TPHCM: Nghiên cứu chính sách ưu đãi nhà đầu tư chiến lược

(ĐTTCO) - Sáng 10-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo nghị quyết.

Phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM

Phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra tuyên bố Khung giải pháp hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số. Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia áp dụng.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế TTTC, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức TTTC 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Việc sớm ban hành nghị quyết sẽ thể hiện rõ quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện thuế TTTC từ 1-1-2024, tạo niềm tin cho nhà đầu tư về môi trường pháp lý ở Việt Nam.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Yên (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, đánh thuế nhưng vẫn phải đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định, không ảnh hưởng các doanh nghiệp đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng cho rằng, Việt Nam cần có động thái, tín hiệu cho nhà đầu tư biết rằng, khi áp dụng nghị quyết này thì những nhà đầu tư tới đây sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi khác mà Chính phủ Việt Nam triển khai.

Theo tính toán của Chính phủ, dự kiến có khoảng 122 tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ thuộc diện điều chỉnh của nghị quyết. Đối với các tập đoàn trong nước, Chính phủ dự kiến có 6 tập đoàn thuộc diện điều chỉnh của nghị quyết và dự kiến số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung (IIR) có thể thu từ các khoản đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn này là khoảng 73 tỷ đồng (trong trường hợp các nước nhận đầu tư không áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu).

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho biết, nhà đầu tư nước ngoài có đóng góp quan trọng với nền kinh tế, với khoảng 20-22% GDP; năm 2022, nộp thuế trong tổng thu ngân sách chiếm 13,7%; đóng góp 16% tổng vốn đầu tư xã hội; đóng góp tới 74% giá trị xuất khẩu..

Tại TPHCM, khu vực FDI đóng góp vào GRDP của thành phố khoảng 19,95% và gần 10% tổng vốn đầu tư xã hội năm 2022 (trước đó khoảng 15%). Đóng góp của FDI là lớn về vốn.

"Hơn thế, kỳ vọng của chúng ta ngoài vốn là thu hút công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, học tập kỹ năng quản trị kinh doanh, nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng thực tế, mong muốn của chúng ta chỉ đạt ở mức độ nhất định, phần lớn vẫn ở việc gia công. Ngành công nghiệp hỗ trợ còn khiêm tốn, kết nối doanh nghiệp trong nước còn hạn chế", ông Trần Hoàng Ngân nói.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB đồng tình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, đồng thời, đề nghị sớm thể chế hóa Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị ngày 20-8-2019 về định hướng, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, để góp phần đạt được đa mục tiêu trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao.

Vấn đề đặt ra là làm sao vừa thu thuế bổ sung, vừa thu hút được nhà đầu tư chiến lược? ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần phải suy nghĩ giải pháp, bắt nguồn từ lý do mà các nhà đầu tư quyết định đầu tư ở Việt Nam: Chính sách thuế, vĩ mô ổn định, chính trị-xã hội ổn định, lao động dồi dào… Bên cạnh đó, cần làm tốt khâu hạ tầng, công nghệ thông tin, thể chế, văn hóa-xã hội, an ninh trật tự. TPHCM cũng cần quan tâm làm tốt những điều này, kể cả chính sách cho thuê đất, kết nối hạ tầng, các cảng hàng không, cảng biển; xúc tiến thương mại…

Đồng tình, ĐB Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, thu thuế bổ sung phải đi liền chính sách ưu đãi đầu tư sao cho phù hợp để giữ chân nhà đầu tư, từ thể chế, hạ tầng, nhân lực, thuế, cải cách hành chính.

"Khi chuẩn bị triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thành phố đã chuẩn bị kỹ nhưng vẫn chưa đưa vào hết. Những nội dung này sẽ tiếp tục được nghiên cứu trong Nghị quyết về chính sách ưu đãi đầu tư, TP phải tính toán thêm vấn đề này, nhất là chính sách đối với các nhà đầu tư chiến lược”, ông Phan Văn Mãi nêu.

Các tin khác