Thế nhưng, đến nay đã gần 20 năm, dự án vẫn còn ngổn ngang, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân.
Một trong những đoạn “nút cổ chai” trên đường Phạm Văn Bạch do người dân chưa nhận đền bù, chưa bàn giao mặt bằng
Tắc đường, ô nhiễm
Năm 2006, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 5480/QĐ phê duyệt đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Phạm Văn Bạch. Đây là tuyến đường huyết mạch nối từ đường Trường Chinh (quận Tân Bình) và Quang Trung (quận Gò Vấp), với chiều dài dự án 5,7km.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành sau 3 năm thi công. Thế nhưng, đến nay đã 18 năm, đoạn qua địa bàn phường 15, quận Tân Bình, từ đường Trường Chinh đến số 393 đường Phạm Văn Bạch, vẫn còn ngổn ngang.
Gần 20 năm nay, nhà cửa của người dân trên đoạn đường này nơi thò ra, chỗ thụt vào nham nhở, giải tỏa đến đâu thi công đến đó. Trên các phần đường đã được thi công, người dân sử dụng làm điểm bán hàng hóa, biến công trường thành chợ tự phát với hàng trăm điểm bán hàng.
Người dân bày bán nhiều loại hàng hóa khác nhau từ rau củ quả đến bàn ghế, điện máy. Như cửa hàng Ngọc Thiện số 393 đường Phạm Văn Bạch chuyên mua bán hàng thanh lý tủ, giường, bàn ghế… đã biến đoạn đường thành kho bãi lớn với hàng trăm sản phẩm.
Ông Hoàng Anh Chiên, nhà số 371 đường Phạm Văn Bạch, cho biết, gần 20 năm nay, người dân không những đi lại khó khăn, mà những gia đình trên tuyến đường này phải sống trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm. Vào những ngày nắng thì bụi mù, còn ngày mưa nước thải từ dưới cống dâng lên chảy tràn ra đường, bốc mùi hôi nồng nặc.
“Đoạn đường này có nhà số 387 đường Phạm Văn Bạch chưa giao đất cho Nhà nước làm đường nên cống thoát nước đến đây lại bị tắc. Những hôm trời mưa lớn, nước thải từ các hộ phía trên chảy xuống, dâng cao chảy tràn vào các nhà xung quanh. Nhiều đêm, gia đình phải chia nhau ngủ để ngồi canh tát nước ra ngoài, rất vất vả”, ông Chiên cho biết.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Ninh cho biết, gia đình ở quận Gò Vấp nên hàng ngày vẫn đi trên đường Phạm Văn Bạch sang quận Tân Bình làm việc. Cùng một tuyến đường nhưng phần đi qua quận Gò Vấp đã hoàn thành từ lâu, còn đoạn qua quận Tân Bình làm mãi không xong. Con đường vốn đã hẹp lại thêm người mua bán đông nên thường xuyên xảy ra tắc đường, kẹt xe vào giờ cao điểm.
Chờ đến bao giờ?
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM, nguyên nhân công trình chậm tiến độ là do việc giải tỏa gặp nhiều khó khăn, không có mặt bằng sạch để thi công. Theo phê duyệt lần đầu, dự án có tổng kinh phí đầu tư 273,2 tỷ đồng, trong đó tiền đền bù là 195,5 tỷ đồng.
Đến năm 2012, dự án được bổ sung thêm 400 tỷ đồng, nâng tổng kinh phí đền bù lên 468,2 tỷ đồng nhưng vẫn chưa hoàn thành. Nhiều năm nay, giá nhà đất trên thị trường có chiều hướng tăng dần, công tác đền bù ngày càng khó thêm, nên công trình chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, các hộ dân từ số 361 đến 393 đường Phạm Văn Bạch (khu phố 4, phường 15, quận Tân Bình) nhiều lần đề nghị chủ đầu tư lắp đặt ống nối hệ thống thoát nước mới ra đường ống cũ để xóa ngập nước thải nhưng chưa được đáp ứng.
Ông Hoàng Anh Chiên chia sẻ: trước đây, 16 gia đình trên đoạn đường này đã nhiệt tình hiến đất làm đường, với giá trị hiến mỗi gia đình từ 300 triệu đến 800 triệu đồng. Nay cán bộ phường yêu cầu người dân đóng góp 51 triệu đồng để làm cống đấu nối với hệ thống thoát nước là thiệt thòi cho những người đã từng hiến đất làm đường, nên nhiều người không đồng tình.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Truyền, Chủ tịch UBND phường 15, quận Tân Bình, cho biết: "Chính quyền địa phương đã tiếp nhận, kịp thời tổ chức kiểm tra, xử lý khi nhận được phản ánh của người dân. Người dân đề xuất đặt nối cống để chống nước thải tràn là chính đáng, nhưng phường lại thiếu kinh phí, việc xã hội hóa, kêu gọi đóng góp cũng không dễ. Phường 15 đã kiến nghị cấp trên, chủ đầu tư tổ chức thi công trở lại để sớm khắc phục tình trạng ô nhiễm và nạn tắc đường kẹt xe vào giờ cao điểm".