LTS: Hơn 1 năm qua, kể từ khi cả thế giới bắt đầu cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, TPHCM đã khống chế nhiều ổ dịch và được đánh giá là điểm sáng thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế. Công lao to lớn đó có sự góp phần của những chiến sĩ áo trắng, áo xanh không ngại hiểm nguy nơi tuyến đầu chống dịch, và trên hết là sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc đã được phát huy cao độ.
Trong khi các thành phố lớn trên thế giới vẫn còn chìm trong nỗi sợ hãi mang tên Covid-19 thì Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo sự tin tưởng của người dân. Cuộc sống “bình thường mới” đã bắt đầu, nhiều khu cách ly được dỡ bỏ, các tụ điểm được hoạt động trở lại. Người dân cũng đã lạc quan hơn, tin tưởng hơn với công tác phòng chống dịch quyết liệt mà hiệu quả của lãnh đạo thành phố.
Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM họp giao ban trực tuyến với các sở, ngành và địa phương Ảnh: TTBCTP cung cấp - Hoàng Hùng biên tập
Các lực lượng quyết liệt vào cuộc
Ngay từ khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và lãnh đạo các cấp, TPHCM đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, kịp thời và hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch. Cùng với đó, những ổ dịch nhanh chóng được khoanh vùng, xử lý sớm, số lượng ca mắc chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với quy mô dân số, nhiều ca bệnh nặng đã được điều trị khỏi.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong từng đánh giá, hơn một năm qua 5 phương châm phòng chống dịch của TP (chỉ huy tại chỗ; xác định nhiệm vụ, phương án phòng chống dịch tại chỗ; đảm bảo cơ sở cách ly, chữa trị, trang thiết bị, thuốc điều trị tại chỗ; đảm bảo nhân lực tại chỗ; kinh phí tại chỗ) luôn được thực hiện nghiêm. Công tác phòng chống dịch tại các sở, ngành, địa phương cũng đã phát huy cao độ, đem lại kết quả tốt. Việc duy trì quan điểm cách ly những người tiếp xúc gần (F1) và lấy mẫu xét nghiệm để đưa ngay mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, nhằm ngăn chặn sự lây lan là đường hướng chỉ đạo sáng suốt của ngành y tế. Cơ chế cách ly được thiết kế chi tiết đảm bảo mọi trường hợp nhiễm, nghi nhiễm và những F1 đều được tách xa khỏi cộng đồng. Ngoài yêu cầu người nhập cảnh phải cách ly tập trung ít nhất 14 ngày, ngay từ giai đoạn đầu cơ chế 4 vòng cách ly đã được thực thi, giúp cắt đứt hiệu quả sự bùng phát dịch bệnh trong thời gian ngắn.
Bà Nguyễn Thị Hằng, ngụ huyện Bình Chánh, cho biết có cảm giác tự hào khi giờ phút này có thể thảnh thơi đưa cháu đi dạo công viên, gặp gỡ người thân, bạn bè...; trong khi xem truyền hình thấy nhiều nơi trên thế giới còn đang phải giãn cách. Không chỉ bà Hằng, rất nhiều người vui vẻ khi cuộc sống “bình thường mới” trở lại. Nhiều chuyên gia nước ngoài tỏ ra ngưỡng mộ công tác phòng chống dịch của TP, đó là việc xử lý rốt ráo các ổ dịch trên địa bàn. Điển hình như ổ dịch quán bar Buddha (TP Thủ Đức), ổ dịch lớn nhất khởi phát từ bệnh nhân 91 (phi công người Anh) vào tháng 3-2020. Chỉ sau gần 1 tháng, với sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo TP và sự vào cuộc ngày đêm truy vết của đội ngũ y tế dự phòng, chuỗi lây nhiễm của ổ dịch này đã được chặn đứng với 18 ca mắc. Mới đây, TP cũng đã thành công chặn đứng chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất với 36 ca mắc; chuỗi lây nhiễm từ các bệnh nhân trở về từ Hải Dương.
Tính đến ngày 6-4, số trường hợp mắc Covid-19 phát hiện tại TP là 221 trường hợp, trong đó 213 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh, 8 trường hợp đang điều trị. Có được thành quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của lãnh đạo TP và sự đồng thuận hưởng ứng của người dân.
Trong những thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, hầu như mỗi ngày Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM đều họp bàn, tìm cách giải quyết. Nhiều kịch bản với các phương án ứng phó được xây dựng nhằm tối ưu hóa nguồn lực và hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Các quy định hạn chế tập trung đông người, cho học sinh nghỉ học, ngừng hoạt động kinh doanh một số lĩnh vực dễ lây lan dịch bệnh được UBND TP đưa ra khi dịch bệnh đang có xu hướng phức tạp. Các bộ tiêu chí an toàn trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, công thương, an toàn thực phẩm… cũng được ban hành kịp thời.
Trong các cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban Chỉ đạo, luôn yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đã có hàng ngàn người dân trên địa bàn bị xử phạt do không tuân thủ đeo khẩu trang nơi công cộng, nhiều cơ sở kinh doanh bị xử phạt, tạm dừng hoạt động do không tuân thủ các điều kiện phòng dịch. Công an TPHCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” của tiếp viên Hãng hàng không Vietnam Airlines. Hay trong các đợt dịch bùng phát mạnh tại Đà Nẵng, Hải Dương và nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan rộng trên địa bàn TP do hàng chục ngàn người dân trở về từ vùng dịch, TPHCM đã “mạnh tay” xét nghiệm tầm soát trên diện rộng, loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng.
Giữ vững phòng tuyến cuối cùng
Trong thời gian dịch bệnh diễn ra phức tạp trên địa bàn, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thường xuyên yêu cầu ngành y tế “dốc toàn lực cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19, không để trường hợp nào tử vong”. Bắt đầu từ 2 bệnh nhân người Trung Quốc đầu tiên, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy không quản ngày đêm tìm ra phác đồ điều trị phù hợp, vừa góp phần cứu sống bệnh nhân vừa có những đóng góp quan trọng vào phác đồ điều trị của thế giới khi thông tin về căn bệnh này chưa phổ biến.
Đây cũng chính là tiền đề để Việt Nam điều trị thành công các ca bệnh khó, phức tạp sau này. Nhận thấy những nguy cơ lây nhiễm khi điều trị chung cho cả bệnh nhân mắc Covid-19 với các bệnh nhân khác, TP đã thành lập 2 bệnh viện dã chiến với quy mô 600 giường bệnh sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho các bệnh nhân là Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi và Bệnh viện Điều trị Covid-19 Cần Giờ. Với việc huy động lực lượng y tế khắp TP thay phiên nhau chi viện cho 2 bệnh viện dã chiến, đến nay TP đã điều trị khỏi bệnh cho hàng trăm bệnh nhân, không để một bệnh nhân nào tử vong.
Đặc biệt, TP tạo dấu ấn đậm nét trong mắt bạn bè thế giới khi sử dụng mọi phương tiện tối tân nhất dốc sức điều trị thành công cho bệnh nhân 91 (phi công người Anh), ca bệnh điển hình với hàng loạt biến chứng nguy hiểm có nguy cơ tử vong cao. Cùng với đó, nhiều bệnh nhân nặng khác cũng được cứu sống đã chứng tỏ sự quyết tâm cao độ “không để ai bị bỏ lại phía sau” của lãnh đạo TP.
Có thể nói, TPHCM đã đạt được thành công nhất định khi khống chế số lượng các ca mắc trong cộng đồng, đồng thời chưa để trường hợp nào tử vong. Đây được xem là kỳ tích bởi TP là nơi hội tụ các nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch bệnh. “Phải đảm bảo an toàn cho các bệnh viện, phải bảo vệ những người có nguy cơ cao như người lớn tuổi, bệnh nhân có các bệnh nền nguy hiểm như ung thư, tim mạch, chạy thận…” là chỉ đạo xuyên suốt của lãnh đạo TP trong các cuộc họp giao ban phòng chống dịch bệnh mỗi ngày.
Song lãnh đạo TPHCM nhận định, nguy cơ dịch bệnh có thể xâm nhập và lây lan bất cứ lúc nào, do đó TP yêu cầu cả hệ thống chính trị và người dân không được chủ quan lơ là. Trong bối cảnh tình hình nhập cảnh trái phép ngày càng gia tăng, ngoài việc tăng cường hệ thống giám sát từ các sở, ngành, lãnh đạo TP cũng kêu gọi người dân có ý thức trong việc giám sát cộng đồng, tố giác ngay khi phát hiện có người lạ xuất hiện tại khu vực mình sinh sống. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp tại nước láng giềng Campuchia hiện nay thì vấn đề ngăn chặn, phát hiện người nhập cảnh trái phép càng được đẩy mạnh.
Hơn 400 ngày “tuyên chiến” với đại dịch nguy hiểm của thế kỷ, dù là địa phương “đứng mũi chịu sào” nhưng TPHCM vẫn giữ vững “trận địa”, đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng người dân, góp phần đưa Việt Nam trở thành hình mẫu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của thế giới.
"Chiến thắng trong phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua chỉ là chiến thắng từng chặng, chứ chưa phải là chiến thắng cuối cùng, vì tình hình xung quanh vẫn còn phức tạp" - Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG |
Thực hiện Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM đã thực hiện cách ly toàn xã hội cũng như thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, đảm bảo “mục tiêu kép” là sẵn sàng phòng chống dịch và khôi phục, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội. TPHCM đã yêu cầu các sở ngành, địa phương chuyển đổi phương thức làm việc từ truyền thống, nhận và giải quyết hồ sơ trực tiếp chuyển sang làm việc qua mạng, bố trí nhân sự phù hợp tại cơ quan, đơn vị đồng thời gia tăng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, trả hồ sơ qua đường bưu điện… Qua đó vừa phòng chống lây lan dịch Covid-19 vừa giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. |