TPHCM: Thay thế cán bộ '3 không' bằng những người sáng tạo, dám nghĩ dám làm

(ĐTTCO) - Một bộ phận công chức TPHCM đang mắc phải tư tưởng “3 không”, đó là: không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng.

Ngày 16-4, Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc.

Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ rất phức tạp

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, hiện nay một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức TP có tình trạng lo ngại về thực hiện công vụ là có thật. Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM sẽ có chỉ thị về nội dung này, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý để cán bộ công chức yên tâm thực hiện công vụ theo hướng vừa chống tham nhũng có hiệu quả vừa kiến tạo môi trường phát triển.

Trao đổi thêm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng, đây là vấn đề tồn tại không chỉ riêng TPHCM. Thời gian tới, đề nghị TP khẩn trương có chỉ thị để tháo gỡ tình trạng này.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin thêm, hiện Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo Nghị định quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Đây là nghị định rất phức tạp, liên quan đến rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, các vị trí công tác của cán bộ.

Khắc phục tư tưởng "3 không" của cán bộ

Đồng tình với việc TPHCM sẽ có chỉ thị, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, TPHCM cũng cần cân nhắc các giải pháp mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn để có một chỉ thị đủ sức tháo gỡ tình trạng trên. Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ, thực tế hiện nay không chỉ ở TPHCM mà cả nước có tình trạng lo ngại, e dè trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Đánh giá sâu hơn tình trạng này, đó là tình trạng co cụm, cầu an, thận trọng quá mức trong điều hành, xử lý công việc chung. Có những việc thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng quá thận trọng, không dám quyết nên phải lấy ý kiến rất nhiều cơ quan có chức năng.

Qua phân tích, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định tình trạng trên không thể đổ lỗi cho việc xử lý mạnh tay các vụ việc, vụ án vừa qua, cũng như không có việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự. Việc xử lý các vụ việc, vụ án vừa qua như một bài thuốc điều trị cho tình trạng trên.

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung phân tích thêm, vấn đề quan trọng hàng đầu của Thành phố cũng như các địa phương là phải giải phóng được tư tưởng cho cán bộ, công chức, những người thực hiện công vụ. Muốn làm được điều này phải khắc phục được tư tưởng "3 không" của một bộ phận cán bộ hiện nay, đó là không nói, không tham mưu đề xuất, không triển khai hoặc triển khai cầm chừng, vừa làm, vừa nghe ngóng.

Muốn khắc phục được điều này, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH nhấn mạnh, không chỉ về chủ trương mà còn cơ chế, quy định làm sao tạo môi trường an toàn cho cán bộ.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, phải có cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ trong hệ thống chính trị. Hiện nay, một bộ phận cán bộ làm việc trong tâm trạng lo lắng, ngại trách nhiệm là có thật.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG

Một góc nhìn khác về tăng trưởng kinh tế của TPHCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận, trong bước tranh ảm đạm của kinh tế cả nước thì TPHCM tăng GRDP 0,7% là nỗ lực rất lớn. Dù vậy, dự báo tình hình thời gian tới sẽ còn rất khó khăn cả nhân tố bên ngoài và bên trong.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đưa ra những giải pháp để TPHCM lưu ý, đó là cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ bối cảnh của thế giới và của TP để có sự chia sẻ đồng hành. TPHCM tập trung triển khai các chương trình, đề án phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa...

Ngoài ra, TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định quy hoạch của TPHCM. Việc này rất quan trọng, nếu chậm tiến độ sẽ làm ảnh hưởng đến hàng loạt dự án, chương trình phát triển của TP.

Cùng với đó, tìm nguồn lực giải quyết, tháo gỡ cho hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics. Tận dụng cơ hội khi TPHCM đang được hưởng các cơ chế đặc thù, nghiên cứu đề xuất những chính sách để huy động được nguồn lực xã hội cho đầu tư xã hội, thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư

Bên cạnh đó, TPHCM tập trung thúc đẩy chương trình đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, đi đầu trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Các tin khác