TPHCM sẽ đi đầu trong chuyển đổi xanh

TPHCM sẽ đi đầu trong chuyển đổi xanh

TPHCM cần phải nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh và phải thúc đẩy chuyển đổi xanh để tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho nền kinh tế TP và đóng góp vào kinh tế của cả nước.

Bởi lẽ TPHCM hiện có những “thúc bách từ bên trong” như biến đổi khí hậu, chất lượng cuộc sống, vấn đề về an ninh năng lượng, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học…

Do vậy nếu không chuyển đổi xanh sẽ không tiếp cận với xu thế của thế giới; cũng như nếu không có những chiến lược bài bản, không có những chính sách cụ thể, lâu dài chắc chắn nền kinh tế TP sẽ không tạo ra những giá trị mới, năng lực cạnh tranh mới và cũng không đóng góp tốt cho nền kinh tế.

TPHCM nhận sứ mệnh là địa phương có trách nhiệm đi đầu trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, và cũng là địa phương nhận nhiệm vụ đầu tiên để thực hiện cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng thời gian qua TPHCM đánh giá trong định hướng chung, khung pháp lý chung của cả nước về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững chưa nhiều.

Do đó, hiện TPHCM đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Khung chiến lược này sẽ chính thức công bố tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2023 diễn ra vào tháng 9 này. Khung chiến lược với 3 trụ cột: nguồn lực, hạ tầng và hành vi.

Về nguồn lực, TP xác định có tài chính xanh thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt phải có sự kết nối trong nước và hợp tác quốc tế. Hiện mặt bằng pháp lý đang nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa cho tài chính xanh.

TPHCM cũng xác định rõ lực lượng quan trọng quyết định đến thành công của chuyển đổi xanh là đội ngũ doanh nghiệp. Vấn đề đặt ra làm sao để các doanh nghiệp tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi quá trình sản xuất, tiếp cận thị trường và phát triển bền vững. Thời gian tới, TPHCM sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đi cùng chuyển đổi xanh.

Về hạ tầng, TP tập trung cho chuyển đổi năng lượng. Hiện các nguồn năng lượng cung cấp cho thành phố có thể được gọi năng lượng sạch mới chỉ hơn 14%, và đến 2030 cũng chỉ tối đa được khoảng 30%. Trong khi TPHCM là trung tâm kinh tế xã hội tiêu thụ năng lượng rất lớn, nên làm sao để nguồn cung là năng lượng sạch chắc chắn cần định hướng, quy hoạch và nguồn vốn.

Tất nhiên không thể thiếu cách làm hiệu quả. Ngoài ra, vấn đề sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, tái chế, tuần hoàn cũng đang được nghiên cứu. Trụ cột thứ ba là hành vi bao gồm hành vi trong tiêu dùng, hành vi trong sản xuất cũng đang được tuyên truyền và nhân rộng.

Ngoài ra, TP cũng quan tâm đến du lịch xanh, và đã chọn hệ sinh thái xanh cho huyện Cần Giờ. TPHCM cũng có những mục tiêu tham vọng cho Cần Giờ có thể đến 2030, các phương tiện trên địa bàn Cần Giờ phải sử dụng nhiên liệu điện là nhiên liệu sạch thân thiện môi trường.

Điện, nước sử dụng ở Cần Giờ hay xử lý rác thải ở đây cũng phải đảm bảo không phát thải hoặc phát thải tối thiểu. Ngoài ra còn bố trí lại dân cư theo mô hình làng xanh… TP mong muốn Cần Giờ sẽ là địa phương đi sớm về đích trước, góp phần thực hiện mục tiêu chung đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Do vậy, TPHCM mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các định chế tài chính, các cơ quan tham vấn chính sách… tại hội thảo. Từ các ý kiến này, TPHCM dần hoàn thiện khung pháp lý, từ đó động viên cả khu vực công lẫn cộng đồng doanh nghiệp, xã hội, trong đó truyền thông đi đầu cổ vũ, góp ý, thúc đẩy quá trình phát triển xanh bền vững của TP.

(Trích phát biểu tại Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ Carbon” do Báo SGGP tổ chức).

Các tin khác