Ghi nhận trong bốn tháng đầu năm 2020, tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhiều thách thức khi doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu sản xuất và nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường sụt giảm.
Nhiều doanh nghiệp cho biết họ rất cần những chính sách hỗ trợ cụ thể để vượt qua giai đoạn khó khăn, khôi phục hoạt động kinh tế trong tình hình mới.
Nhu cầu tiêu thụ giảm
Báo cáo của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tính chung bốn tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn Thành phố giảm 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, chỉ số IIP trong tháng Tư giảm 8,3% so với tháng Ba và giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải nguyên nhân chỉ số IIP tháng Tư giảm, đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng do lực lượng lao động tham gia sản xuất bị cắt giảm, nguồn cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn, nhu cầu tiêu thu giảm mạnh. Cụ thể, so với tháng Ba, chỉ số IIP ngành công nghiệp chế biến giảm hơn 11%; sản xuất và phân phối điện tăng 7,6%.
Cùng với đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Tư giảm 12,6% so với tháng trước và giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, ngành này cũng có chỉ số tồn kho trong tháng Tư tăng 4,8% so cùng thời điểm năm trước; trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho cao như thiết bị điện; sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế; kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị); sản xuất kim loại.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước trong tháng Tư đạt 3.914,7 triệu USD, giảm 5,0% so tháng trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô đạt 3.846,7 triệu USD, giảm 3,5%.
"Hầu hết những mặt hàng xuất khẩu trong tháng Tư đều giảm so với tháng trước do nhu cầu tiêu thụ của nhiều quốc gia nhập khẩu sụt giảm và xảy ra trình trạng giãn, hoãn, hủy các đơn hàng. Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh có 16 mặt hàng xuất khẩu vẫn duy trì ở mức tăng so với tháng trước, gồm rau quả tăng 9,9%, càphê tăng 6,3%; hạt điều tăng 4,9%; thủy sản tăng 3,2%...", ông Nguyễn Phương Đông cho biết thêm.
Liên quan đến thị trường xuất khẩu hàng hóa, báo cáo của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí minh với kim ngạch xuất khẩu trong bốn tháng đầu năm 2020 đạt 3.430,6 triệu USD (chiếm hơn 26% tỷ trọng xuất khẩu).
Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai là Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu đạt 2.126,1 triệu USD (chiếm trên 16% tỷ trọng xuất khẩu); tiếp theo là thị trường Nhật Bản với kim ngạch xuất khẩu đạt 1.081,8 triệu USD (chiếm trên 8% tỷ trọng xuất khẩu).
Tuy nhiên, đối với những thị trường mà Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì giá trị xuất khẩu trong bốn tháng đầu năm 2020 lại có xu hướng giảm. Điển hình, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu (Hiệp định thương mại tự do Việt nam-EU), trong bốn tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 1.559,2 triệu USD, giảm 3,3% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng gần 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh.
Kỳ vọng chính sách hỗ trợ
Ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp trong ngành sản xuất công nghiệp cho thấy, họ bị ảnh hưởng khá nặng nề khi dịch bệnh xảy ra. Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong ngành rất bất ngờ với những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị, nhân sự...
Dẫn chứng cụ thể, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Công ty Viet Thang Jeans, cho biết sau khi nguồn cung bị đứt từ Trung Quốc, các doanh nghiệp trong ngành dệt may tiếp tục gặp khó khăn với việc bị tạm hoãn, đình trệ đơn hàng tại thị trường châu Âu và Hoa Kỳ.
Theo ông Phạm Văn Việt, khi khách hàng ở thị trường nhập khẩu chủ lực tạm ngưng nhận hàng, đồng nghĩa 60-70% đơn hàng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, doanh nghiệp trông chờ vào những thị trường còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN, nhưng ở những thị trường này doanh nghiệp dệt may vẫn gặp thách thức do bị tác động từ việc sức mua giảm sút trên phạm vi toàn cầu.
Trong giai đoạn chuyển tiếp như hiện nay, một số công ty may đã và đang tập trung vào việc sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế để có nguồn thu, giữ thị trường và giữ người lao động. Một số doanh nghiệp khác lựa chọn phương thức thu hẹp quy mô sản xuất, giảm khoảng 15-20% nhân sự...
Một số doanh nghiệp đưa ra dự báo, khó khăn nhất hiện nay và trong thời gian tới đối với nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu... là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp phải chủ động giải bài toán này, nhưng rất cần những chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ để vượt qua nhiều thách thức, cũng như mở cửa nền kinh tế và khơi thông thị trường xuất nhập khẩu.
Để chuẩn bị cho giai đoạn hậu dịch, từ tháng Tư đến nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu tái cấu trúc lại, đánh giá lại toàn bộ quá trình hoạt động... Đồng thời, các doanh nghiệp cho rằng, sẽ nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong sáu tháng tới, nhưng có thể phải tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng quản trị nhân sự hiệu quả, tinh gọn bộ máy quản lý, tăng cường khâu tiếp thị sản phẩm...
Không chỉ doanh nghiệp nội địa, mà nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng đang rất kỳ vọng vào sự hỗ trợ, đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước trong những chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp Đức bày tỏ sự quan ngại về những tác động tiêu cực của dịch bệnh tới tình hình sản xuất kinh doanh của họ tại Việt Nam, nhưng vẫn kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế trong trung hạn của Việt Nam.
Theo Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), có 72% doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát AHK World Business Outlook 2020 - Đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức và những tác động của dịch COVID-19 tới hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trên toàn cầu và tại Việt Nam cho biết, trong trung hạn vẫn tiếp tục đầu tư tại Việt Nam và 27% trong số họ sẽ tiếp tục tuyển dụng. Mặt khác, doanh nghiệp Đức cho rằng, nhu cầu thị trường và chính sách kinh tế là những yếu tố thách thức chính đối với sự phát triển trong vòng 12 tháng tới tại Việt Nam.
Còn về phía Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Nicolas Audier, Chủ tịch EuroCham cho hay, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có những hành động nhanh chóng và quyết đoán để đảm bảo ổn định nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, Việt Nam có thể sớm đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm hỗ trợ cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài cùng vượt qua thách thức và trở lại hoạt động kinh doanh càng sớm càng tốt.
Cộng đồng doanh nghiệp, thành viên EuroCham đánh giá cao những biện pháp của Chính phủ Việt Nam; trong đó doanh nghiệp châu Âu nhận định việc gia hạn nộp nhiều loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt... cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho đơn vị sản xuất, kinh doanh, cũng như nhà đầu tư.
Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước có thể nghiên cứu phương án gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là một trong những biện pháp cần thiết, theo sau đó là việc tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội.