TPHCM sáng tạo bứt tốc phát triển: Chuyển đổi số trong quản lý hành chính Nhà nước

(ĐTTCO) -Dịch Covid-19 kéo dài vừa qua là động lực để thúc đẩy chuyển đổi số và TPHCM đã có nhiều bước tiến trong thời gian này. 

Dù vậy, nhận thức về chuyển đổi số còn chưa được thống nhất, cần được khắc phục để cung cấp các tiện ích, dịch vụ công trực tuyến tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Ra mắt Trung tâm điều hành thông minh TP Thủ Đức (TPHCM) ngày 23-10-2021. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ra mắt Trung tâm điều hành thông minh TP Thủ Đức (TPHCM) ngày 23-10-2021. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ưu tiên lĩnh vực người dân có nhu cầu lớn

Đang tìm hiểu để mua 1 căn nhà ở phường An Lạc, quận Bình Tân, ông Hoàng Anh Trọng tải ứng dụng “Bình Tân công dân số” về điện thoại và tra cứu thông tin quy hoạch. Xác định thửa đất không nằm trong quy hoạch hạ tầng hay công viên cây xanh, ông mới yên tâm đặt cọc. Trước đó, tháng 12-2021, ông Trọng đi làm thủ tục nhà đất ở một chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cũng nhận thấy chỉ cần đi lại 2 lần để nộp và bổ sung hồ sơ. Hỏi ra, ông được biết giờ đây các thủ tục nhà đất và thuế đã được liên thông, giúp người dân giảm đi lại.

Về việc liên thông thủ tục giữa cơ quan thuế và nhà đất, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, đến nay đã có hơn 229.000 hồ sơ thực hiện liên thông. Sở đang phấn đấu để 22/22 chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận huyện và TP Thủ Đức đều thực hiện liên thông thuế điện tử. Hiện con số này đang là 13/22 chi nhánh.

Để tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết thủ tục hành chính, việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng. Triển khai từ tháng 6-2019, cơ sở dữ liệu về hộ tịch (sổ đăng ký khai sinh; sổ đăng ký kết hôn; sổ đăng ký khai tử; sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con…) của TPHCM đã hoàn thành cuối năm 2021. Tới nay, khi cần trích lục giấy tờ hộ tịch, người dân thành phố có thể tới bất kỳ đâu để yêu cầu chứ không nhất định về nơi đăng ký hộ tịch ban đầu. Tương tự, tại huyện Nhà Bè, Chủ tịch UBND huyện Triệu Đỗ Hồng Phước cho biết, để thích ứng với điều kiện mới, các phòng ban của huyện đang thi đua số hóa hồ sơ, có đơn vị như Phòng TN-MT đăng ký số hóa 100% trong năm nay. Khi dữ liệu đã được số hóa toàn bộ thì việc tra cứu, quản lý, phục vụ yêu cầu người dân có thể thực hiện hoàn toàn trên không gian số.

Trung tâm điều hành đô thị thông minh được xây dựng ở các quận cũng đang phát huy hiệu quả. Đưa vào vận hành từ tháng 9-2020, Trung tâm điều hành đô thị thông minh quận 1 được tích hợp hệ thống camera, hệ thống PCCC, hệ thống quản lý đô thị thông minh, hệ thống quản lý giáo dục thông minh, hệ thống y tế thông minh, hệ thống du lịch thông minh, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống điều hành an toàn thông tin mạng. Tại quận 12, nhằm giám sát biến động sử dụng đất và phát hiện công trình xây dựng không phép, quận 12 đã xây dựng, ứng dụng ảnh viễn thám và GIS, đánh giá biến động của công trình xây dựng so với dữ liệu quy hoạch, so sánh biến động giữa các thời điểm thu nhận ảnh… 

Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM cho biết, sở đang thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện. Trong điều kiện chưa thể thực hiện chuyển đổi số đồng loạt các lĩnh vực, sở đang xây dựng lộ trình ưu tiên một số lĩnh vực người dân và doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch lớn để tập trung đầu tư, tạo thay đổi căn bản, như lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư.

Chuyển đổi số phục vụ mục tiêu kép

Thời gian qua, công tác chuyển đổi số trên địa bàn TPHCM đã có một số kết quả nổi bật, phục vụ đắc lực cho công tác phòng chống dịch. Đó là hệ thống thông tin an toàn Covid-19 đã cấp 11 triệu mã QR cá nhân và 90.000 mã QR địa điểm. Cổng thông tin Covid-19 và hệ thống bản đồ số Covid-19 phục vụ cộng đồng theo dõi trực quan thông tin dịch tễ với hơn 200 triệu lượt truy cập. Trên 900 đơn vị đã liên thông văn bản điện tử thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Kho dữ liệu dùng chung và nền tảng liên thông tích hợp đã kết nối 41 đơn vị, gần 1 triệu lượt yêu cầu xử lý mỗi ngày. Đến nay, chuyển đổi số đang có một sứ mệnh mới, sáng tạo và ứng dụng giải pháp công nghệ số để góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, khó khăn do đại dịch Covid-19 là đòi hỏi thúc đẩy phải chuyển đổi số trên địa bàn thành phố nhanh hơn, hiệu quả hơn. Sắp tới, TPHCM tiếp tục phát triển Kho dữ liệu dùng chung thành phố, tiếp tục triển khai cơ sở dữ liệu (CSDL) về người dân, tập trung vào CSDL hộ tịch, CSDL y tế, CSDL giáo dục, CSDL doanh nghiệp, CSDL người nộp thuế và CSDL quản lý đất đai thành phố. Cùng với đó là phát triển dữ liệu mở (open data), tập trung vào nhóm dữ liệu mở về y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, quy hoạch.

Đặc biệt, TPHCM sẽ triển khai một ứng dụng di động thống nhất nhằm nâng cao sự tương tác giữa chính quyền với người dân và ngược lại. Theo đó, người dân chỉ cần vào 1 app duy nhất để giao tiếp với chính quyền thành phố ở các lĩnh vực, được phản ánh trên tổng đài 1022, nhận kết quả dịch vụ công, tra cứu thông tin trên hệ thống bản đồ chung, đánh giá sự hài lòng với từng phường, xã, thị trấn. “Thông qua ứng dụng, lãnh đạo thành phố có thể biết kết quả từng phường, xã, thị trấn giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân. Đây cũng là một trong những giải pháp để phát triển công dân số, xã hội số”, bà Võ Thị Trung Trinh chia sẻ.

Bà VÕ THỊ TRUNG TRINH, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM:

Rào cản ở nhận thức


Hiện nay, công nghệ thông tin đã được áp dụng rộng rãi nhưng quy trình công việc ở nhiều nơi vẫn chưa thay đổi. Quyết định được đưa ra vẫn dựa trên báo cáo định tính chứ không phải dựa trên dữ liệu chuẩn xác, đáng tin cậy và theo thời gian thực. Ngoài ra, nhận thức về chuyển đổi số chưa được thống nhất trong các cấp các ngành của chính quyền thành phố. Đơn cử, giấy phép điện tử ngành này cấp vẫn không được ngành khác chấp nhận. Doanh nghiệp lẽ ra chỉ cần 1 giấy phép điện tử, nay phải cần đến 2 loại là giấy phép điện tử và giấy phép có tên đề, dấu đóng.

Yếu tố quyết định đầu tiên trong chuyển đổi số chính là nhận thức. Vì vậy, từng cá nhân, tổ chức cần đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức, nhất là phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của người đứng đầu trong chuyển đổi số. Có thể bắt đầu từ việc khai thác dữ liệu, thay đổi mô hình hoạt động, đảm bảo đồng bộ, liên thông, kết nối giữa các cơ quan nhà nước để cung cấp các tiện ích, dịch vụ công trực tuyến tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Các tin khác