Lễ hội Đường sách diễn ra từ nay đến ngày 14-2 (tức mùng 5 Tết) tại tuyến đường Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến bùng binh Quách Thị Trang), quận 1, với tổng diện tích lên đến 11.2002.
Văn nghệ khai mạc Lễ hội Đường sách Tết năm 2024. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn trở lại với thiết kế đại cảnh trống đồng Đông Sơn hơn 300m2 mang biểu tượng thiêng liêng của tinh hoa văn hóa truyền thống và lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc Việt Nam, kết hợp cùng tiểu cảnh linh vật hình rồng ấn tượng.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu tham quan Đường sách Tết. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đường sách Tết Giáp Thìn 2024 có sự tham gia của hơn 20 đơn vị đồng hành. Các nhà xuất bản, công ty sách chăm chút, đầu tư khi mang đến hơn 3.000 tựa sách, tương đương khoảng 59.000 quyển, và chia làm 3 khu vực.
Trong đó, khu A (đường từ Nguyễn Huệ đến đường Pasteur) là khu vực trưng bày, triển lãm tác phẩm, tư liệu, hình ảnh độc đáo, sách hay, sách hiếm, sách có giá trị.
Khu B (đường từ Pasteur đến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) là không gian dành cho công nghệ trong ngành sách như sách nói, sách điện tử...
Khu C (từ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến bùng binh Quách Thị Trang) gồm các gian hàng sách và khu vui chơi dành cho thiếu nhi; khu này cũng là nơi dừng chân nghỉ ngơi cho bạn đọc, người dân đến tham quan.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và các đại biểu tham quan Đường sách Tết. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê tham quan Đường sách Tết. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đây cũng là năm đầu tiên, Đường sách Tết tổ chức hoạt động “Lì xì sách Tết”, hàng trăm tựa sách sẽ được trao tặng miễn phí đến mọi lứa tuổi bạn đọc trong ngày khai xuân đầu năm.
Đặc biệt, thực hiện chủ đề năm 2024 của TPHCM về “Xây dựng Đảng và chuyển đổi số”, tại Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024, các tác phẩm trưng bày sẽ được mã hóa thành mã QR (QR Code), với mỗi lần quét mã sẽ giúp độc giả đến với từng trang sách mới dễ dàng và nhanh chóng.