Mục đích tái định cư tại chỗ cho các hộ dân bị ảnh hưởng dự án mở rộng đường Trường Chinh và một số dự án khác… Tuy nhiên, dự án kéo dài hơn 20 năm do công tác đền bù giải tỏa bị vướng, và đến những ngày cuối năm 2023 này mới được khởi công xây dựng.
Kết thúc đền bù, giải tỏa sau… 20 năm
Theo kế hoạch, ngày 29-12, UBND quận 12 sẽ tổ chức khởi công đầu tư xây dựng hạ tầng khu tái định cư 38ha (phường Tân Thới Nhất), sau khi 100% hộ dân đồng thuận với chính sách đền bù, hỗ trợ, tái định cư và đồng ý bàn giao mặt bằng. Sự kiện này chấm dứt việc lãng phí tài nguyên đất, ô nhiễm môi trường… do việc đền bù kéo dài suốt gần 20 năm qua.
Nguyên nhân do chính sách đền bù ban hành trước đó còn nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế, chưa đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Chính sách đền bù, tái định cư ban hành từ năm 2002, kéo dài theo thời gian không còn phù hợp nhưng không được khắc phục, nên không tạo được sự đồng thuận của người dân.
Cụ thể, toàn bộ dự án có 778 trường hợp bị ảnh hưởng, trong đó có 474 trường hợp có nhà ở, đất ở bị giải tỏa toàn bộ; 282 trường hợp có đất nông nghiệp bị giải tỏa toàn bộ và 22 trường hợp giải tỏa một phần. Tuy nhiên đến tháng 3-2010, UBND TP ban hành Quyết định 1069/QĐ-UBND chuyển giao dự án nói trên về cho Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Công trình quận 12 làm chủ đầu tư.
Thế nhưng, trong suốt thời gian gần 20 năm, công tác đền bù giải tỏa tái định cư gặp nhiều khó khăn. Dự án được giải tỏa trong tình trạng “da beo”, những phần đất đã giải tỏa bị bỏ hoang cỏ mọc um tùm, trở thành nơi xả rác, vừa gây ô nhiễm vừa mất mỹ quan đô thị, gây bức xúc cho người dân.
Nhiều dự án “treo” do giá đền bù không hợp lý, cho thấy việc xác định giá đất để đền bù giải tỏa là yếu tố quan trọng đến sự thành-bại cho một dự án.
Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất Nguyễn Hoàng Hùng cho biết, dự án kéo dài hơn 20 năm, giá trị bồi thường thấp trong khi giá bán nền tái định cư đối với phần diện tích chênh lệch lại cao, nên người dân bức xúc.
Có trường hợp được tái định cư nhưng không đủ tiền đóng chênh lệch, dẫn tới tình trạng phải bán nền đi ở nơi khác. Dự án kéo quá dài, có hộ dân đã bàn giao mặt bằng từ năm 2005, đến nay mới được giao nền, cũng góp phần tạo thêm khó khăn. Trước thực trạng này, lãnh đạo quận 12 liên tục kiến nghị lãnh đạo TP hỗ trợ tháo gỡ những bất hợp lý nói trên.
Ông Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết những bế tắc về công tác đền bù giải tỏa chính thức được tháo gỡ khi TP áp dụng những chính sách linh hoạt hơn cho người dân.
Thí dụ việc hỗ trợ tiền tạm cư, chính sách “cứng” trước kia mỗi hộ tối đa được 4 triệu đồng/tháng, nay “chính sách mở” tăng lên 6 triệu đồng/tháng/hộ (4 người). Trước kia quy định người dân quận 12 mới được hoán đổi đất tái định cư, sau này “chính sách mở” quy định bất cứ hộ dân nào bị thu hồi đất trong dự án cũng được hoán đổi tái định cư.
Hay đơn giá bồi thường được ban hành năm 2003, với giá đất ở chỉ 1,8 triệu đồng/m2 trong khi hiện nay giá thị trường xung quanh lên đến 70-80 triệu đồng/m2; đất nông nghiệp bồi thường chỉ 180.000 đồng/m2.
Do đó, tại thời điểm hiện nay nếu áp giá bồi thường cách đây 20 năm sẽ thiệt cho người dân, nên TP áp dụng chính sách hoán đổi đất. Thí dụ việc thu hồi đất nông nghiệp, sau khi nhận 1 suất tái định cư bằng đất theo quy định, phần diện tích vượt hạn mức sẽ được hoán đổi bằng 10% diện tích đất ở…
Quận 12 còn kiến nghị TP bổ sung thêm cho 10 hộ gia đình chính sách có diện tích đất thu hồi lớn, mỗi hộ thêm 1 nền tái định cư.
Xây dựng khu đô thị mới
Theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm hiện tại toàn bộ người dân trong khu vực dự án đã đồng ý bàn giao mặt bằng để chuẩn bị cho ngày khởi công xây dựng hạ tầng trong vài ngày tới. Ngay trước UBND phường Tân Thới Nhất, trước kia là những bãi cỏ mọc quá đầu người, nước đọng… những ngày qua đã được xe máy xúc san ủi mặt bằng, san lấp những con đường tạm phục vụ cho việc thi công sắp tới.
Dọc theo kênh nhánh của kênh Tham Lương, 2 bên bờ đã được xe ủi rải đá chuẩn bị thảm nhựa… Tất cả tạo nên bộ mặt mới thay cho khu đô thị nhếch nhác kéo dài 20 năm qua. Một số công trình như trường tiểu học, trung học cơ sở đã được xây dựng xong đưa vào sử dụng, một số trục đường bước đầu được cải thiện… hình ảnh một dự án “treo” nhếch nhác, ô nhiễm dần đi vào dĩ vãng.
Ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, cho biết: “Sau khi khởi công sẽ tiến hành san lấp, thi công 19 tuyến đường giao thông, hệ thống thoát nước mưa, nước thải; trạm cấp nước, xử lý nước thải, xây dựng công viên, điện chiếu sáng, trồng cây xanh… với tổng mức đầu tư hơn 301 tỷ đồng, thời gian thi công 10-12 tháng tùy gói thầu. Sau đó các dự án thành phần như một số trường học, phòng khám y tế, các block chung cư sẽ thực hiện theo quy định…”.
Một số người dân được bố trí nền tái định cư đã nhận nền và tiến hành xây nhà nhằm ổn định cuộc sống. Ông Lê Phùng Thuận, sau khi nhận nền tái định cư đã tiến hành xây dựng xong 2 căn nhà phố 1 trệt 3 lầu khang trang ở mặt tiền đường 30m Tân Thới Nhất 1B.
Ông Thuận cho biết, gia đình ông bị thu hồi 2.400m2, ban đầu thấy chính sách đền bù, hỗ trợ chưa hợp lý nên ông nhiều lần đi “gõ cửa” các cơ quan chức năng để khiếu nại. Sau đó thấy chính sách mới hợp lý nên đã đồng ý giao toàn bộ diện tích đất bị ảnh hưởng, và được nhận 5 nền đất cùng 8 tỷ đồng bồi thường tài sản trên đất.
“Bà con cơ bản rất vui khi được đền bù thỏa đáng, nhà cửa được xây dựng khang trang. Nay mai dự án được hoàn thiện, nhiều công trình phúc lợi mọc lên, đường sá sạch sẽ, kết nối với các dự án lớn xung quanh như ga metro số 2, trục giao thông Tham Lương - Bến Cát… sẽ thuận lợi cho cuộc sống hơn” - ông Thuận bộc bạch.