Mục tiêu của đoàn đại biểu TPHCM trong chuyến công tác này là tìm hiểu kinh nghiệm của Thủ đô Bangkok trong công tác quy hoạch đô thị, chống ngập, phát triển du lịch đường sông và du lịch về đêm.
Đoàn đại biểu TPHCM tham quan tòa nhà True Digital Park
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết: Trong quy hoạch, chỉnh trang đô thị, TPHCM đặc biệt chú trọng đến chỉnh trang và phát triển đô thị trên và ven kênh rạch. Giống Thủ đô Bangkok, hệ thống sông, kênh, rạch tại TPHCM gồm 5 tuyến chính với tổng chiều dài hơn 105km, trở thành mạng lưới giao thông đường thủy, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan đô thị cho toàn TP, và giải quyết tiêu thoát nước cho TP.
Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, TPHCM gặp không ít khó khăn trong công tác quy hoạch đô thị chung và chống ngập của TP thiếu tính đồng bộ; quy hoạch chưa đảm bảo tính dự báo, định hướng. Ngoài ra, quy hoạch chủ đạo đã có từ lâu và không còn phù hợp với diễn biến phức tạp của tình hình biến đổi khí hậu nước biển dâng.
Để chỉnh trang đô thị trên và ven kênh rạch, TPHCM có kế hoạch thực hiện 65 dự án, di dời 23.814 căn nhà trên và ven kênh rạch. Đến nay, TP đã bồi thường, di dời 2.152 căn nhà, đạt tỷ lệ 10,76%; phấn đấu đến năm 2025 hoàn tất di dời. 2 khó khăn lớn TP gặp phải trong công tác chống ngập và chỉnh trang đô thị trên và ven kênh rạch là: giải phóng mặt bằng; thiếu vốn đầu tư.
Về phát triển du lịch đường sông được TPHCM xem là loại hình du lịch tiềm năng, đặt mục tiêu phát triển mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, hệ thống cầu tàu, bến bãi phục vụ du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố vẫn còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch TP. Ngoài ra, TP thiếu các sản phẩm du lịch về đêm, nên hạn chế trong việc thu hút du khách nội địa và quốc tế.
Nhằm thực hiện những chương trình trên, TPHCM mong muốn chính quyền Bangkok chia sẻ kinh nghiệm về di dời, tái định cư cho các hộ dân sống trên và ven kênh rạch, và chống lấn chiếm bờ sông, kênh rạch; các phương án lập quy hoạch xây dựng đô thị, thiết kế đô thị xanh dọc hành lang kênh rạch, theo hướng kết nối liên tục chuỗi các không gian mở đa chức năng; cũng như kinh nghiệm thực tiễn khi thực hiện quản lý nhà nước đối với phát triển đô thị dọc hành lang kênh rạch. Phương thức huy động nguồn vốn, khung pháp lý nhằm thu hút khối tư nhân đầu tư vào các dự án chống ngập, chỉnh trang đô thị trên và ven kênh rạch và phát triển du lịch đường sông…
Tại buổi làm việc, chia sẻ kinh nghiệm, đại diện Sở Quy hoạch - Phát triển thành phố Bangkok, Thái Lan cho rằng, chiến lược phát triển đô thị Bangkok từ 2013 với mục đích tăng cường phục vụ đời sống người dân, khuyến kích thành phố phát triển thành trung tâm kinh tế - văn hóa; trung tâm du lịch; trung tâm đào tạo đầu mối đầu ngành các lĩnh vực; đầu mối giao thông trong khu vực, đặc biệt phát triển giao thông vận tải tiện lợi an toàn cho người dân; khuyết khích cân bằng khu vực dân cư sinh sống và làm việc, khuyến khích ngành nghề kinh doanh không ô nhiễm môi trường, bảo vệ khu vực canh tác màu mở; khuyến khích phát triển an toàn về cộc sống người dân, giải quyết biến đổi khí hậu.
Mục đích xây dựng đô thị Bangkok thành đô thị thông minh, có kế hoạch sử dụng mặt đất về 4 lĩnh vực gồm khu vực kinh doanh, khu vực dân cư sinh sống đông đúc, khu vực dân cư vừa phải, bảo tồn nông nghiệp và liên quan đến nông nghiệp… nhằm tạo khu vực bên ngoài thông thoáng. TPHCM cũng như Bangkok có nhiều sông, vì vậy xây dựng ven kênh, rạch phải rất chú trọng để giữ gìn nhằm tạo khoảng trống cho khu vực đó. Đơn cử, dự án chỉnh trang kênh Klong Premprachakom dài 17km với 6.100 hộ dân lấn chiếm hai bên bờ kênh.
Để giải quyết vấn đề này TP Bangkok quy hoạch chỉnh trang nhưng người dân dọc hai bên kênh vẫn được bố trí sống ngay tại khu vực này. Bangkok quy hoạch xây dựng hạ tầng giao thông kỹ thuật, công viên cây xanh, xây dựng những khu nhà tập thể với đầy đủ tiện nghi để di dời người dân vào đó ở.
Nguyên tắc là để người dân tái định cư tại chỗ và đảm bảo mọi nhu cầu sinh hoạt. Đây là những định hướng quy hoạch xây dựng Bangkok trở thành thành phố đáng sống. Ngoài ra, xây dựng các khu dân cư cho người dân sinh sống xung quanh 300 ga điện ngầm (metro) cho từng khu vực khác nhau. Và đã thực hiện từ năm 2010, đến nay Bangkok phát triển hiệu quả hơn.
Về ứng phó với nước biển dâng, lún, Chính quyền Bangkok lập Ủy ban Ứng phó về các vấn đề kéo dài 10 năm từ 2013 đến 2023 gồm các lĩnh vực như giao thông vận tải không tác động xấu đến môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng khác thay thế xăng dầu. Giải quyết ô nhiễm nguồn nước đảm bảo môi trường, quy hoạch xây dựng thành phố xanh; thích nghi với biến đổi khí hậu. Đến nay đã thực hiện được 1 nửa kế hoạch này.
Đối với ngập lụt, xây dựng các đập, tuyến đê bao quanh khu vực các bờ sông, bên trong xây dựng hệ thống thoát nước, các trạm bơm để bơm nước ra ngoài. Xây dựng hồ điều tiết nước tạm thời, xây dựng hệ thống thoát nước ngầm “khổng lồ” trong nội đô để dẫn nước ra hệ thống kênh, giải quyết tình trạng lấn chiếm kênh rạch.
Về giao thông, đại diện Sở GTVT Bangkok cho biết, Bangkok xây dựng hệ thống giao thông xanh, ứng dựng công nghệ thông tin để phát triển GTVT; xây dựng các hệ thống giao thông công cộng nhằm ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng trung tâm chỉ huy hệ thống giao thông nhằm kết nối nhiều điểm xe buýt đến các trục đường chính.
Tiến tới không sử dụng xe ô tô, xe máy thay thế bằng phương tiện xe đạp hoặc đi bộ và phương tiện công cộng. Giáo dục, nâng cao người dân sử dụng phương tiện không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, xây dựng hai bên tuyến kênh thành đường giao thông, xây dựng hệ thống kết nối để người dân đi bộ được dễ dàng hơn. Xây dựng các điểm dừng để duy chuyển bằng các loại phương tiện công cộng. Xây dựng đường dành cho xe đạp, xây dựng các điểm tập kết xe đạp để di chuyển từng chặn. Giáo dục người dân nâng cao tầm nhận thức về giao thông công cộng.
Về du lịch, đại diện Sở Du lịch Bangkok cho biết, định hướng phát triển du lịch Bangkok thời gian tới là phát triển thành 1 trong những điểm đến của thế giới và đứng thứ 6 trên thế giới. TP Bangkok chia thành 7 khu vực phát triển du lịch trong khu dân cư. Nghĩa là giúp người dân tại chỗ làm du lịch. Chính quyền Bangkok phối hợp nhiều cơ quan chính quyền đảm bảo an toàn cho khách du lịch. Đào tạo bếp trưởng về an toàn thực phẩm, hương vị thức ăn…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Lưu Quang cảm ơn bà Parudee Wammaiboon, Phó Tổng Thanh tra Thành phố Bangkok và toàn thể các sở ngành của Bangkok đã có buổi trao đổi hết sức thiết thực về những vấn đề mà TPHCM đã và đang gặp phải. Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Trần Lưu Quang tiếp nhận những thông tin hết sức quý báu để TPHCM có thể giải quyết những khó khăn về thoát nước, chỉnh trang đô thị, tái định cư, phát triển các loại hình du lịch… vì Bangkok tương đồng với TPHCM.
Theo đồng chí Trần Lưu Quang, TPHCM dự kiến năm 2020 sẽ tổ chức diễn đàn về các thành phố Asian bị tác động biến đổi khí hậu và mong muốn thành phố Bangkok tham dự hội nghị này.
Trước đó, đoàn do đồng chí Trần Lưu Quang làm Trưởng đoàn đã đến chào xã giao Phó Tổng Thư ký Thường trực Chính quyền Bangkok, ông Khachit Chatchawnit.
Đồng chí Trần Lưu Quang và ông Khachit Chatchawnit
Đoàn cũng đến tham quan tòa nhà True Digital Park - điểm nhấn trong quy hoạch đô thị của Thủ đô Bangkok về đổi mới và sáng tạo.
Tòa nhà là trung tâm công nghệ cao cho start-up đầu tiên và lớn nhất Đông Nam Á. Đây cũng là một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, vì nó là nơi kết nối, chia sẻ kiến thức và mở ra cơ hội hợp tác cho các bên, bao gồm: chính quyền, các doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ lớn trên toàn cầu, nhà đầu tư với các công ty khởi nghiệp.
True Digital Park có 1.000 văn phòng; 3.000 phòng lab, trung tâm đào tạo; 8 khu vực tổ chức sự kiện với 1 khán phòng có sức chứa 500 người; 1 trung tâm thể thao; 3 trung tâm hỗ trợ dịch vụ từ chính phủ và 200 gian hàng.