Theo đó, Kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị trên địa bàn TPHCM, giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo đặt mục tiêu hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch.
Hiện nay, UBND TPHCM đang tập trung triển khai 2 dự án trọng điểm, thu hồi số lượng lớn nhà trên và ven kênh rạch là: Dự án nạo vét, cải tạo môi trường xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) trên địa bàn quận Gò Vấp và Bình Thạnh với khoảng 2.223 hộ ảnh hưởng; Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi (quận 8) với khoảng 1.632 hộ ảnh hưởng.
Qua nghiên cứu, rà soát, Sở TNMT nhận thấy về pháp lý, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất có 3 nhóm.
Nhóm 1 là phần đất ngoài phạm vi sông, ngòi, kênh, rạch. Phần đất này có thể thuộc quyền sử dụng hợp pháp, hợp lệ (có giấy chứng nhận hoặc chưa được cấp giấy chứng nhận) hoặc do người dân lấn, chiếm sử dụng. Phần diện tích này sẽ được thực hiện bồi thường, hỗ trợ theo quy định tại Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành.
Nhóm là 2 là phần đất trong phạm vi sông, ngòi, kênh, rạch mà hộ dân đã lấn, chiếm sử dụng và trong quá trình sử dụng hộ dân đã san lấp nên hiện trạng hiện nay là đất. Phần diện tích trong phạm vi sông, ngòi, kênh, rạch mà hộ dân đã lấn, chiếm sử dụng, xây dựng nhà sàn, hiện trạng bên dưới vẫn là mặt nước.
Nhóm 3 là phần diện tích nhà, đất thu hồi của hộ dân có thể chỉ thuộc 1 trong 2 nhóm trên, hoặc bao gồm nhiều nhóm diện tích. Ví dụ trường hợp hộ dân sử dụng đất có quyền sử dụng hợp pháp, hợp lệ nhưng trong quá trình sử dụng có lấn ra phần bên rạch. Phần rạch này có thể được hộ dân san lấp một phần hoặc toàn bộ.
Theo Sở TNMT, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện hành quy định một số nội dung cụ thể. Chẳng hạn đối với đất ở, nếu sử dụng trước ngày 15-10-1993 sẽ được hỗ trợ bằng 40% đơn giá đất ở để tính bồi thường với diện tích hỗ trợ là diện tích đất ở thực tế sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND TPHCM. Nếu phần diện tích đất ở vượt hạn mức (nếu có) được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ đất nông nghiệp quy định tại Điểm c Khoản này.
Nếu sử dụng từ ngày 15-10-1993 đến trước ngày 1-7-2004 sẽ được hỗ trợ về đất bằng 30% đơn giá đất ở để tính bồi thường với diện tích hỗ trợ là diện tích đất ở thực tế sử dụng, nhưng không vượt quá hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND TPHCM. Phần diện tích đất ở vượt hạn mức (nếu có) được hỗ trợ theo chính sách hỗ trợ đất nông nghiệp quy định tại Điểm c Khoản này.
Tuy nhiên, theo phản ánh của UBND địa phương thì chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nêu trên là không đảm bảo để các trường hợp này ổn định cuộc sống chủ yếu là do mức hỗ trợ về đất thấp. Qua nghiên cứu Luật Đất đai năm 2024, đối chiếu với Luật Đất đai năm 2013 trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đặc thù của dự án thu hồi đất, di dời nhà trên và ven kênh rạch, Sở TNMT nhận thấy, so với Luật Đất đai năm 2013 thì Luật Đất đai năm 2024 có lợi hơn cho người có đất thu hồi vì mốc thời điểm cuối cùng để tính hỗ trợ đã được kéo dài đến ngày 1-7 năm 2014 (thay vì Luật Đất đai năm 2013 là chỉ tính đến ngày 1-7-2004).
Tuy nhiên, để các hộ dân trên và ven kênh rạch có thể ổn định cuộc sống, có nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ cần tập trung giải quyết chính sách hỗ trợ phần đất có nguồn gốc là sông, ngòi, kênh rạch và giải quyết chính sách tái định cư.
Từ các cơ sở trên, Sở TNMT kiến nghị UBND TPHCM xem xét, chấp thuận chính sách đối với đất có nguồn gốc là sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng đã lấn, chiếm và tự chuyển mục đích sử dụng đất khi thực hiện dự án thu hồi đất, di dời nhà trên và ven kênh rạch trên địa bàn.
Cụ thể, đối với đất có nguồn gốc là sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng đã lấn, chiếm và tự chuyển mục đích sử dụng đất thì không được bồi thường nhưng được tính hỗ trợ về đất. Trường hợp sử dụng trước ngày 1-7-2014 thì tính hỗ trợ với mức hỗ trợ là 70% giá bồi thường đất ở (sau khi đã trừ nghĩa vụ tài chính theo quy định). Trường hợp sử dụng từ ngày 1-7-2014 trở về sau thì không tính hỗ trợ về đất.
Về hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 111 Luật Đất đai năm 2024 để giải quyết tái định cư cho hộ dân và thực hiện theo nguyên tắc, trường hợp thu hồi toàn bộ nhà ở, đất ở đủ điều kiện bồi thường về đất ở thì được giải quyết tái định cư bằng nền đất hoặc nhà ở xã hội.
Đối với trường hợp thu hồi toàn bộ nhà ở, đất ở nhưng không đủ điều kiện bồi thường về đất ở, nếu diện tích đất ở thu hồi lớn hơn hoặc bằng hạn mức giao đất ở tại địa phương thì giải quyết tái định cư bằng nền đất hoặc nhà ở xã hội. Nếu diện tích đất ở thu hồi nhỏ hơn hạn mức giao đất ở tại địa phương thì giải quyết tái định cư nhà ở xã hội.
Các trường hợp được giải quyết tái định cư nhưng tiền bồi thường, hỗ trợ về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ đủ để được giao một suất tái định cư tối thiểu (bằng tiền, bằng đất ở, bằng nhà ở).
Trường hợp tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ về nhà ở, đất ở hộ dân được nhận không đủ thanh toán giá trị nhà ở trong khu tái định cư thì hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án xem xét giải quyết cho hộ dân được trả góp.
Trường hợp tái định cư bằng nền thì chênh lệch giữa giá trị nền đất hộ dân được bố trí với số tiền hộ dân nộp lần đầu (trường hợp số tiền hộ dân nộp lần đầu thấp hơn suất tái định cư tối thiểu thì tính theo suất tái định cư tối thiểu) sẽ được ghi nợ tiền sử dụng đất theo quy định.