Đảm bảo an sinh xã hội và các vấn đề xã hội cho người dân thành phố là hai nội dung trọng tâm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện từ sau khi thành phố thực hiện giãn cách đến lúc trở lại trạng thái bình thường.
Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, để đảm bảo nguyên tắc đúng, đủ đối tượng, không bỏ sót, không trùng lắp đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ phải dành rất nhiều thời gian, tâm huyết, công sức cũng như nhân lực.
Những bài học quý
Trong những ngày cuối tháng 9/2021, dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát, đưa cuộc sống của người dân thành phố trở về trạng thái bình thường, bảo đảm an sinh xã hội.
Nhớ lại thời điểm đó, ông Phạm Hưng Quốc Bảo, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Tân Phú cho biết cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, lực lượng chức năng ngược, xuôi trên khắp địa bàn thăm, tặng quà các lực lượng tuyến đầu, công nhân, người lao động, các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Phạm Hưng Quốc Bảo cho biết những ngày xảy ra dịch bệnh, bao nhiêu tiền của, tiết kiệm tích lũy đều đã được sử dụng hết. Song, đời sống của nhiều người dân, công nhân lao động, nhất là người ngoại tỉnh vẫn tiếp tục khó khăn. Nhiều gia đình vẫn nợ tiền nhà, tiền điện, tiền sinh hoạt hàng ngày...
Thành phố Hồ Chí Minh đã chi hai đợt hỗ trợ và bắt đầu triển khai đợt hỗ trợ thứ 3 theo Nghị quyết 97/NQ-HĐND năm 2021 của Hội đồng nhân dân Thành phố về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Lực lượng cán bộ cơ sở, tình nguyện các phường, xã tiếp tục “căng mình” vừa lo phòng, chống dịch, vừa cấp phát hỗ trợ để chăm lo cho hơn 13,7 triệu đối tượng trên toàn địa bàn thành phố, với tổng kinh phí hơn 15.500 tỷ đồng.
Rút kinh nghiệm từ hai đợt hỗ trợ trước, các phường, xã tập trung triển khai hỗ trợ đợt 3 đúng các nhóm đối tượng thụ hưởng. Trong đó, chú trọng thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng đang gặp khó khăn…
Để việc chi trả nhanh chóng, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Bí thư Đảng ủy phường 12, quận 3 đã chỉ đạo lập danh sách gửi về các khu phố, tổ dân phố nhằm công khai, minh bạch; tiến hành chi trả trực tiếp cho người dân. Phường đã lập các điểm chi trả tiền theo tuyến đường, con hẻm; chủ động nguồn cấp phát hỗ trợ.
Người dân chỉ cần mang giấy tờ tùy thân đến rồi ký tên nhận tiền, cán bộ chi trả đối chiếu danh sách, chụp hình người nhận, cập nhật trực tiếp lên phần mềm ứng dụng quản lý chi trả. “Triển khai ứng dụng đảm bảo đúng đối tượng, minh bạch đã giúp người dân an tâm, cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ của chính quyền với khó khăn của bà con,” Bí thư Đảng ủy Phường 12 chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, để tiền hỗ trợ nhanh đến tay người dân, nhiều địa phương đã tăng cường lực lượng tình nguyện và chia thành nhiều nhóm nhỏ trực tiếp đến nhà người dân. Mỗi người một nhiệm vụ, mỗi nhóm, tổ công tác khoanh vùng địa lý để vừa thực hiện tốt việc quản lý, phòng, chống dịch vừa tiến hành chi hỗ trợ cho người dân kịp thời.
Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ gặp không ít khó khăn, nhất là các phường, xã tập đông dân cư như xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh, phường Bình Hưng Hòa A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân; hoặc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu nhà trọ...
Chia sẻ với những khó khăn của người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh quan điểm của Thành phố là hỗ trợ người dân càng sớm càng tốt. Thời điểm này, thành phố cùng lúc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và tiếp tục hỗ trợ gạo theo nguồn phân bổ của Chính phủ; xây dựng kế hoạch đảm bảo an sinh xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn giai đoạn 2022-2025.
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các phường, xã, thị trấn đã tiếp nhận gạo từ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Nam Bộ để cấp phát cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, thành phố triển khai nhanh các nhóm giải pháp cho giai đoạn phục hồi các hoạt động kinh tế, xã hội. Trong đó, việc chăm lo an sinh xã hội cho người dân, nhóm lao động yếu thế; hỗ trợ kết nối cung, cầu lao động và giải quyết các vấn đề lao động, việc làm, nhà ở được xác định là nhiệm vụ cấp bách.
Đảm bảo nguồn “năng lượng” an sinh xã hội
Nếu cuộc chiến cam go chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua khốc liệt, công cuộc phục hồi đảm bảo an sinh và các vấn đề xã hội cho người dân, thành phố cũng khó khăn không kém. Nhiều doanh nghiệp không còn đủ sức hoạt động phải giải thể sau đại dịch; nhiều gia đình cùng kiệt, công nhân ngoại tỉnh phải trở về quê. Thành phố Hồ Chí Minh như “sau cơn bạo bệnh” chỉ còn chút sức lực để phục hồi…
Do vậy, để các nhà máy, xí nghiệp hoạt động trở lại, cuộc sống trở lại bình thường, chính quyền cùng các cấp, ngành, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, vận động công nhân lao động trở lại Thành phố để triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Dương Anh Đức đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp cùng các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp tổ chức đưa, đón miễn phí công nhân lao động trở lại nhà máy, xí nghiệp. Đồng thời, Thành phố thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà với số tiền gần 1.000 tỷ đồng cho hơn 1,6 triệu lao động ở lại làm việc theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…
Tính đến đầu tháng 10/2022, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố đã đánh giá toàn diện lực lượng lao động về số lượng, thực trạng đời sống, trang bị cần thiết để trở lại sản xuất theo từng địa bàn thực hiện nới lỏng giãn cách. Trong đó, Sở tổ chức 96 phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp kết nối cung-cầu lao động; tư vấn việc làm cho 435.860 lượt người, giới thiệu việc làm cho 127.850 người, trong đó 53.700 người đã có việc làm. Sở tiếp nhận 105,943 trường hợp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, ban hành 101.479 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động đủ điều kiện…
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo về tín dụng ưu đãi với số tiền hàng ngàn tỷ đồng; các chính sách an sinh xã hội cho hàng trăm ngàn lượt người. Đặc biệt, các chính sách trợ cấp hộ nghèo diện khó khăn; khuyến khích hỏa táng; chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; trợ giúp xã hội cho các đối tượng trong các cơ sở bảo trợ; cơ sở giáo dục, đào tạo nghề… với kinh phí hàng chục ngàn tỷ đồng đã được thực hiện kịp thời và đạt được những kết quả tích cực sau 1 năm Thành phố trở lại trạng thái bình thường.
Theo ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 10/2022, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, thành phố cơ bản đã hoàn thành. Kết quả trên có được là do có các chính sách kịp thời của Trung ương, Thành phố và các tổ chức đoàn thể; sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của người dân thành phố. Cùng với đó là sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân, đồng bào trong và ngoài nước, chính quyền, nhân dân thành phố góp phần ổn định cuộc sống của người dân và đảm bảo về an sinh, xã hội thành phố.