Khôi phục ADN tăng trưởng cho TPHCM từ đâu?

(ĐTTCO) - Khả năng đổi mới sáng tạo, độ cởi mở trong tiếp cận cái mới, độ linh hoạt trong môi trường kinh doanh của TPHCM là có. Nhưng cũng có sự bất cập trong mô hình quản lý đô thị loại đặc biệt như TPHCM với sự hình tượng dễ hiểu là TP đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh.
Nguồn nhân lực năng động sáng tạo của TPHCM không thiếu, vấn đề là tạo động lực dám nghĩ, dám làm.
Nguồn nhân lực năng động sáng tạo của TPHCM không thiếu, vấn đề là tạo động lực dám nghĩ, dám làm.

Đã vậy, gần đây tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của cán bộ quản lý đã làm cho chiếc áo càng chật hơn. Và TPHCM đã đánh mất ADN tăng trưởng của mình.

Phải thoát được tâm lý e ngại, trách nhiệm

Trong chuyến về Việt Nam năm ngoái, tôi có dịp tham gia buổi nói chuyện của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các đại diện về đầu tư và thương mại ở Việt Nam của một số đại sứ quán. Trong buổi tiệc tối sau đó, chúng tôi có nói về câu chuyện trung tâm tài chính quốc tế của TPHCM. Một nhân viên đại sứ quán đã hỏi tôi lý do nào khiến TPHCM khác biệt, để có thể làm trung tâm tài chính quốc tế.

Nếu là trước đây, tôi có thể không do dự nói do khả năng đổi mới sáng tạo, độ cởi mở trong tiếp cận cái mới, độ linh hoạt trong môi trường kinh doanh của TPHCM. Sự cởi mở, hào sảng, sẵn sàng dung nạp đủ loại ý tưởng, quan điểm, đủ mô hình kinh doanh và tất cả thành phần dân nhập cư, là thứ gì đó nằm trong ADN của TP này. Và tôi tin đó là thứ làm TPHCM thật sự khác biệt. Dám nghĩ, dám làm, dám thử cái mới.

Thế nhưng lúc này tôi đã ngập ngừng. Tôi nói qua loa về chất lượng nguồn nhân lực, trung tâm dịch vụ. Tôi tránh né một sự thật mình cảm nhận được là TPHCM đã đánh mất ADN tăng trưởng của mình, vì không còn linh hoạt, dám nghĩ, dám làm nữa. Đã từ 10 năm nay, tôi nhiều lần nghe câu chuyện “chiếc áo chật” của TPHCM.

Sự bất cập trong mô hình quản lý đô thị loại đặc biệt như TPHCM đã được nêu ra từ nửa đầu thập niên 2000, với sự hình tượng dễ hiểu là TP đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh. 20 năm sau, TP này vẫn đang loay hoay với điều đó. Câu chuyện nữa được nhắc nhiều trong thời gian gần đây, là nỗi sợ trách nhiệm của cán bộ ở TPHCM. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kể trong năm 2022, TPHCM có 584 văn bản hỏi, bộ này phải trả lời 604 văn bản, đáng nói hầu hết vấn đề hỏi đều thuộc thẩm quyền của TPHCM!.

Tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm được nói tới nhiều. Nhưng vì sao một nơi từng dám nghĩ, dám làm, dám thử cái mới lại trở thành như vậy? Phải chăng do nhiều cán bộ bị truy tố với lý do “vi phạm quy định…” đã dẫn đến tình trạng này? Chiếc áo chật giờ dường như còn chật hơn chứ không được nới lỏng. Vì vậy có nhiều đề xuất về chính sách đặc thù cho TPHCM. Đó là cách để khôi phục lại ADN tăng trưởng đã bị phá hủy của TP này, làm sống lại khát vọng là trục tăng trưởng chính của Việt Nam.

Bằng mọi giá phải khôi phục tăng trưởng cho TPHCM

Chính sách đặc thù cho TPHCM có ý nghĩa quan trọng không chỉ với TP, còn cho cả nước. Theo TS. Bùi Trinh, nghiên cứu mô hình IO liên vùng của Việt Nam (mô hình cân đối liên ngành, liên vùng) cho thấy, nhu cầu cuối cùng và sản xuất của TPHCM lan tỏa đến các vùng khác rất mạnh.

Chỉ số lan tỏa của TPHCM cao gấp 1,5 lần các tỉnh phía Bắc, 1,7 lần các tỉnh miền Trung và 1,9 lần các tỉnh phía Nam. Cụ thể hơn, tiêu dùng của TPHCM lan tỏa đến các vùng khác cao hơn chỉ số này của các tỉnh phía Bắc 1,6 lần, các tỉnh miền Trung và các tỉnh phía Nam 1,72 lần.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã chậm lại, không chỉ từ số liệu tăng trưởng thấp của quý I-2023, còn là vấn đề chúng ta đang dần rời xa giai đoạn tăng trưởng bình quân trên 7,5% của quá khứ. Mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% giai đoạn 2021-2025 đang là thách thức. Việt Nam cũng được dự đoán sẽ bị ảnh hưởng khá lớn từ biến đổi khí hậu trong những năm tới.

Thời kỳ dân số vàng của ta cũng sẽ không kéo dài quá lâu. Trước những sức ép đó, nếu không tìm những động lực tăng trưởng mới, việc rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ trở thành sự thật chứ không còn là rủi ro.

Để tìm động lực tăng trưởng mới phải có những thử nghiệm. TPHCM là nơi rất phù hợp để áp dụng những thử nghiệm mới về việc nới lỏng chiếc áo đã chật, tìm những mô hình tăng trưởng mới. Bởi TP có những lợi thế về chất lượng nguồn nhân lực, là nơi tập trung của những tổ chức quốc tế và mạng lưới liên kết toàn cầu về khoa học kỹ thuật cũng như mô hình kinh doanh.

Có người hỏi tôi về hiến kế cho tăng trưởng ở TPHCM, tôi trả lời ngay chẳng cần tôi hiến kế. Ở trong từng cuộc gặp với những người làm ngành tài chính, kinh doanh, marketing, luật, và với những trí thức làm việc ở các đại học, có ngồn ngộn tư liệu, ý tưởng để làm cái mới. Họ chỉ thiếu môi trường phù hợp để hiện thực hóa những ý tưởng đó.

Nhưng khi một ngân hàng muốn xây trụ sở mới mà bị kéo dài cả thập niên; hoặc nhiều giảng viên đại học đã từ bỏ ý tưởng hợp tác nghiên cứu, xin tiền tài trợ để làm khoa học vì ngại những thủ tục phức tạp, rõ ràng môi trường đó đã không còn đủ linh hoạt nữa.

Người muốn làm cái mới được làm thử là môi trường tôi từng lớn lên với nó ở TPHCM. Nó chính là ADN tăng trưởng của TP này. Tôi hy vọng điều đó sẽ sớm được khôi phục.

Động lực tăng trưởng mới phải có những thử nghiệm. TPHCM là nơi rất phù hợp để áp dụng những thử nghiệm mới về việc nới lỏng chiếc áo đã chật, tìm những mô hình tăng trưởng mới. Bởi TP có những lợi thế về chất lượng nguồn nhân lực, là nơi tập trung của những tổ chức quốc tế và mạng lưới liên kết toàn cầu về khoa học kỹ thuật cũng như mô hình kinh doanh.

Các tin khác