TP.HCM: Khôi phục hoạt động sản xuất, người dân không được chủ quan

(ĐTTCO)-Các hoạt động sản xuất kinh doanh được phép hoạt động, song phòng chống dịch COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Kakusho Metal Việt Nam tại Khu chế xuất Tân Thuận tiêm vaccine phòng COVID-19 ngày 15/8. (Ảnh: TTXVN phát)
Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Kakusho Metal Việt Nam tại Khu chế xuất Tân Thuận tiêm vaccine phòng COVID-19 ngày 15/8. (Ảnh: TTXVN phát)

Thực hiện Chỉ thị 18 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1/10, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại thành phố đã bắt đầu khôi phục hoạt động, tuy nhiên người dân không được chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.

Đây là nội dung được đại điện Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố nhấn mạnh tại buổi họp báo cung cấp thông tin phòng, chống dịch, ngày 4/10.

Doanh nghiệp từng bước khôi phục hoạt động

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, sau 3 ngày thực hiện Chỉ thị 18, đã có 5.279 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, nhiều doanh nghiệp khác đang chuẩn bị nhân lực, máy móc thiết bị để sớm khôi phục hoạt động.

Các quận, huyện cũng tích cực làm việc với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn để hướng dẫn các cơ sở này sớm hoạt động trở lại.

Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã chuyển dần từ sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường-2 địa điểm” sang sản xuất bình thường theo bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch của từng ngành nghề.

Cụ thể, trước 1/10, có hơn 70.000 lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp động thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường-2 điểm đến.”

Từ 1/10 đến nay, số lao động sản xuất “3 tại chỗ” giảm còn 45.000 người, số lao động chuyển sang sản xuất bình thường và bổ sung thêm là trên 57.000 người, ngoài ra có 33.000 lao động đăng ký mới.

Như vậy, tổng số lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện nay khoảng 135.000 người, tương đương với 46% số lao động làm việc trước thời gian giãn cách (288.000 người).

Tại Khu công nghệ cao, trước ngày 1/10 có 25.000 lao động thực hiện “3 tại chỗ,” chiếm 50% tổng số lao động của khu. Sau ngày 1/10, nhiều doanh nghiệp đang chuẩn bị kêu gọi lao động trở lại làm việc và rà soát nhu cầu để tuyển bổ sung.

Theo ông Phạm Đức Hải, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục, tâm lý người dân thành phố cũng rất phấn khởi. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng người dân chủ quan, không tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch như không thực hiện đủ 5K, tụ tập đông người, buôn bán hàng rong, vỉa hè… Điều này hết sức nguy hiểm, do tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn vẫn rất phức tạp.

“Thực hiện Chỉ thị 18, công tác kiểm soát, phòng, chống dịch vẫn là ưu tiên hàng đầu của thành phố, các hoạt động sản xuất kinh doanh được phép hoạt động phải đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo Bộ tiêu chí an toàn phòng, chống dịch. Do đó, mỗi người dân phải nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình để sống an toàn,” ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng thông tin, công tác điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tiến triển khả quan, thành phố hiện đang điều trị 27.060 bệnh nhân, trong đó có 2.610 trẻ em dưới 16 tuổi, 724 bệnh nhân nặng đang thở máy.

Trong ngày 3/10 có 1.449 bệnh nhân nhập viện, 2.743 bệnh nhân xuất viện, số tử vong hiện ở mức dưới 100 ca/ngày.

Hỗ trợ người dân có nhu cầu di chuyển liên tỉnh

Liên quan đến việc người dân đăng ký thông tin để về quê đón người thân quay lại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, từ 8 giờ ngày 2/10 đến 15 giờ ngày 4/10, Sở đã nhận 6.937 đơn đề nghị của người dân qua email, đăng ký đi các tỉnh đưa người thân về Thành phố Hồ Chí Minh.

Sở đã phản hồi 2.590 đơn bằng phương thức thủ công do chưa có công cụ hỗ trợ. Hiện nay số đơn vẫn tiếp tục tăng lên, cho thấy nhu cầu của người dân rất lớn.

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi văn bản đến Sở Giao thông Vận tải các tỉnh lân cận để phối hợp hỗ trợ người dân có nhu cầu đưa thân nhân trở lại thành phố.

Tuy nhiên, việc đi lại qua các chốt kiểm soát còn khó khăn nên việc di chuyển của người dân có nhu cầu vẫn còn hạn chế. Dự kiến, đến ngày 6/10, người dân có thể đăng ký thông tin trực tuyến trên cổng thông tin của Sở Giao thông Vận tải để được giải quyết nhanh hơn.

TP.HCM: Khoi phuc hoat dong san xuat, nguoi dan khong duoc chu quan hinh anh 2
Sau thời gian tạm nghỉ do dịch COVID-19 phức tạp, các doanh nghiệp trong Khu chế xuất Tân Thuận đã được hoạt động trở lại. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Thông tin về số lượng người lao động tại thành phố tiếp tục về quê từ ngày 1/10 đến nay, Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thống kê sơ bộ từ các chốt trạm kiểm soát, trong ngày 1/10 có khoảng 10.000 lượt người; trong hai ngày 2-3/10 có thêm 24.000 lượt người đi qua các chốt cửa ngõ thành phố để về các tỉnh. Trong đó có khoảng 18.000 lượt là người dân các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

Theo Thượng tá Trần Thanh Giang, với người dân tự tổ chức về quê, lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt chặn cửa ngõ đã hướng dẫn đi theo đoàn, không đi riêng lẻ; đồng thời liên hệ với lực lượng chốt trạm các tỉnh lân cận tiếp nhận, hướng dẫn để bà con di chuyển an toàn.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tổ tuần tra của lực lượng Công an tiếp tục thực hiện thực hiện nhiệm vụ tuần tra lưu động, kiểm tra ngẫu nhiên người đi đường.

Từ ngày 1/10 đến hết ngày 3/10, Công an thành phố đã kiểm tra 547.000 phương tiện, 233.000 lượt người, lập biên bản xử phạt hành chính đối 588 trường hợp với số tiền là 1,253 tỷ đồng.

Các tin khác