Trong đó, về cơ chế, chính sách, TP đang chờ Trung ương ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 với những cơ chế đặc thù phù hợp hơn nữa, cũng như các chính sách cụ thể của Chính phủ và các bộ ngành sát tình hình thực tế của TP hơn. Bản thân TP đang rà soát các quy định, giải pháp để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, nhất là về các thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, tăng mức đầu tư toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ…
Tuy nhiên, trên quan điểm “cán bộ là gốc của công việc”, vấn đề con người cần được quan tâm đúng mức, đầy đủ, toàn diện.
Thời gian qua, nhất là từ trong dịch và sau dịch đến nay, một bộ phận đáng kể cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, rời khu vực công để làm việc ở môi trường khác. Trong hơn 2 năm qua, tính bình quân, mỗi ngày TP có khoảng 8 người nghỉ việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đồng thời vẫn thực hiện việc tinh giản biên chế theo quy định chung.
Điều này đặt ra áp lực rất lớn cho số cán bộ, công chức, viên chức còn lại, cũng như toàn bộ các cơ quan của TP, trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng và số lượng công việc thường xuyên.
Điều đáng lưu ý, tuy khối lượng và chất lượng công việc tăng lên, nhưng thu nhập không được cải thiện đáng kể. Mức lương cơ sở dự kiến tăng từ ngày 1-7-2020 nhưng phải lùi đến ngày 1-7-2023, dù trong 3 năm này rất nhiều người đã phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giá cả liên tục tăng cao.
Trong khi đó, theo Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội, TPHCM được chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức với hệ số cao nhất là 1,8 (dự kiến năm 2018 tăng 0,6 lần; năm 2019 là 1,2 lần; từ năm 2020 là 1,8 lần) nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, TP chỉ tăng ở mức 0,6-1,2 lần trong 5 năm qua.
Đã vậy, không phải tất cả cán bộ, công chức, viên chức đều được hưởng chế độ này, do phải trừ số người tuy công tác trên địa bàn TP, phục vụ cho TP nhưng thuộc ngành dọc của Trung ương; đồng thời phải thực hiện đánh giá hàng quý với 3 mức hưởng 100% (hoàn thành xuất sắc), 80% (hoàn thành tốt) và 0% (hoàn thành).
Ngay cả đội ngũ lãnh đạo, quản lý còn bị khống chế mức đánh giá hoàn thành xuất sắc không quá 50%… Hay do yêu cầu về tiến độ và chất lượng công việc, nhiều cơ quan thực hiện các yêu cầu nghiêm ngặt về giờ giấc và cường độ làm việc. Có khi, các hình thức động viên, khích lệ chưa được bảo đảm trong khi yêu cầu ngày càng cao.
Do đó, trong điều kiện hiện nay, lãnh đạo TP cần quan tâm đồng bộ việc xây dựng các cơ chế, chính sách và chăm lo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP. Trong đó, trước hết cần quan tâm tạo môi trường làm việc thuận lợi, như bố trí đủ các trang thiết bị; bảo đảm diện tích và điều kiện làm việc của phòng làm việc; thực hiện việc đánh giá, nhận xét, thi đua khách quan, công tâm, bình đẳng.
Các cơ quan, đơn vị cần chú ý tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, lý luận chính trị và gắn với công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt một cách hợp lý.
Công tác thi đua, khen thưởng cần bảo đảm tính thực chất, có ý nghĩa động viên thiết thực, tránh hiện tượng “cào bằng” hoặc “đến hẹn lại lên” và song hành với công tác cán bộ. Việc thực hiện chế độ, chính sách, nhất là thu nhập, cần được quan tâm đầy đủ, đặc biệt đổi mới cách đánh giá, chi thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù của TP (xem xét lại việc phân loại 3 mức, việc khống chế tỷ lệ 50% cán bộ lãnh đạo, quản lý, thời gian triển khai thực hiện…).
“Có thực mới vực được đạo”; trong khi yêu cầu với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng cao, nhất là gắn với việc khắc phục các vướng mắc, điểm nghẽn để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội TP, phải quan tâm chăm lo cho đội ngũ tốt hơn, thiết thực và bền vững hơn.