văn hóa và xã hội nữa. Bây giờ chỉ nói phát triển xanh thôi cũng là tốt. Nói phát triển xanh nghĩa là trong phát triển kinh tế không được làm tổn hại đến môi trường, phải bảo tồn được nó.

Tiếp đó là sử dụng tài nguyên, năng lượng thực sự hiệu quả. Bên cạnh góc độ hiệu quả, còn phải là yếu tố tuần hoàn. Đó là phế thải từ chu trình sản xuất trước sẽ phải là đầu vào của chu trình sản xuất sau. Nhưng thực tế trong sản xuất và phát triển kinh tế rất khó đạt được sự tối ưu như thế.

Rộng hơn, để tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn cần có quy mô rộng hơn với tầm khu vực, là vùng kinh tế, một địa phương thì khó có thể làm được. Phát triển xanh không nhìn đến kinh tế vùng là thiếu sót. Như TPHCM, nếu chỉ mình TP định hướng tăng trưởng xanh không thể thực hiện được khi các địa phương vệ tinh không thực hiện cùng. Đó là chưa nói đến tăng trưởng xanh đòi hỏi phải thay đổi toàn bộ công nghệ và tư duy về điều hành kinh tế.

Kinh tế lúc này không còn là kinh tế thông thường. Trong giai đoạn đầu thay đổi, việc đầu tiên là phải có đầu tư về vốn, hạ tầng, nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người - nguồn nhân lực (cả quản lý lẫn lao động). Bởi nếu vẫn duy trì tư duy cũ, con người cũ, quan hệ sản xuất cũ sẽ không phù hợp. Đây là vấn đề không đơn giản, cần phải tính toán. Bởi khi đang phát triển thông thường, chuyển sang phát triển xanh mà vẫn giữ nhịp độ phát triển như trước là điều không thể.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Chúng ta phải cân nhắc đến việc tăng trưởng kinh tế của TPHCM, đó là khi chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cũng đồng nghĩa phải chấp nhận mức tăng trưởng thấp và đà tăng trưởng chậm lại.

Các tin khác