TPHCM sẽ là đại đô thị mới sau sáp nhập Bình Dương và BR-VT

(ĐTTCO) - Trong bài phát biểu đầy cảm xúc tại buổi gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực phía Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã để lại một dấu ấn sâu sắc với tầm nhìn chiến lược về tương lai của TPHCM.

TPHCM sẽ là đại đô thị mới sau sáp nhập Bình Dương và BR-VT

Trong bài phát biểu đầy cảm xúc tại buổi gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực phía Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã để lại một dấu ấn sâu sắc với tầm nhìn chiến lược về tương lai của TPHCM.

Tổng Bí thư khẳng định: “Sứ mệnh mới của TPHCM là trở thành siêu đô thị quốc tế, trung tâm liên kết vùng và động lực dẫn dắt phát triển đất nước”. Đó không chỉ là lời định vị tầm vóc, mà còn là lời hiệu triệu về một hành trình kiến tạo tương lai.

Động cơ tăng trưởng quốc gia

Việc hợp nhất TPHCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành TPHCM mới đang mở ra một cơ hội lịch sử: Cơ hội hình thành một đại đô thị không chỉ lớn về quy mô, mà mạnh mẽ về năng lực phát triển và sâu sắc về tư duy quản trị. Đây là lúc Việt Nam có thể “viết lại bản đồ phát triển quốc gia” bằng một trung tâm mới - hội tụ đủ chiều sâu văn hóa, chiều rộng địa lý và chiều cao khát vọng.

Cầu Ba Son bắc qua sông Sài Gòn (trung tâm TPHCM) về đêm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thế nhưng, cơ hội lịch sử ấy sẽ không tự trở thành hiện thực nếu thiếu những hành động mang tính dẫn dắt. Hợp nhất địa giới là bước đầu, còn điều quan trọng hơn là hợp nhất được tầm nhìn, thể chế, hạ tầng và con người. Để TPHCM mở rộng thực sự “vươn mình” như kỳ vọng, cần nhận diện đúng sứ mệnh mới, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm và có những giải pháp thực thi đồng bộ, đột phá.

Việc hợp nhất ba đơn vị hành chính năng động bậc nhất phía Nam - TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn đặt ra một sứ mệnh hoàn toàn mới cho vùng đại đô thị này. Đây không đơn thuần là một thành phố lớn hơn, mà là một thực thể phát triển mới - một siêu đô thị vùng với vai trò và trọng trách mang tầm quốc gia, thậm chí khu vực. Sứ mệnh ấy có thể được nhận diện qua 3 trụ cột lớn.

Trong đó, trụ cột thứ nhất là trung tâm kinh tế - tài chính - đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á; trụ cột thứ hai là đầu tàu liên kết vùng và phát triển không gian kinh tế mở với trục động lực TPHCM - Bình Dương - Bà Rịa - Vũng Tàu; trụ cột thứ ba là hình mẫu về quản trị đô thị hiện đại và phát triển bền vững: Siêu đô thị mới phải đi đầu trong đổi mới mô hình quản trị.

Với 3 trụ cột sứ mệnh này, TPHCM mở rộng không chỉ được kỳ vọng trở thành động cơ tăng trưởng quốc gia, mà còn là mô hình kiểu mẫu về đô thị thông minh - bền vững - hợp lực vùng, mở đường cho chiến lược phát triển cân bằng và tích hợp của cả nước trong thế kỷ XXI.

Đột phá về thể chế, quản trị và nguồn lực

Để biến TPHCM mở rộng trở thành siêu đô thị quốc tế, trung tâm liên kết vùng và động lực phát triển quốc gia, cần triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tái cấu trúc không gian phát triển theo mô hình đa trung tâm - liên kết chức năng: thể chế hóa mô hình chính quyền đô thị mở rộng. Đồng thời, xây dựng hạ tầng kết nối liên vùng hiện đại, bền vững; phát triển các trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo và công nghiệp công nghệ cao; xây dựng mô hình đô thị xanh, đáng sống và giàu bản sắc văn hóa.

Thời cơ đã đến, song thời cơ cũng đi rất nhanh. Nếu không có sự đột phá về thể chế, sự quyết đoán trong điều hành và sự đồng thuận từ toàn xã hội, cơ hội lịch sử này có thể trôi qua trong lặng lẽ và để lại sự tiếc nuối không nhỏ cho cả một thế hệ. Bởi vậy, phát triển TPHCM mở rộng không phải là nhiệm vụ riêng của địa phương, mà là trách nhiệm lịch sử của quốc gia.

Đây là nơi để Việt Nam chứng minh năng lực kiến tạo, năng lực quản trị hiện đại và năng lực hiện thực hóa khát vọng phát triển. Cũng từ đây, một mô hình phát triển vùng kiểu mới có thể được nhân rộng - đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới, nơi không còn chia nhỏ để dễ quản, mà là hợp lực để dẫn đầu.

Mỗi nhiệm vụ trên là một cấu phần trong chiến lược phát triển hợp nhất, nhằm đảm bảo rằng sự mở rộng không chỉ là cộng gộp địa giới, mà là hợp lực thực chất về thể chế, kinh tế và văn hóa, từ đó tạo ra một hình mẫu siêu đô thị mới cho thế kỷ XXI.

Việc hợp nhất 3 địa phương năng động nhất miền Nam thành một thực thể đại đô thị không thể chỉ trông cậy vào xung lực tự nhiên. Muốn sứ mệnh phát triển được hiện thực hóa, cần một loạt giải pháp thực thi đồng bộ, mang tính đột phá cả về thể chế, quản trị và nguồn lực. Trong đó, cần ban hành luật hoặc nghị quyết đặc thù của Quốc hội cho TPHCM mở rộng.

Thành phố mở rộng cần một khuôn khổ pháp lý vượt trội để đáp ứng quy mô và tính chất đặc thù của đại đô thị mới, tương tự như Luật Thủ đô cho Hà Nội, nhưng có tầm bao quát rộng hơn và năng động hơn. Thành lập một Ban Điều phối phát triển vùng TPHCM mở rộng, với nhiệm vụ quy hoạch tổng thể, điều tiết đầu tư, phân bổ nguồn lực và giám sát triển khai. Đồng thời, tái cấu trúc tài chính đô thị theo hướng ngân sách vùng và điều tiết theo hiệu quả đóng góp. Trong đó, áp dụng cơ chế tài chính linh hoạt: giữ lại tỷ lệ lớn hơn từ thu ngân sách nội địa, tăng quyền chủ động trong phân bổ ngân sách đầu tư phát triển.

Cùng với đó, khơi dậy sức dân và thu hút nhân tài toàn cầu như tạo cơ chế thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân tài đẳng cấp quốc tế đến làm việc trong lĩnh vực tài chính, công nghệ, quy hoạch, sáng tạo tại TPHCM mở rộng. Đồng thời, khơi dậy và tổ chức lại các lực lượng xã hội (doanh nghiệp, viện nghiên cứu, hội nghề nghiệp, người dân) trở thành chủ thể kiến tạo không gian đô thị mới, không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách.

Mỗi quốc gia đều có những bước ngoặt định hình tương lai. Với Việt Nam, việc hình thành siêu đô thị TPHCM mở rộng chính là một trong những bước ngoặt ấy. Nếu làm đúng, đây sẽ là một biểu tượng phát triển, một hình mẫu quản trị vùng kiểu mới. Tổng Bí thư Tô Lâm đã đặt ra sứ mệnh. Giờ đây là lúc chúng ta phải biến sứ mệnh ấy thành hiện thực - bằng thể chế, trí tuệ, ý chí chính trị và sự đồng lòng của nhân dân.

- Đại biểu Quốc hội TRẦN HOÀNG NGÂN:

Đề xuất tiếp tục áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM mới

Đối với TPHCM, hợp nhất 3 địa phương TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu thành TPHCM mới giống như một đầu tàu mới, hiện đại hơn, gắn 3 động cơ, sẽ thúc đẩy đầu tàu TPHCM mới tiếp tục là đầu tàu quan trọng, rất quan trọng của nền kinh tế cả nước. Khi 3 địa phương hợp nhất lại sẽ đóng góp 1/4 GDP cả nước, đóng góp 1/3 tổng thu ngân sách cả nước, đóng góp hơn 1/5 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Do đó, tôi rất kỳ vọng vào sự phát triển, tăng tốc của TPHCM mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Quan trọng hơn nữa, những thế mạnh của 3 địa phương cũ sẽ hỗ trợ tương hỗ lẫn nhau. Tất cả sẽ được hòa quyện vào 1 TPHCM mới - đầu tàu đặc biệt quan trọng của cả nước.

Các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù dành cho các địa phương hiện nay nên được áp dụng tiếp tục cho địa phương mới (sau khi sáp nhập, hợp nhất) để bảo đảm tính đồng bộ và vận hành liên tục, cho đến khi luật hóa hoàn thiện. Cụ thể, cơ chế, chính sách đặc thù dành cho TPHCM hiện nay cần được áp dụng luôn cho TPHCM mới để bảo đảm tăng tốc phát triển, đáp ứng kỳ vọng.

- Đại biểu Quốc hội NGUYỄN QUANG HUÂN, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam:

Trao quyền chủ động để phát triển

Dư địa phát triển của TPHCM, Bình Dương đến một mức nào đó đã chững lại. Trong khi để phát triển thì hạ tầng là rất quan trọng. Khi hạ tầng của TPHCM, Bình Dương đã bị bó hẹp thì sẽ làm không gian phát triển bị hạn chế. Mặt khác, ngành logistics, đặc biệt là vận tải biển cũng là hạn chế của TPHCM, Bình Dương, dù TPHCM có cảng Cần Giờ nhưng không phải cảng biển nước sâu, nên khi kết hợp với Bà Rịa - Vũng Tàu thì TPHCM sẽ có lợi thế hướng biển. Đặc biệt, Bình Dương vốn không có biển, không gian hẹp, mỗi lần di chuyển từ TPHCM đến Bình Dương rất vất vả.

Sau sáp nhập, cần tiếp tục trao quyền thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù hiện nay của TPHCM cho TPHCM mới. TPHCM cũng phải trao quyền tự chủ cho Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các địa phương phải có cơ chế để trao quyền chủ động, để dựa vào nhau mà phát triển chứ không kìm hãm nhau, không đi ngược lại mong muốn là tạo không gian mới để phát triển.

PHAN THẢO ghi

Các tin khác