TPHCM: Tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý nhà đất công

(ĐTTCO) - TPHCM đã đặt ra yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt là việc thực hiện Chỉ thị 24 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về kiểm kê, rà soát quỹ đất, nhà, công trình và các tài sản khác gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, quận 10 kiến nghị cưỡng chế khu đất có địa chỉ 419 đường Lê Hồng Phong để xây trường học.
Hiện nay, quận 10 kiến nghị cưỡng chế khu đất có địa chỉ 419 đường Lê Hồng Phong để xây trường học.

Gian nan “đòi” nhà, đất công

Hiện nay, việc TPHCM thu hồi khu đất tại địa chỉ số 419 đường Lê Hồng Phong (quận 10) là khá gian nan. Khu đất này được Công ty cổ phần Giày Sài Gòn (nay là Công ty cổ phần Giáo dục G Sài Gòn) thuê từ năm 2000 và được gia hạn thuê đến hết năm 2020. Tuy nhiên, trong thời gian thuê đất, công ty đã vi phạm, bị xử phạt hành chính. Hết thời hạn thuê, công ty vẫn không giao lại đất.

Năm 2021, UBND TPHCM ban hành quyết định thu hồi đất, nhưng đã 3 năm trôi qua, đến nay khu đất này vẫn chưa thu hồi được. Mới đây, tại buổi làm việc với UBND TPHCM, Phó Chủ tịch UBND quận 10 Huỳnh Văn Tâm đề xuất, trước yêu cầu cấp thiết về việc xây dựng trường học trên khu đất này, quận 10 kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo, tiến hành cưỡng chế thu hồi đất tại số 419 đường Lê Hồng Phong (phường 2, quận 10) để làm dự án.

Phó Chủ tịch UBND quận 6 Huỳnh Minh Hùng cho biết, trên địa bàn quận có 13 trường hợp thuê đất của Sở TN-MT TPHCM, đến nay hết hạn cho thuê và chưa được gia hạn sử dụng đất, nhưng việc thu hồi gặp nhiều khó khăn. Quận đã trao đổi với Sở TN-MT TPHCM thống nhất thu hồi 13 khu đất để xây dựng trường học, cơ sở y tế… phục vụ người dân. Dù vậy, đến nay việc này vẫn còn nhiều ý kiến chưa thống nhất từ một số sở, ngành có liên quan.

Là địa phương có nhu cầu xây dựng nhiều trường học, các công trình dân sinh phục vụ người dân, Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức kiến nghị UBND TPHCM xem xét thu hồi 13 khu đất trên địa bàn quận. Cụ thể, quận kiến nghị thu hồi đất đã giao cho Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Thành phố, Công ty cổ phần Giày Thiên Lộc, Trường Trung cấp Phương Nam, Công ty cổ phần Xây dựng - Tư vấn Sài Gòn… Lý do là các tổ chức, doanh nghiệp được giao đất nhưng sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, gây lãng phí.

Trong việc sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước để quản lý, sử dụng có hiệu quả hơn, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính TPHCM Nguyễn Trần Phú thông tin, sở đã trình UBND TPHCM ban hành quyết định giao 410 tài sản công là nhà, đất cho Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng tiếp nhận, quản lý (đợt 1). Tính lũy kế đến nay, UBND TPHCM và Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý với 12.900 địa chỉ nhà đất trên địa bàn thành phố.

Kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm

Quận 1 có 76 đơn vị được giao quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận 1 Hoàng Thị Tố Nga cho hay, thời gian qua, quận đã tiến hành 4 cuộc kiểm tra, thanh tra về công tác quản lý nhà nước về tài sản công.

Qua đó, đã xem xét, xử lý kỷ luật Đảng và chính quyền đối với 1 tập thể, 7 cá nhân có sai phạm, chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền tiếp tục điều tra làm rõ đối với các cá nhân sai phạm. Sai phạm chủ yếu liên quan đến việc sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, liên kết hoạt động khi đề án sử dụng tài sản công chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quận 8 đang quản lý 299 khu đất và 411 địa chỉ nhà, đất công. Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận 8 Trần Thanh Tùng cho biết, năm 2023, quận đã thanh tra 2 phường và chỉ ra một số vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước.

Qua đó, tiến hành kỷ luật đối với 3 cán bộ, công chức; kiểm điểm trách nhiệm và phê bình 12 cán bộ, công chức. Đồng thời, quận 8 chấm dứt cho thuê 4 nhà, đất không đúng quy định, thu hồi hơn 1,1 tỷ đồng. Ủy ban Kiểm tra Quận ủy cũng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 2 tổ chức Đảng và 1 quận ủy viên. Sau kiểm tra, đã thi hành kỷ luật 2 đảng viên, phê bình nghiêm khắc 8 đảng viên.

Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 24, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Phan Thị Bình Thuận đánh giá, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng nhà, đất công của một số đơn vị còn nhiều thiếu sót, vi phạm. Trong đó còn tình trạng sử dụng nhà, đất không đúng mục đích; liên doanh, liên kết không đúng quy định, cho thuê lại, để nợ đọng tiền thuê kéo dài, khó thu hồi; để nhà đất trống không khai thác gây lãng phí…

Trước thực trạng này, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Dương Ngọc Hải nhấn mạnh, công tác kiểm tra, giám sát phải đẩy mạnh việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với tổ chức Đảng, đảng viên. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, các trường hợp có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng nhà, đất công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là tự kiểm công tác quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu của Nhà nước.

Từ năm 2020-2023, các cấp ủy, Đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy TPHCM tiến hành kiểm tra 105 tổ chức Đảng và 67 đảng viên, giám sát 50 tổ chức Đảng và 31 đảng viên. Đồng thời chỉ đạo UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức tiến hành thanh tra đối với 58 cơ quan, đơn vị trực thuộc và 4 cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất và tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước.

Thanh tra TPHCM đã tổ chức 18 đoàn thanh tra, qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi khoảng 404 tỷ đồng nộp ngân sách từ việc cho thuê nhà, đất; thu hồi 9 mặt bằng và 1 giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt việc cho thuê không đúng mục đích và kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, đơn vị có liên quan để xảy ra sai phạm qua các thời kỳ.

Các tin khác