Khẩn trương GPMB dự án đã bố trí vốn
Ông Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết với các dự án đã được bố trí vốn thực hiện trong năm 2024, Sở TN-MT đề nghị các địa phương phải hoàn thành GPMB, bàn giao 100% mặt bằng trong tháng 6. Theo ông Trực, nhằm đảm bảo bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư giải ngân vốn xây lắp (đối với các dự án bồi thường, GPMB đang thực hiện từ năm 2022 đến nay chưa xong, và các dự án thu hồi đất, bồi thường, GPMB đã được bố trí vốn trong năm 2024), Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương thực hiện các kế hoạch cụ thể.
Theo đó, với các dự án thực hiện từ năm 2022 đến nay chưa xong, địa phương phải đảm bảo bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư trước ngày 15-3 để khởi công, giải ngân vốn xây lắp trong quý I.
Quận Gò Vấp là một trong những địa phương đạt thành tích xuất sắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Theo ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, mấu chốt của vấn đề giải ngân nhanh hay chậm là công tác đền bù, GPMB.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, quận Gò Vấp sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ bồi thường, GPMB trong năm nay, đặc biệt đối với dự án rạch Xuyên Tâm với số vốn bồi thường 350 tỷ đồng. Ngoài ra, để đẩy nhanh công tác đền bù, việc bố trí tái định cư cho người dân bị thu hồi đất cũng hết sức quan trọng.
Từ cuối tháng 1-2024, các tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc về đầu tư công sẽ tập trung rà soát tiến độ thực hiện các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngay từ đầu năm.
“Sở Xây dựng cần tham mưu UBND TP làm theo trình tự thủ tục rút gọn, đảm bảo vào tháng 4 hoặc tháng 5 có quỹ nhà tái định cư để bố trí nhà cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Với tiến độ tháng 6 phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư, phải tăng cường công tác vận động người dân bàn giao mặt bằng sớm theo quy định tại Khoản 2 Điều 67 của Luật Đất đai (trường hợp người sử dụng đất trong khu vực thu hồi đất đồng ý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất trước thời hạn quy định tại Khoản 1 điều này, UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất, không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất), không cần thực hiện theo trình tự thủ tục theo quy định, bởi nếu thực hiện theo trình tự và thủ tục sẽ không kịp tiến độ. Cách chúng ta triển khai bồi thường, GPMB trong năm 2024 sẽ thực hiện tương tự như dự án Vành đai 3 mới đảm bảo tiến độ đề ra" - ông Võ Trung Trực kiến nghị.
Nhiều giải pháp tháo gỡ
Theo Sở TN-MT từ tháng 6-2022 đến nay, sở này đã trình UBND TP 27 giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và được TP thông qua, làm cơ sở cho các địa phương, chủ đầu tư dự án đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công các dự án được giao vốn bồi thường. Trong đó, tập trung chủ yếu một số giải pháp nhằm góp phần đẩy mạnh công tác giải ngân.
Thứ nhất, không bố trí vốn bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nếu địa phương và chủ đầu tư chưa thực hiện tốt công tác chuẩn bị dự án, chưa xây dựng kế hoạch bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thứ hai, chủ đầu tư dự án khi đề xuất ghi vốn phải xác định rõ vốn bồi thường và vốn xây lắp của từng dự án, để Sở TN-MT và Sở KH-ĐT theo dõi quá trình giải ngân của từng phần vốn, có nhận xét, đánh giá chính xác, khách quan vào cuối năm.
Thứ ba, các chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm thực hiện khái toán đúng và đầy đủ tổng mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án; ký hợp đồng thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngay sau khi dự án được phê duyệt theo quy định, để Ban bồi thường, GPMB các địa phương sớm triển khai nhằm đảm bảo tiến độ chung của dự án.
Trong giai đoạn đầu xác lập hồ sơ bồi thường, UBND các quận huyện và TP Thủ Đức cần tổng hợp tất cả vướng mắc, khó khăn về chính sách, trình tự thủ tục có thể phát sinh trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, kịp thời đề xuất xin ý kiến các sở ngành, Ban Chỉ đạo bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhằm giải quyết đồng bộ và thống nhất, tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án.
Thứ tư, đối với các dự án đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND các địa phương khẩn trương ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của toàn bộ trường hợp bị ảnh hưởng trong dự án, và thực hiện chi trả theo đúng quy định.
Thứ năm, UBND các địa phương chịu trách nhiệm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án, đồng thuận với chính sách, với đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt của dự án; đồng ý và khuyến khích người dân nhận tiền bồi thường hỗ trợ qua tài khoản ngân hàng và bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư tổ chức thi công.
Đặc biệt, cần hạn chế thấp nhất việc phải thực hiện các biện pháp cưỡng chế, gây ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Bên cạnh đó cũng cần hạn chế việc chuyển tiền bồi thường, hỗ trợ của người dân vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước (do người dân không đồng ý) và không tính tỷ lệ giải ngân đối với số vốn bồi thường chuyển vào tài khoản kho bạc…
Được biết, năm 2023 TPHCM được giao số vốn đầu tư công trên 68.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 12-1-2024, TP đã giải ngân được 45.866 tỷ đồng, chiếm 67%. Năm 2024, TPHCM được giao số vốn đầu tư công lớn hơn, dự kiến 79.263 tỷ đồng. Điều này đòi hỏi TPHCM cần khẩn trương vào cuộc trong việc giải ngân vốn đầu tư công ngay trong những tháng đầu năm.
Bởi lẽ, một trong những điểm nghẽn của giải ngân vốn đầu tư công 2023 là do các đơn vị tính toán chi phí bồi thường, GPMB không sát với thực tế, dẫn đến số vốn thực tế thấp hơn so với số vốn được phê duyệt.
Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã giao Sở KH-ĐT khẩn trương trình UBND TP chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2024 theo Nghị quyết của HĐND TP.