(ĐTTCO) - Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường tại lễ khai mạc "Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TPHCM 2022" diễn ra vào ngày 19-10-2022.
Phó Chủ tịch nhấn mạnh, ngành chế biến lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm của TP, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp.
Tuy nhiên, dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19, ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP đã gặp nhiều khó khăn và thách thức từ sự đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, hệ thống phân phối bị gián đoạn cho đến logistics, hậu cần và nhân lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vì vậy, để ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP tiếp tục phát triển và giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, UBND TP đã ban hành chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP giai đoạn 2020 - 2030, xem đây là một trong những chương trình đột phá để TP tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực đầu tư phát triển.
Với định hướng phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm theo hướng công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, chủ động trong các khâu nghiên cứu sản phẩm mới, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và sản phẩm có uy tín, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, TP sẽ triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, xác định các tiêu chí và danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và sản phẩm công nghiệp tiềm năng của ngành chế biến lương thực thực phẩm; đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể đối nhóm sản phẩm chủ lực và sản phẩm tiềm năng.
Thứ hai, triển khai các giải pháp kích cầu đầu tư, đề xuất thí điểm cơ chế chính sách ưu đãi mới, mang tính đột phá cho doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm; trọng tâm là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng với lãi suất ưu đãi để đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại...
Thứ ba, tập trung phát triển nguồn nhân lực cho ngành chế biến lương thực thực phẩm, xây dựng các tiêu chí, quy chuẩn, quy định và tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm, tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cạnh tranh, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP...
Nói về triển lãm lần này, Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường đánh giá đây là hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, khẳng định uy tín về chất lượng và thương hiệu sản phẩm ngành lương thực thực phẩm của TP đối với khách hàng trong nước và quốc tế.
Định hướng chương trình được tổ chức thường niên hàng năm và có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế, thu hút không chỉ các doanh nghiệp TP mà còn các hợp tác xã, kết nối với các doanh nghiệp của các tỉnh, thành cùng tham gia; quan tâm hỗ trợ giới thiệu nhóm hàng nông sản - thủy sản đạt tiêu chuẩn, các sản phẩm nuôi trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và các sản phẩm OCOP.
Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh - HCMC FOODEX 2022 với chủ đề “Kết nối giá trị cùng phát triển” với hơn 240 gian hàng và gần 300 doanh nghiệp góp mặt tham dự triển lãm sản phẩm trực tuyến và trực tiếp trong không gian triển lãm có diện tích khoảng 5.000m2.
Triển lãm sẽ diễn ra trong 4 ngày từ 19 đến ngày 22-10-2022. Sự kiện được chủ trì thực hiện bởi Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), phối hợp tổ chức cùng Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) và Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Việt Nam.