TPHCM: Làm sao thu hút người trẻ xuất sắc?

(ĐTTCO) - Sở Nội vụ TPHCM vừa có văn bản báo cáo UBND TP về việc triển khai thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Nghị định 140/2017 của Chính phủ.
TPHCM: Làm sao thu hút người trẻ xuất sắc?

Theo đó, kết quả từ năm 2018 đến nay, cơ quan hành chính ở TPHCM chưa có trường hợp sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được thu hút, tuyển dụng để đào tạo nguồn cán bộ. Trong khi đó, khi hàng chục trường đại học trên địa bàn TP hàng năm cho ra lò hàng trăm cử nhân, kỹ sư xuất sắc. Thực tế, các sở, các viện nghiên cứu chỉ tuyển dụng được các sinh viên tốt nghiệp ở mức khá, thậm chí trung bình. Trước thông tin này có nhiều ý kiến bàn tán khác nhau, nhất là các bạn sinh viên, nhưng lại thống nhất nhau ở chỗ môi trường nhà nước không hấp dẫn họ.

Bộ máy công quyền được coi là bộ khung của nền công vụ quốc gia. Do vậy, cán bộ, nhân viên làm ở đó phải là những người giỏi, thậm chí ở một số bộ phận như tham mưu, nghiên cứu, đứng đầu các sở ngành là những người giỏi nhất. Bộ máy công quyền không chỉ đóng vai trò quản lý nhà nước, điều hành cho các tỉnh, TP vận hành trơn tru trong trạng thái bình thường, còn xây dựng chính sách mới, điều chỉnh những gì đang hoạt động hàng ngày và dự báo những gì sẽ xảy ra trong tương lai, cũng như có khả năng xử lý mọi rủi ro, đối phó mọi biến động bất thường. Vì vậy, hệ thống cơ quan công quyền là nơi có quyền lực mạnh được dân ủy nhiệm, được quyền sử dụng lượng tài chính khổng lồ và thiết bị kỹ thuật hiện đại nhất.

Các tập đoàn tư nhân, công ty luôn có những người giỏi để sản xuất, làm ra của cải vật chất và hàng hóa. Nhưng việc “trị quốc, an dân” và “phát triển tổng thể” không phải là nhiệm vụ, chức năng của họ, mà thuộc về hệ thống công quyền, vì thế nhân viên bộ máy công quyền phải là những người giỏi là điều đương nhiên. Tôi đã từng tiếp xúc với sinh viên trường chính sách công mang tên Lý Quang Diệu của Singapore, nên hiểu tại sao họ giỏi và tại sao họ được đào tạo như thế. Ngay khi bước chân vào trường này, họ đã là công chức dự bị và khi ra trường họ chắc chắn có việc làm trong nhà nước, được mua căn hộ trả góp và mức lương sống tốt để yên tâm phục vụ nhân dân lâu dài.

Những người trẻ xuất sắc có khát vọng vươn lên trong học vấn và trong vị trí xã hội. Ngay từ năm thứ 3 trên giảng đường đại học, những sinh viên giỏi đã tìm kiếm cơ hội đi học cao hơn ở trong nước, ở nước ngoài, và sau khi tốt nghiệp thời gian ngắn họ đã chuyển tiếp sang cao học, nghiên cứu sinh. Nhiều người sau này làm việc trong các trường đại học, còn những người đi học nước ngoài chọn con đường ở lại không về nước nữa. Một số khác được các công ty, tập đoàn kinh tế đón ngay khi ra trường, được bố trí vào những vị trí quan trọng và chỉ ít năm sau là có căn hộ, xe hơi. Điều đó cho thấy, cử nhân, kỹ sư xuất sắc không đầu quân về cơ quan nhà nước là điều không có gì lạ, ngoài chuyện lương rất thấp ra, cơ hội thăng tiến rất khó khăn.

Bởi lẽ, để được vào hàng xếp, người trẻ thật sự xuất sắc mất chừng 5-7 năm (có thể sớm hơn) là có được chỗ đứng trong công ty nào đó. Trong khi đó, muốn lên được trưởng phó phòng hay tương đương ở một phòng, một ban của TP, họ phải mất ít nhất 15-20 năm, làm việc trong tình trạng luôn xuất sắc, đánh giá cuối năm là hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, luôn là lao động tiên tiến, chỉ vài lần sa sút là không được xếp vào cán bộ nguồn. Ngoài việc bảo đảm phải có bằng cử nhân, thạc sĩ, một số vị trí là tiến sĩ thì phải đã có đủ các điều kiện cứng như tốt nghiệp khóa đào tạo, bồi dưỡng về chương trình quản lý nhà nước ngạch chuyên viên trở lên; sử dụng thành thạo máy tính và các trang thiết bị văn phòng phục vụ cho công tác; có chứng chỉ trình độ B ngoại ngữ trở lên; tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 50 tuổi đối với nam và không quá 45 tuổi đối với nữ.

Chưa hết, cán bộ công chức được bổ nhiệm phải có khả năng nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất các giải pháp kinh tế - kỹ thuật và chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực công tác được giao, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước của cơ quan, địa phương; có năng lực quản lý, điều hành hoạt động chung của đơn vị và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao; có khả năng quy tụ, đoàn kết, động viên cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Điều quan trọng nhất là phải tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị, ở một vài chức danh còn phải qua khóa học về an ninh quốc phòng.

Với những yêu cầu cao cho một ví trí làm việc như thế, các bạn trẻ xuất sắc tốt nghiệp từ các trường đại học thấy không hấp dẫn. Ngoài chuyện lương bổng lại thấp, có thực tế là làm việc nhà nước cũng có áp lực không hề nhỏ. Với những người coi nhà nước như nơi “bấu víu” làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” sao cũng được, nhưng với người xuất sắc họ luôn muốn đổi mới, cải tiến và đó cũng chính là rủi ro chính trị có thể đến.

Mấy năm trước đây, một số tỉnh miền Trung, trong đó có Đà Nẵng thu hút các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc về làm việc ở các sở ban ngành thuộc cơ quan nhà nước, sau đó gửi họ đi học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài theo các chương trình 911, 322 nhưng thất bại, vì những người này sau khi học xong có một số không về, một số về nước lại bỏ ra ngoài chấp nhận đền bù chi phí nhà nước bỏ ra.

Để thu hút các bạn trẻ xuất sắc đầu quân làm việc trong hệ thống nhà nước là vấn đề khó nhưng phải làm. Vì vậy, cần đánh giá lại các chính sách tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng đã làm, để có những chính sách mới tốt hơn. Như hiện nay, ngân sách nhà nước trả lương cho bộ máy công chức gần 3 triệu người, trong khi chất lượng công chức chỉ ở mức làng nhàng, quả thật đó là gánh nặng cho toàn dân.

Các tin khác