TPHCM sẽ xây nhiều bãi đậu xe cao tầng lắp ghép

(ĐTTCO)-Nhằm đáp ứng nhu cầu lưu đậu xe, trong năm 2023, TPHCM đã có kế hoạch xây dựng hàng loạt bãi đậu xe cao tầng lắp ghép.
TPHCM sẽ xây nhiều bãi đậu xe cao tầng lắp ghép

Nhu cầu cao

Hiện nay, số ô tô thành phố quản lý khoảng hơn 850.000 ô tô, cùng hơn 7,8 triệu xe máy, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2021, chưa tính xe vãng lai từ địa phương khác. Số liệu ghi nhận từ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an TPHCM), trên địa bàn quận 1, 3, 5 đang có hơn 21.500 ô tô.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, số ô tô đăng ký mới hơn 7.500 xe, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Trong khi hệ thống bến bãi ở thành phố hiện chỉ đạt khoảng 20% quy hoạch, thiếu hơn 900ha so với chỉ tiêu gần 1.200ha khiến nhu cầu đậu, giữ xe ngày càng bức bách, đặc biệt ở khu trung tâm thành phố. Ngoài ra, trong năm 2022, thành phố đã đón hàng triệu lượt khách nội địa và quốc tế. Để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách du lịch, mỗi ngày thành phố phải tiếp nhận hàng ngàn lượt xe từ 30 chỗ trở lên và khoảng 6.000 xe dưới 30 chỗ.

Theo quy hoạch, TPHCM có 4 bãi đậu xe ngầm kết hợp dịch vụ thương mại trong khu vực nội thành hiện hữu mở rộng (gồm quận 1, 2 và một phần quận 4, quận Bình Thạnh) với tổng công suất dự kiến là 5.708 ô tô, 5.793 xe máy tại sân khấu Trống Đồng, công viên Lê Văn Tám, công viên Tao Đàn và sân vận động Hoa Lư. Tuy nhiên, đến nay chưa có công trình nào được triển khai và hiện còn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Sở GTVT TPHCM đã cấm dừng, cấm đậu trên tổng số 138 tuyến đường địa bàn khu trung tâm hiện hữu mở rộng. Theo đó, 95 tuyến cấm đậu toàn thời gian, cấm đậu theo giờ, chiếm 68,8%; 8 tuyến cấm đậu theo ngày chẵn - lẻ, chiếm 5,8%; 29 tuyến cấm dừng xe và đậu xe, chiếm 21,1%.

Thống kê của Sở GTVT TPHCM cho thấy, trong bán kính khoảng 500m xung quanh trục đường Nguyễn Huệ với phạm vi khoảng 104ha, có 59 công trình cao tầng có hầm để xe từ 1 đến 5 hầm. Với quy mô này, các công trình nêu trên sẽ đủ đáp ứng cho khoảng 3.718 ô tô và 7.747 xe máy. Tuy nhiên, hầu hết các công trình bố trí diện tích đậu xe cho riêng công trình theo quy chuẩn, ngoại trừ Vincom Center dành thêm 20% diện tích thiết kế phục vụ công cộng. Do đó, việc đầu tư xây dựng nhà đậu xe lắp ghép lại càng cấp thiết.

Giải pháp bãi đậu xe lắp ghép

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, việc triển khai các công trình nhà đậu xe cao tầng lắp ghép, xây dựng tạm thời là rất cần thiết nhằm góp phần giải quyết nhu cầu đậu xe của người dân, doanh nghiệp tại khu vực trung tâm thành phố. Một số ưu điểm của công trình nhà đậu xe cao tầng lắp ghép là thời gian thi công, lắp đặt, tháo dỡ tương đối ngắn, diện tích chiếm dụng nhỏ, khoảng 49m2 cho 16-21 ô tô đến 9 chỗ ngồi, kinh phí đầu tư ban đầu có thể chấp nhận được và dễ tháo dỡ, di dời để lắp đặt.

Công trình nhà đậu xe cao tầng lắp ghép có thể thực hiện ở công viên hoặc đất quy hoạch xây dựng công trình công cộng nhưng chưa thực hiện dự án, chưa khai thác hết công năng.

Trên cơ sở phân tích trên, Sở GTVT TPHCM kiến nghị UBND TPHCM đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn thêm một số nội dung liên quan đến xây dựng công trình nhà đậu xe cao tầng lắp ghép như trình tự, thủ tục lập, phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư; cơ sở thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế…

Hiện nay, khu vực trung tâm thành phố mới có 1 công trình nhà để xe cao tầng của SAMCO tại số 326 Võ Văn Kiệt (quận 1) với quy mô 10 tầng, tổng diện tích 32.055m2, sức chứa khoảng 450 ô tô và 3.900 xe gắn máy.

Theo TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Sở GTVT TPHCM quyết định đầu tư xây dựng bãi đậu xe cao tầng lắp ghép là hợp lý. Tuy nhiên, về lâu dài nên kêu gọi nguồn lực từ xã hội hóa nhưng để thu hút được nguồn lực này TPHCM cần điều chỉnh, kiến nghị điều chỉnh một số vướng mắc trong việc thu hút đầu tư bãi đậu xe. Trước mắt, nên cho phép doanh nghiệp chủ động xây dựng giá giữ xe. Tháo được nút thắt này, TPHCM sẽ có điều kiện dồn nguồn lực đầu tư cho những dự án, chương trình quan trọng hơn.

Các tin khác