Vượt qua sự kỳ vọng ban đầu
- Phóng viên: TPHCM đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ phục hồi kinh tế - xã hội đạt mức như trước dịch, đồng chí đánh giá tiến độ phục hồi đã đạt đến mức nào, có thể hoàn thành mục tiêu đề ra hay không?
Chủ tịch UBND TPHCM PHAN VĂN MÃI: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TPHCM giai đoạn 2022-2025 đặt ra mục tiêu đến hết năm 2022 là giai đoạn phục hồi, khôi phục những đứt gãy trong chuỗi sản xuất, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, để từ năm 2023 tập trung mọi nguồn lực phát huy thế mạnh của TP.
Từ mức giảm sâu ở quý 3, quý 4 năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, 6 tháng đầu năm 2022 kinh tế TP tăng trưởng 3,82%, và dự kiến đến cuối năm sẽ tăng trưởng vượt mức 6,5%. Thu ngân sách 8 tháng đầu năm ước đạt gần 311.900 tỷ đồng, đạt gần 81% dự toán năm, tăng 21,34% so với cùng kỳ.
Đây là sự phục hồi mạnh mẽ, vượt qua sự kỳ vọng ban đầu của TP. Điều này cho thấy, quá trình phục hồi đang đi đúng hướng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát huy hiệu quả tích cực, hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại như trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Đặc biệt, hoạt động thương mại, dịch vụ trở nên sôi động khi khách du lịch quay trở lại nhiều. TPHCM đang có triển vọng rất lớn để hoàn thành mục tiêu phục hồi trong năm 2022, tạo đà tăng tốc cho năm 2023 và những năm tiếp theo.
- Đồng chí có thể khái quát những trở ngại lớn trên con đường phục hồi và phát triển?
- Để có được kết quả phục hồi vượt qua mong đợi, đó là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ công chức, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân TPHCM. Nhưng qua 8 tháng đầu năm, có thể thấy vẫn còn nhiều trở ngại trên con đường phục hồi và phát triển.
Điểm nghẽn lớn nhất là những vướng mắc, chậm trễ về thủ tục hành chính đã cản trở dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và giá trị kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công - dòng vốn mồi quý giá để hoàn thiện hạ tầng, thu hút vốn đầu tư toàn xã hội - trong những tháng qua cũng rất thấp, 7 tháng đầu năm toàn TPHCM chỉ giải ngân được 26% kế hoạch.
Ở đây có vai trò rất lớn của công tác cải cách hành chính. Các chỉ số cải cách hành chính của TPHCM năm qua đều thấp và xuống hạng. Hạn chế này có phần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Tâm lý e ngại, dè chừng là có, khiến cán bộ công chức khó đột phá, sáng tạo; công tác phối hợp giữa các sở ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức chưa thông suốt.
Đây đều là những vấn đề lớn mà TPHCM phải tập trung khắc phục, vượt qua trên hành trình phục hồi và phát triển tới đây. Đó là chưa kể những khó khăn do tác động của tình hình thế giới. Những xung đột, khủng hoảng kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tác động đến giá nguyên, nhiên, vật liệu, thị trường… khiến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của TP gặp khó khăn hơn.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ
- Đâu là những giải pháp để TPHCM vượt qua những trở ngại đó và “lấy lại những gì đã mất”?
-Chúng ta có thể nhìn nhận vấn đề ở nhiều mặt. Quá trình phục hồi kinh tế cũng là cơ hội rất lớn để các quận, huyện, TP Thủ Đức và TPHCM cơ cấu mạnh mẽ lại kinh tế theo hướng giá trị gia tăng cao, hình thành các trung tâm kinh tế sáng tạo - kinh tế tri thức, các khu công nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Ví dụ, khu vực trung tâm như quận 1 có thể nhân dịp này tái cơ cấu mạnh mẽ theo hướng thương mại dịch vụ, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với hiện nay. Đồng thời xây dựng một khu trung tâm văn minh với phương thức quản lý đô thị hiệu quả như Singapore.
Những địa bàn xa hơn như huyện Củ Chi cũng định hướng lại, trở thành một thành tố quan trọng của Cụm đô thị Tây Bắc, phát triển lợi thế đặc thù về nông nghiệp công nghệ cao, hệ thống sông nước kênh rạch, phát triển du lịch lịch sử truyền thống, sinh thái…
Trong tiến trình cơ cấu lại đó, TPHCM cũng đang tập trung cao độ cho công tác chuyển đổi số, để công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp được thông suốt, minh bạch, dựa trên cơ sở dữ liệu có độ tin cậy cao.
Trong đó, TPHCM phát triển chức năng chỉ đạo điều hành và nhắn tin nhắc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua Cổng thông tin 1022; ưu tiên nguồn lực để triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thống nhất của TPHCM, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 10-2022.
Với hệ thống này, người dân không phải khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời cũng có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Để tháo gỡ những vướng mắc, TPHCM cũng phát huy hơn nữa vai trò của tổ công tác về đầu tư. Tổ công tác được thành lập từ tháng 6-2021, đến nay, tổ đã tháo gỡ được nhiều dự án. Chẳng hạn như việc cấp giấy chứng nhận các căn hộ chung cư, từ đó đảm bảo được quyền lợi chính đáng của hàng chục ngàn người dân. Mới đây, TP cũng đã lập Ban Chỉ đạo giải quyết các vấn đề tồn đọng, vướng mắc.
Đây đều là những giải pháp rất mạnh mẽ, thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo TPHCM trong việc tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, mang lại khí thế mới sau hai năm căng mình chống dịch với nhiều thương đau mất mát, làm nền tảng cho bước phát triển vững chắc về sau.
- TPHCM đang tổng kết Nghị quyết 16 và Nghị quyết 54, đề xuất Trung ương một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. Việc này có ý nghĩa như thế nào với sự phát triển của TPHCM trong những năm tới?
-TPHCM đang khẩn trương tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020; Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đây đều là những chính sách lớn, ở đó Trung ương đặt ra nhiều kỳ vọng với TPHCM, đồng thời tạo khung pháp lý rộng hơn so với mặt bằng chung để TP phát triển xứng tầm.
Gần 5 năm qua, TP thực hiện Nghị quyết 54 trong điều kiện rất khó khăn nên hiệu quả mới chỉ dừng ở bước đầu. Khi xây dựng Nghị quyết mới, TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, các đồng chí lãnh đạo các thời kỳ… qua đó đã thu nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp quý báu. Các ý kiến đều kỳ vọng TP sẽ thực sự tăng tốc, bứt phá, với mô hình quản lý thông suốt, hiện đại được phân cấp phân quyền phù hợp hơn.
Song song đó, là điều kiện rộng mở hơn về tự chủ ngân sách, có chính sách đặc thù cho khoa học công nghệ, thu hút nhân tài, phát triển trung tâm tài chính, thực hiện các dự án về hạ tầng giao thông, đô thị và chuyển đổi số, chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng mới…
Những ý kiến quý báu này, cùng với sự góp ý, xem xét của các bộ ngành Trung ương về dự thảo nghị quyết mới, khi được Bộ Chính trị thông qua chủ trương và Quốc hội xem xét thông qua sẽ là bệ phóng vững chắc để TPHCM thực sự vươn mình như mong muốn của đồng bào TP - vì cả nước, cùng cả nước.
Còn rất nhiều vấn đề người dân mong chờ
- TPHCM còn không ít công việc mà người dân đang mong chờ, như chương trình xóa nhà trên và ven kênh rạch, xây dựng mới các chung cư cũ, điều chỉnh hoặc xóa bỏ những quy hoạch treo hàng chục năm… Theo đồng chí, từ nay đến năm 2025, người dân có thể chứng kiến những thành quả, hay chuyển biến tích cực từ các công việc trên?
-Suốt mấy năm qua, cả hệ thống chính trị của TPHCM đã rất nỗ lực, từ chống dịch đến giai đoạn phục hồi và phát triển. Nhưng chúng tôi cũng nhận thức rất rõ rằng còn rất nhiều vấn đề người dân mong chờ lãnh đạo TPHCM có thể làm được nhiều hơn, quyết liệt hơn để nhanh chóng tạo ra hiệu quả cụ thể.
Với hơn 18.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, TP đang nghiên cứu xây dựng một cơ chế thực hiện, với mục tiêu đến giữa năm 2025 - đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - có thể cơ bản xóa được nhà trên và ven kênh rạch. Không chỉ riêng chương trình này, mà nhiều chương trình dự án cụ thể, TP cũng đã đặt ra bước đi, lộ trình, tìm kiếm giải pháp mới đột phá để gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ.
Để chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TPHCM cũng sẽ chọn thực hiện 50 công trình lớn, tương tự ở mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức cũng sẽ chọn 50 công trình có ý nghĩa thiết thực để thực hiện.
Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, giữ vị trí trung tâm liên kết Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong những thời khắc TP đối mặt với cuộc chiến sinh tử, khó khăn chất chồng nhưng chúng ta đã cùng nhau vượt qua chính là nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của mỗi người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Giờ đây, khi đời sống bình thường đã trở lại, chúng ta hãy tiếp tục cùng nhau gắn kết với tinh thần xả thân hơn, bù đắp lại những mất mát thiệt thòi vừa qua, để cùng xây dựng cuộc sống thịnh vượng cho bản thân, gia đình, cộng đồng, góp phần đưa TPHCM và đất nước tiếp tục phát triển. |