TPHCM sẽ có thêm 35.000 căn nhà ở thương mại, 28.000 chỗ ở cho công nhân

(ĐTTCO) - Trả lời cử tri huyện Nhà Bè và quận 7, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định sẽ tập trung triển khai nhiều hơn nữa nhà lưu trú cho công nhân. Giai đoạn tới, TP sẽ có thêm 35.000 căn nhà ở thương mại và 28.000 chỗ ở cho công nhân.

Sáng 14-5, tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM đơn vị 9 tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri huyện Nhà Bè và quận 7 trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Các ĐBQH gồm: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Thiếu tướng Dương Văn Thăng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương; Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM.

TPHCM sẽ có thêm 35.000 căn nhà ở thương mại, 28.000 chỗ ở cho công nhân ảnh 1Các ĐBQH đơn vị 9 tiếp xúc cử tri tại điểm cầu UBND huyện Nhà Bè. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tại buổi tiếp xúc, đồng chí Phan Văn Mãi đã yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, UBND huyện Nhà Bè và quận 7 trả lời từng ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Dự án chống ngập sẽ hoàn thành trong năm 2023

Cử tri Tăng Văn Thông, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè đề nghị TPHCM tháo gỡ khó khăn cho các dự án chống ngập, trong đó có dự án chống ngập do triều cường đã thi công được 90% mà chưa hoàn thành. Theo cử tri này, tình trạng nước ngập tại huyện Nhà Bè gây khó khăn cho đời sống, cản trở giao thông, sản xuất kinh doanh.

Trả lời cử tri, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Đặng Phú Thành cho biết, dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1, mục tiêu là kiểm soát ngập, chủ động ứng phó ngập khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM, với 6 cống ngăn triều lớn, kích thước 40-160m trên các tuyến đê xung yếu. Đến nay, dự án đã xây lắp được khoảng 90%, sự kiến sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cho biết thêm, dự án này đoạn qua Nhà Bè có  3 cống gồm Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và đoạn đê kè khoảng 2,7km, cần di dời giải tỏa khoảng 145 hộ. Huyện đã bàn giao đầy đủ 100% mặt bằng cho nhà đầu tư.

TPHCM sẽ có thêm 35.000 căn nhà ở thương mại, 28.000 chỗ ở cho công nhân ảnh 2Cử tri huyện Nhà Bè phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thêm 35.000 căn nhà ở thương mại, 28.000 chỗ ở cho công nhân

Nhiều ý kiến cử tri đề cập đến vấn đề nhà ở, đất đai, xây dựng. Cử tri Phạm Thị Mai Thảo, công nhân Công ty TNHH Vĩ Châu, phường Phú Thuận, quận 7 cho biết, thu nhập hàng tháng của chị là 7,5 triệu đồng, chồng lao động tự do, con trai là sinh viên đại học. Mọi chi tiêu phải hết sức tiết kiệm mới đủ, nên để mua được nhà là rất khó. Cử tri mong muốn được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội giá rẻ. Các căn hộ cần có diện tích phù hợp, giá cả phù hợp với công nhân, người lao động, bán trả góp, cho thuê giá rẻ, mở rộng đối tượng cho vay quỹ phát triển nhà ở của TP.

Ông Đặng Phú Thành cho biết: Giai đoạn 2021-2025, TPHCM sẽ thực hiện 47 dự án nhà ở xã hội, với khoảng 35.000 căn hộ. Với nhà lưu trú công nhân, giai đoạn 2021-2025 TP tiếp tục thực hiện 6 dự án nhà lưu trú, quy mô 10ha, với 6.500 phòng, tương ứng 28.000 chỗ ở.

Tháng 4-2022, Sở Xây dựng đã phối hợp với các nhà đầu tư khởi công 5 dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân. Năm 2022 sẽ phấn đấu khởi công được 12 dự án.

Cử tri Nguyễn Văn Nghĩa, phường Tân Thuận Đông, quận 7 cho rằng cần có biện pháp chấn chỉnh tình trạng phức tạp của thị trường bất động sản. Theo cử tri, các đại gia, cò đất dùng mọi thủ đoạn tạo bong bóng bất động sản, cung cấp thông tin sai lệch, làm nhiễu loạn thị trường, đẩy giá đất lên cao bất thường, khiến cho việc thu hồi đất, thực hiện dự án kinh tế xã hội gặp khó khăn.

Về việc này, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, để hạn chế các thông tin không chính xác, TPHCM đã công khai kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các quận huyện.

“Nên bất kỳ tổ chức cá nhân nào rêu rao rằng dự án đã đủ điều kiện bán, cần phải được đối chiếu với kế hoạch sử dụng đất đã được công khai. Ngoài ra, TPHCM có bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất cũng là cơ sở để bà con xem xét, để tránh mua phải giá cao”, ông Thắng cho hay.

28ha đất công ở quận 7 sắp làm công trình công cộng cho người dân

Theo cử tri Nguyễn Văn Nghĩa, trên địa bàn phường Tân Thuận Đông, quận 7 có khu đất 28ha được quy hoạch là khu công viên Nhà Bè xưa, dùng để trồng rừng. Nhưng đến nay quy hoạch này đã không còn phù hợp. Đề nghị TP xem xét chuyển 28ha đất này để xây dựng công viên cây xanh, kết hợp công trình văn hóa, gắn kết giao thông đường thủy phát triển du lịch bền vững, tạo mảng xanh cho cả TP tham quan, du lịch vui chơi giải trí.

Về việc này, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, quận 7 đã tích cực phối hợp với Sở, đưa khu 28ha này vào kế hoạch sử dụng đất xây dựng công trình công cộng phục vụ người dân, nhất là người dân KCX Tân Thuận.

Liên quan đến các khu đất công, ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, vừa qua TPHCM đã rà soát các khu đất công, tránh trường hợp giao sau đó không sử dụng gây lãng phí. Theo đó, TP đã rà soát khoảng 1.800 khu đã giao, cho thuê trong giai đoạn 2016-2022. Trước đó, UBND TPHCM cũng đã trình HĐND thu hồi 108 dự án chậm triển khai.

TPHCM sẽ có thêm 35.000 căn nhà ở thương mại, 28.000 chỗ ở cho công nhân ảnh 3Cử tri huyện Nhà Bè phát biểu. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Giải quyết cấp sổ hồng cho hơn 50.000 căn chung cư

Cử tri Bùi Anh Phương, phường Phú Mỹ, quận 7 cho biết, chung cư Kỷ Nguyên trên địa bàn phường đưa vào sử dụng từ 2013 đến nay đã 10 năm, vướng mắc không biết ở khâu nào nhưng chưa được cấp sổ hồng. “Đề nghị giải quyết dứt điểm. Dịch Covid-19 vừa qua, có những chủ hộ đã chết, có hộ chết cả nhà rồi vẫn chưa có sổ”, cử tri nói.

Liên quan đến cấp sổ hồng cho chung cư, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, UBND TPHCM giao Sở TN-MT trong giai đoạn 2022-2025 giải quyết dứt điểm 50.000 căn hộ chung cư còn tồn đọng các giai đoạn trước. Theo ông, trước đây, có dự án chưa đủ điều kiện nhưng vẫn cho người dân vào ở; có dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính; dự án xây dựng xong nhưng chưa nghiệm thu được do xây dựng sai phép; có dự án chủ đầu tư đã thế chấp ngân hàng. Năm 2022-2023 phải giải quyết xong cấp giấy cho các căn hộ này.

“Chúng tôi tiếp thu ý kiến cử tri là sẽ công khai toàn bộ vi phạm, vướng mắc dẫn đến chưa cấp được giấy chứng nhận cho người dân”, ông Thắng nói.

Ưu tiên thực hiện dự án cầu, đường Nguyễn Khoái

Trả lời ý kiến cử tri về việc mở rộng các tuyến đường, cầu trên địa bàn huyện Nhà Bè, quận 7, Phó Giám đốc Sở GTVT Phan Công Bằng cho biết, theo chương trình phát triển hạ tầng giao thông, TPHCM ưu tiên nhóm Vành đai (vành đai 3), các tuyến cao tốc.

Liên quan đến khu vực quận 7, Nhà Bè, trước tiên là đường Nguyễn Tất Thành nối các cảng biển. “Với đường Nguyễn Tất Thành hiện chưa có dự án đầu tư. Nhưng các cảng biển thì đã có kế hoạch di dời về khu vực Nhà Bè, Cần Giờ. Khi các cảng biển chấm dứt hoạt động thì đường Nguyễn Tất Thành sẽ giảm được lưu lượng”, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết.

Về cầu đường Nguyễn Khoái, ông Phan Công Bằng cho biết dự án này đã có chủ trương đầu tư công nhiệm kỳ 2016-2021. Tuy nhiên quá trình triển khai dự án cần bổ sung một số hạng mục, nên chủ đầu tư đang trình HĐND xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư. Trong đó, TPHCM sẽ ưu tiên dự án này trong giai đoạn 2021-2025.

Về ý kiến cử tri liên quan đến cầu Phước Long trên đường Phạm Hữu Lầu, ông Bằng cho biết cầu thi công từ tháng 2-2020, vướng mắc giải phóng mặt bằng nên chưa thi công trở lại. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Phan Lê Nguyễn cho biết dự án cầu Phước Long có 52 hộ bị ảnh hưởng. Huyện nỗ lực để năm 2023 giải quyết xong việc bồi thường dự án này.

Đã đến lúc sửa Luật Đất đai

Tiếp thu ý kiến cử tri, ĐB Dương Văn Thăng khẳng định, qua tiếp xúc cử tri ở các địa phương, các cơ quan trung ương cũng nhận định, đã đến lúc phải sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Ngoài ra, các ĐB cũng đã ghi nhận một số ý kiến khác như cử tri Nguyễn Thị Kim Dung, thị trấn Nhà Bè, huyện Nhà Bè đề nghị có thêm chính sách hỗ trợ động viên lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Cử tri Đặng Ngọc Thành, phường Tân Quy, quận 7 đề nghị điều chỉnh độ tuổi được nhận trợ cấp từ 80 xuống 75 tuổi và không phân biệt người có lương hưu hay không…

TPHCM sẽ có thêm 35.000 căn nhà ở thương mại, 28.000 chỗ ở cho công nhân ảnh 4Đồng chí Phan Văn Mãi ghi nhận ý kiến cử tri

Phấn đấu cuối năm 2022, kinh tế xã hội TPHCM được như trước dịch


Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết sẽ phúc đáp cụ thể từng nội dung cử tri góp ý, phản ánh để bà con theo dõi và giám sát.

Liên quan đến vấn đề nhà ở, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định, TPHCM sẽ tập trung triển khai nhiều hơn nữa nhà lưu trú công nhân. Theo đồng chí, qua tiếp xúc cử tri, lãnh đạo TPHCM nhận thấy nhiều công nhân, công chức viên chức chưa có nhu cầu mua nhà, mà có nhu cầu thuê nhà phù hợp thu nhập. Vừa qua, UBND TPHCM cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng, Quỹ phát triển nhà ở nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ lãi vay cho một số đối tượng để vay mua nhà, sửa nhà.

“TP đã tháo gỡ và sẽ tập trung tháo gỡ nhiều hơn nữa thủ tục về đất đai, xây dựng”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh. Cụ thể, đó là những vướng mắc như về quỹ 20% nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại, hoàn công cấp sổ cho các công trình nhà ở xây dựng nhỏ hơn thiết kế; cho chủ trương cấp quyền sử dụng đất không thu tiền với các cơ sở tôn giáo, sử dụng đất tôn giáo cho mục đích an sinh xã hội…

Liên quan đến vấn đề quản lý đất đai, sửa đổi Luật Đất đai, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đã có những kiến nghị cụ thể đầy đủ cho trung ương trong vấn đề này. Đây là vấn đề lớn, phức tạp, dự kiến sẽ bàn qua 3 kỳ họp Quốc hội, nếu làm tốt có thể thông qua vào kỳ họp cuối năm 2023.

Về nội dung xây dựng huyện thành quận mà nhiều cử tri quan tâm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết đã giao Sở Nội vụ chủ trì hoàn thiện đề án này và dự kiến sẽ thông qua vào giữa năm 2022. “Chúng ta xây dựng đề án này cho định hướng tương lai phát triển của TPHCM chứ không phải lên ngay. Phải có kế hoạch, lộ trình, được cập nhật trong kế hoạch với giải pháp cụ thể”, đồng chí Phan Văn Mãi lưu ý và đề nghị cử tri, lãnh đạo huyện quan tâm vấn đề quản lý đất đai trên địa bàn. Bởi nếu để tình trạng huyện chưa lên quận mà giá đất đã lên mấy lần, thì sẽ khó để thực hiện các chương trình công cộng, công tác thu hồi đất.

Đồng chí cũng báo cáo trước cử tri về sự phục hồi kinh tế xã hội của TPHCM trong 5 tháng đầu năm, gửi lời cảm ơn đến cử tri, nhân dân, doanh nghiệp đã chịu đựng trong thời gian dịch, và vươn lên phục hồi mạnh mẽ sau dịch. “Chúng ta cố gắng cuối năm nay lấy lại mặt bằng trước dịch”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Các tin khác