Tạo sự đồng thuận của người dân
Những ngày cuối tháng 3, những hộ dân còn lại dọc tuyến đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) đang gấp rút tháo dỡ nhà để nhường mặt bằng cho dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường này lên 32m với 6 làn xe. Dự án có tổng mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, với chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư hơn 1.546 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, có 366 trường hợp giải tỏa một phần, 56 trường hợp giải tỏa toàn bộ.
Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cho biết, quận đã chi trả bồi thường hơn 1.500 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 99%. Việc người dân đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng đã tạo điều kiện cho việc thi công, sớm hoàn thành công trình, đưa vào sử dụng.
Người dân tháo dỡ nhà, bàn giao mặt bằng dự án đường Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp, TPHCM). Ảnh: NGÔ BÌNH
Cùng với dự án mở rộng đường Dương Quảng Hàm, năm 2024, quận Gò Vấp có gần 30 dự án đang triển khai, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng nhận định, tiến độ giải phóng mặt bằng là yếu tố then chốt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Để tạo sự đồng thuận của người dân, quận tăng cường đối thoại, tuyên truyền, rà soát và đề xuất chính sách đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Bên cạnh chính sách bồi thường tốt, quận cũng hỗ trợ về thủ tục, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, sửa chữa nhà để người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Điều đó đã giúp người dân yên tâm, đồng thuận bàn giao mặt bằng sớm.
Tại huyện Bình Chánh, Ban vận động công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư dự án thành phần 2 của dự án đường Vành đai 3 TPHCM thường xuyên họp nắm tình hình, vận động các hộ dân nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho dự án.
Đối với các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án tại 2 xã Lê Minh Xuân và Phạm Văn Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài cho biết, huyện chia các hộ dân chưa đồng ý bàn giao mặt bằng thành các nhóm khác nhau. Qua đó, huyện rà soát, phân tích từng trường hợp cụ thể, có biện pháp tháo gỡ và tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận bàn giao mặt bằng, tránh phải cưỡng chế. Huyện cũng tích cực đề xuất với thành phố trong giải quyết các kiến nghị của người dân, tránh tổn thất, tạo thuận lợi cho người dân có nơi tái định cư mới, đảm bảo cuộc sống.
Huy động sức mạnh tổng hợp
Tại TP Thủ Đức, ghi nhận mặt bằng tại một số dự án đã hoàn tất giải ngân giải phóng mặt bằng như cầu Tăng Long (thuộc phường Long Thạnh Mỹ), dự án đường vào Trường ĐH Luật TPHCM (phường Hiệp Bình Chánh)… hiện người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đã nhận bồi thường và bàn giao mặt bằng cho việc thi công.
Dự án cầu Tăng Long (TP Thủ Đức, TPHCM) đã hoàn tất giải phóng mặt bằng 100% và bàn giao cho chủ đầu tư thi công dự án. Ảnh: THU HƯỜNG
Ông Võ Trí Dũng, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức cho biết, TP Thủ Đức đã có những giải pháp đồng bộ hơn trong giải phóng mặt bằng. Đó là chuẩn bị chặt chẽ về mặt pháp lý, công khai dự án và lấy ý kiến người dân. Quá trình thu thập thông tin xây dựng bảng giá bồi thường, TP Thủ Đức trình bảng giá đối với đất ở tiệm cận với giá thị trường nên nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân.
Đối với những trường hợp khó khăn, địa phương vận động các nguồn khác hỗ trợ thêm. Đặc biệt, tại dự án đường Vành đai 3 TPHCM, các hộ có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng mà có nhà ở trên đất, không đủ điều kiện để bố trí nền tái định cư, TP Thủ Đức cũng vận dụng nhiều giải pháp, xin ý kiến TPHCM bố trí căn hộ tái định cư theo hình thức thuê mua.
Năm 2024, TP Thủ Đức được giao 253 dự án với kế hoạch vốn hơn 3.690 tỷ đồng, cùng với 200 tỷ đồng kết dư năm trước thì năm nay, địa phương phải giải ngân 3.900 tỷ đồng vốn đầu tư công. Để công tác giải phóng mặt bằng được nhanh chóng, TP Thủ Đức bố trí đơn vị tư vấn làm xuyên lễ, tết để khái toán được vốn và đề nghị thành phố tiến hành bố trí vốn.
Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng TP Thủ Đức cũng huy động toàn bộ nhân sự và hợp đồng thêm sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TPHCM tham gia thu thập thông tin, số liệu, hồ sơ pháp lý để có số liệu tổng thể. Nhờ đó mà dự toán vốn sát với thực tế, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục để chi trả bồi thường cho người dân.
Trong quý I, các dự án cơ bản hoàn tất giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để quý 2 có thể xây lắp. Với lộ trình như vậy, TP Thủ Đức kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công quý II khả quan hơn.
Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cũng chia sẻ, quận phát huy sức mạnh toàn hệ thống chính trị, phân công phụ trách, thành lập các tổ công tác để chỉ đạo thực hiện các công đoạn của từng dự án. Đặc biệt là công tác vận động các tổ chức, hộ dân ủng hộ chủ trương và phối hợp thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Ban Thường vụ Quận ủy, UBND quận thường xuyên duy trì giao ban hàng tuần để theo dõi, đánh giá kết quả tổ chức, phối hợp thực hiện. Song song đó, gắn kết quả giải ngân vốn đầu tư công trong đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị và người đứng đầu.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai, đến hết quý I, dự kiến, toàn thành phố giải ngân được 5.635 tỷ đồng vốn đầu tư công (đạt 7,1%). Sở tiếp tục rà soát, làm rõ cụ thể từng dự án cần đẩy nhanh thủ tục để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư.
Sở KH-ĐT cũng tham mưu UBND TPHCM chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, chuẩn bị các quỹ nhà, đất để phục vụ bồi thường, tái định cư nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Cùng với đó là sớm hoàn thiện thủ tục trong bồi thường, giải phóng mặt bằng như phê duyệt kế hoạch sử dụng đất, phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính tiền bồi thường.