TPHCM khởi công dự án xử lý rác thải rắn 500 tấn/ngày

(ĐTTCO) - Chiều 20-12, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh), Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM cùng CTCP kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu khởi công Nhà máy xử lý rác thải rắn công nghiệp và nguy hại với quy mô công suất 500 tấn/ngày.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chúc mừng chủ đầu tư sau khi thực hiện nghi thức khởi công nhà máy.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chúc mừng chủ đầu tư sau khi thực hiện nghi thức khởi công nhà máy.
Đây là nhà máy xử lý rác thải rắn công nghiệp và nguy hại có quy mô lớn, hiện đại đầu tiên của TPHCM, được xây dựng trên diện tích 17ha, nằm trong khu quy hoạch xử lý chất thải rắn của TPHCM tại xã Đa Phước. Nhà máy có chức năng nhằm tái chế và xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại cho các đối tượng nhà máy sản xuất trong và ngoài các khu công nghiệp, các phòng thí nghiệm các trung tâm phân tích của viện - trường đại học; các cơ sở y tế, cơ sở chăn nuôi… Nhà máy còn phục vụ chương trình thu hồi xe cơ giới quá hạn sử dụng của quốc gia.
TPHCM khởi công dự án xử lý rác thải rắn 500 tấn/ngày ảnh 1 Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp và nguy hại rất cần thiết và kịp thời trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Phạm Duy Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty Mộc An Châu, chủ đầu tư dự án, nhà máy sử dụng công nghệ tiên tiến như công nghệ nhiệt điện (lò điện), công nghệ xử lý chất thải lỏng, công nghệ tái chế nhựa thải, nhựa phế liệu; công nghệ xử lý và tái chế chất thải điện tử; công nghệ phá hủy xe cơ giới quá hạn, tái chế kim loại đen và kim loại màu… Công ty này cam kết dự án đưa vào vận hành cuối năm 2021.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, nhấn mạnh dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp và nguy hại rất cần thiết và kịp thời trong giai đoạn hiện nay. Theo ước tính của cơ quan chức năng, mỗi ngày TP phát sinh hơn 4.000 tấn rác thải rắn công nghiệp, và 400 tấn rác thải nguy hại, trong đó có 45 tấn rác thải y tế. Dự án được xem là cột mốc đánh dấu nỗ lực của TPHCM trong việc gia tăng tỉ lệ tái chế chất thải rắn, từng bước phát triển nền kinh tế tuần hoàn, tận dụng các nguồn tài nguyên trong chất thải rắn.

Các tin khác