Tập trung từ khâu mặt bằng
Chiều 4-12, ông Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 1966) cùng nhân công tất bật trộn hồ, di chuyển sắt, thép và vật liệu để hoàn thiện căn nhà mới. Nhà của ông Sơn nằm trên mặt tiền đường Dương Quảng Hàm (phường 7, quận Gò Vấp), đang trong quá trình giải phóng mặt bằng để mở rộng tuyến đường.
Chia sẻ với PV Báo SGGP, ông Sơn cho biết, căn nhà của ông thuộc diện giải tỏa một phần, diện tích còn lại không đáng kể. Hiện ông đang xây dựng nhà mới lùi vào trong theo tiêu chuẩn, dự kiến sớm hoàn thiện để kịp đón Tết Giáp Thìn 2024. Trước đó, khi địa phương thông báo về việc giải tỏa mở rộng đường, ông Sơn cùng nhiều hộ dân trên tuyến đường đã nhanh chóng đồng thuận khi xác định dự án giúp giảm thiểu tình trạng kẹt xe, khói bụi.
“Chúng tôi cũng mong muốn, sau khi người dân bàn giao mặt bằng, dự án mau chóng được hoàn thành và không để xảy ra tình trạng bê trễ, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại của người dân”, ông Sơn gửi gắm.
Người dân huyện Củ Chi làm thủ tục bàn giao mặt bằng dự án đường Vành đai 3
Lãnh đạo UBND quận Gò Vấp chia sẻ, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại dự án mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm đã góp phần quan trọng giúp quận có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm đạt 99%, trở thành địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất TPHCM hiện nay. Cũng tập trung công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ngay từ đầu, đến cuối tháng 11, quận 8 đạt tỷ lệ giải ngân được hơn 86%. Đến nay, quận đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm.
Trong năm, quận 8 được UBND TPHCM giao tổng vốn đầu tư công hơn 677 tỷ đồng, gồm 55 dự án do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng khu vực quận 8 làm chủ đầu tư và 2 dự án do Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng quận 8 làm chủ đầu tư. Trong đó, vốn thực hiện công tác bồi thường hơn 337 tỷ đồng, vốn xây lắp hơn 339 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Quang Tú, Phó Chủ tịch UBND quận 8, quận đã phát động phong trào thi đua giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Quận xác định, giải phóng mặt bằng là khâu ảnh hưởng nhiều nhất đến tiến độ của dự án. Nên ngay từ đầu, quận tập trung quan tâm, gỡ vướng trong công tác này, góp phần đảm bảo, thậm chí rút ngắn được thời gian bồi thường, thu hồi đất.
Có thể kể đến, thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đường D8; dự án xây dựng bờ bao và cống ngăn triều trên rạch cầu Sập từ 60 ngày còn 45 ngày. Nhận được mặt bằng, quận đã khẩn trương thực hiện các dự án, như nạo vét xây dựng hạ tầng cải tạo bờ bao Kênh Đôi. Dự kiến, đến hết năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại quận 8 sẽ đạt trên 95%.
Phân công nhiệm vụ, đốc thúc tiến độ
Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, chia sẻ, năm 2023, quận được giao hơn 1.600 tỷ đồng vốn đầu tư công. Quá trình bồi thường gặp nhiều khó khăn, do thời gian đầu chưa được sự đồng thuận cao của các hộ bị giải tỏa trắng. Do đó, lãnh đạo quận thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe nguyện vọng của người dân và đề xuất các chính sách phù hợp. Đặc biệt, quận rất quan tâm vấn đề “hậu tái định cư cho người dân”. Quận cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, sửa chữa và các thủ tục nhà đất.
Những giải pháp trên đã tạo sự đồng thuận cao của người dân, sớm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công. Là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vượt mức đăng ký với TPHCM, huyện Củ Chi cũng có quá trình phân công, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ rõ ràng, khoa học theo từng giai đoạn.
Tất bật sửa nhà trên đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, TPHCM Ảnh: THU HOÀI
Theo bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, trong năm, huyện được UBND TPHCM bố trí vốn cho 208 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 1.079 tỷ đồng. Tính đến tháng 11, huyện đã giải ngân được hơn 867 tỷ đồng, đạt 80,3%. Đó là do, từ đầu năm, huyện đã xác định đẩy mạnh thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của năm. Từ đó, huyện thành lập ban chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra công tác giải ngân vốn đầu tư công và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn.
Huyện cũng cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp của các phòng ban, Kho bạc Nhà nước Củ Chi, UBND các xã, thị trấn và các chủ đầu tư, phấn đấu hoàn tất toàn bộ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng trong năm. Các chủ đầu tư cũng ban hành kế hoạch chi tiết giải ngân vốn của từng dự án, đảm bảo tỷ lệ giải ngân được giao.
Huyện cũng yêu cầu các phòng ban và đơn vị liên quan chủ động phối hợp, đẩy nhanh các thủ tục liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ đúng kế hoạch. Huyện rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục liên quan, để chậm nhất sau 10 ngày nhận đầy đủ hồ sơ là dự án được triển khai thực hiện.
Bình Chánh giải ngân vốn đầu tư công gần 95%
Trong năm 2023, huyện Bình Chánh được giao tổng số vốn hơn 2.342 tỷ đồng. Đến cuối tháng 11-2023, huyện đã giải ngân hơn 2.215 tỷ đồng (đạt hơn 94,57%). Về tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng ở dự án đường Vành đai 3, đến nay đã có 303/393 trường hợp bàn giao mặt bằng (đạt tỷ lệ 97,24%). Số lượng dự án đang triển khai trên địa bàn huyện rất lớn, hiện có 110 dự án đang triển khai, trong đó có 47 dự án đã được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Bình Chánh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thành lập 12 tổ giám sát, 8 tổ vận động do các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND - UBND huyện làm tổ trưởng. Từng tổ bám sát tình hình cơ sở, tiến độ từng dự án, báo cáo kịp thời các khó khăn vướng mắc.
Định kỳ hàng tuần, UBND huyện làm việc với các chủ đầu tư về tình hình thực hiện dự án, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Huyện tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư trên địa bàn huyện. Đồng thời, tăng cường đối thoại với người dân, thực hiện chính sách có lợi nhất cho người dân theo quy định, tính đúng, tính đủ chi phí bồi thường, hỗ trợ theo quy định, góp phần hạn chế việc người dân khiếu nại liên quan đến chính sách bồi thường.
VĂN MINH