TP.HCM: Gian nan lấy đất công xây trường học

(ĐTTCO)-Rất nhiều học sinh tiểu học ở TP.HCM không được học 2 buổi như các bạn cùng trang lứa vì thiếu phòng học, nhưng nhiều khu đất bỏ trống, muốn xây dựng trường học cũng gặp khó, có khi kéo dài cả chục năm.
Khu đất 347 Lê Đức Thọ (P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM) không còn nhu cầu sử dụng, đang được đề xuất xây dựng trường học nhưng việc điều chỉnh quy hoạch chậm trễ
Khu đất 347 Lê Đức Thọ (P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM) không còn nhu cầu sử dụng, đang được đề xuất xây dựng trường học nhưng việc điều chỉnh quy hoạch chậm trễ

Q.Gò Vấp ở khu vực phía tây bắc TP.HCM, rộng hơn 1.970 ha. Tại thời điểm ngày 1.1.2021, toàn quận có hơn 690.000 dân, mật độ dân số nơi đông nhất lến đến gần 60.000 người/km2, thấp nhất là hơn 22.500 người/km2; tốc độ tăng dân số trong năm 2021 là 0,52%.

Trong năm 2022, Gò Vấp đặt mục tiêu 70% học sinh lớp 1, 68% học sinh tiểu học và 60% học sinh THCS được học 2 buổi/ngày; còn đến năm 2025 sẽ đạt 220 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi 3 - 18, 100% học sinh lớp 1, 80% học sinh tiểu học và 60% học sinh THCS học 2 buổi/ngày. Dù mục tiêu đặt ra là vậy nhưng thực tế đòi hỏi nguồn lực để triển khai rất lớn, nhất là quỹ đất xây dựng trường học.

Trường chật chội, đất bỏ không

Theo UBND Q.Gò Vấp, mạng lưới quy hoạch trường học của quận có nhiều khu đất thuộc quyền sở hữu của người dân, gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng trường. Trên địa bàn có nhiều khu đất công thuộc quản lý của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước hiện không còn nhu cầu sử dụng, nhưng việc chuyển đổi sang đất giáo dục đang gặp nhiều trở ngại.

Đơn cử như khu nhà đất công số 347 Lê Đức Thọ (P.17) rộng hơn 6.300 m2 thuộc quản lý của Tổng công ty TNHH MTV công nghiệp Sài Gòn (CNS, 100% vốn nhà nước) được bố trí làm văn phòng và nhà xưởng của 2 công ty trực thuộc. Từ năm 2018, Q.Gò Vấp chủ động rà soát, nhận thấy văn phòng làm việc và nhà xưởng của 2 đơn vị trực thuộc CNS đã và đang có kế hoạch di dời về Khu Công nghệ cao (TP.Thủ Đức) và KCN Hiệp Phước (H.Nhà Bè). Sau khi hoàn tất việc di dời, khu đất này dự kiến sẽ được công ty tổ chức bán đấu giá nhà và quyền sử dụng đất theo quy hoạch của thành phố.

Thời điểm đó, Q.Gò Vấp đánh giá nhu cầu đất xây dựng trường học trên địa bàn rất lớn và cấp thiết, nhất là khối tiểu học có sĩ số quá cao so với quy định, không đủ phòng để bố trí học 2 buổi/ngày, gây bức xúc trong nhiều năm liền. Do vậy, UBND Q.Gò Vấp kiến nghị UBND TP.HCM, Sở Tài chính, Sở GD-ĐT, Sở QH-KT xem xét, bố trí khu đất trên để quận xây dựng trường tiểu học nhằm kéo giảm sĩ số và tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, đặc biệt là trên địa bàn P.17.

Trong năm 2019, UBND Q.Gò Vấp gửi nhiều văn bản lên cấp thành phố, nhưng không nhận được phản hồi. Mãi đến cuối tháng 6.2021, Thường trực Ban Chỉ đạo 167 thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (Sở Tài chính TP.HCM) mới có văn bản thống nhất phương án đề xuất của UBND Q.Gò Vấp, trình Chủ tịch UBND TP.HCM giao khu đất trên về cho Q.Gò Vấp xây trường học.

Theo ghi nhận, khu đất này nằm ở mặt tiền đường Lê Đức Thọ trong khu dân cư đông đúc. Do không còn nhu cầu sử dụng nên phần lớn mặt bằng bỏ trống, bên trong chỉ vài chiếc xe đậu. Khi nhận thông tin nhà nước thu hồi khu nhà xưởng này để xây dựng trường học, nhiều người dân xung quanh bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và mong muốn sớm triển khai.

TP.HCM: Gian nan lấy đất công xây trường học - ảnh 2

Khu đất 59/9 Phạm Văn Chiêu (P.14, Q.Gò Vấp, TP.HCM) rộng hơn 16.000 m2 hiện bỏ trống, dự kiến xây dựng 2 trường học tại đây

Lỗi tại chậm điều chỉnh quy hoạch

Cũng trên địa bàn Q.Gò Vấp còn có 2 khu đất khác với quy mô rộng hơn, tại địa chỉ 59/9 Phạm Văn Chiêu và 59/9C Phạm Văn Chiêu (P.14). Theo phương án sử dụng đất, khu đất 59/9 Phạm Văn Chiêu rộng hơn 20.800 m2, phần diện tích phù hợp quy hoạch để sử dụng hơn 16.000 m2, dự kiến xây trạm trung chuyển rác.

Năm 2015, UBND TP.HCM chấp thuận cho Q.Gò Vấp sử dụng mặt bằng để xây dựng trạm trung chuyển rác và trụ sở Đội Cảnh sát PCCC khu vực trên 2 khu đất này. Sau đó, UBND Q.Gò Vấp thanh lý hợp đồng, thu hồi mặt bằng, hiện làm nơi đậu xe, sửa chữa phương tiện của Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Q.Gò Vấp.

Đến năm 2017, TP.HCM phân cấp cho Q.Gò Vấp quản lý trạm trung chuyển rác số 691 Quang Trung, nên việc xây dựng trạm trung chuyển rác tại địa chỉ 59/9 Phạm Văn Chiêu là không cần thiết. Do vậy, Q.Gò Vấp đề xuất trình TP.HCM thay đổi phương án sử dụng mặt bằng sang xây dựng 2 trường học, gồm 1 trường tiểu học và 1 trường trung học.

“Việc đầu tư xây dựng 2 trường phù hợp với tình hình thực tế, phần nào giải quyết được khó khăn trước mắt về sĩ số học sinh trung bình/lớp cao, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp”, UBND Q.Gò Vấp đánh giá.

Điều đáng nói là cả 3 khu đất trên đều là đất sạch, không vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng của người dân, nhưng thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất thời gian qua khá chậm, phải lấy ý kiến nhiều sở, ngành.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở GD-ĐT đánh giá Q.Gò Vấp gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu thốn phòng học dẫn đến sĩ số tiểu học lên đến 46 học sinh/lớp, và chỉ có 52% học sinh học 2 buổi/ngày; cấp THCS sĩ số cũng cao hơn các quận khác. Hiện quận chỉ có 206 phòng học/10.000 dân nên để đạt mục tiêu 300 phòng/10.000 dân vào năm 2025 thì phải quan tâm xây dựng thêm nhiều trường học để bổ sung kịp thời.

Đại diện Sở QH-KT đánh giá trong các đồ án quy hoạch của Q.Gò Vấp thì chỉ tiêu đất giáo dục rất thấp; đồng thời khẳng định ủng hộ việc chuyển đổi đất công thành đất giáo dục để tăng chỉ tiêu đất giáo dục cho quận. Việc bổ sung quy hoạch giáo dục bằng đất công thì sẽ rất thuận lợi, vì không phải chồng quy hoạch đất giáo dục lên đất của người dân, thường rất khó triển khai.

Đối với các khu đất đang gặp vướng, đại diện Sở QH-KT thừa nhận việc chuyển đổi sang đất giáo dục tại các khu đất trên vừa qua có sự chậm trễ, do công tác phối hợp chưa thống nhất. 

Lãnh đạo TP.HCM ủng hộ

Ông Đỗ Anh Khang, Phó chủ tịch UBND Q.Gò Vấp, cho biết thực hiện chủ trương rà soát quỹ nhà đất công để sử dụng cho hợp lý, tránh lãng phí, Q.Gò Vấp đã khảo sát, đề xuất một số khu đất sang mục đích giáo dục. Điểm thuận lợi của khu đất 59/9 Phạm Văn Chiêu là đất sạch, hiện giao cho Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Q.Gò Vấp trông giữ hộ, làm bãi đậu xe. Vấn đề chỉ còn thay đổi chủ trương từ làm trạm trung chuyển rác sang xây trường học nữa là xong.

“Khu đất 59/9 Phạm Văn Chiêu có thể xây dựng được 2 trường, cấp 1 và cấp 2, tổng số xấp xỉ 150 phòng học. Quận cũng đã có chủ trương ghi vốn trung hạn 2021 - 2025 xây dựng trường học trên 2 khu đất này, khi hồ sơ đầy đủ thì thành phố phân bổ vốn để triển khai. Việc xây dựng làm rất nhanh do không vướng đền bù, chỉ tập trung vào thi công xây lắp”, ông Khang nói.

Tương tự, khu đất 347 Lê Đức Thọ do CNS quản lý cũng đang bỏ trống, sau khi các đơn vị trực thuộc đã chuyển văn phòng, nhà xưởng đến nơi khác. Doanh nghiệp cũng không cho thuê mướn nhưng hằng năm vẫn phải trả tiền sử dụng đất, nên khi quận ngỏ ý bàn giao xây dựng trường học thì doanh nghiệp đồng thuận rất cao.

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng các khu đất công nên điều chỉnh để nhà nước tiếp tục quản lý, trong đó ưu tiên đầu tư cho giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh, công viên…; chỉ trong trường hợp cần thiết mới chuyển sang chức năng khác.

Đối với các khu đất mà Q.Gò Vấp đề xuất xây dựng trường học, ông Hoan bày tỏ sự ủng hộ và yêu cầu các sở ngành cần phối hợp để làm nhanh, bởi từ chủ trương đến thành dự án là một quá trình. Ông Hoan đề nghị Q.Gò Vấp cần thỏa thuận quy hoạch với Sở QH-KT, tổng hợp ý kiến các sở ngành liên quan, như Sở GD-ĐT, Sở TN-MT, Sở Tài chính trình Ban chỉ đạo 167 TP.HCM xin chủ trương cho phép làm trường học.

Các tin khác