TPHCM: Thu hút FDI mới nhưng không 'bỏ rơi' nhà đầu tư cũ

(ĐTTCO) - Đây là mối quan tâm của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp nêu ra tại tọa đàm khoa học 'Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của TPHCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030', do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức ngày 12-5.

Thu hút FDI đang chững lại

Vấn đề hội thảo đặt ra nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu, nhất là trong bối cảnh thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng, chính sách ưu đãi về thuế không còn là lợi thế của TPHCM trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) như trước đây.

Trình bày về đề án thu hút nguồn vốn FDI của TPHCM giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030 mà TPHCM đang xây dựng, bà Mai Phong Lan, Phó Trưởng phòng Phòng Doanh nghiệp, Kinh tế tập thể và tư nhân, Sở KH-ĐT TPHCM, cho biết, năm 2022, vốn FDI tại TPHCM (gồm dự án cấp mới, vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp) đạt tổng giá trị hơn 4,33 tỷ USD, bằng 60,29% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số 927 dự án cấp mới tập trung ở một số ngành như bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; thông tin truyền thông và khoa học - công nghệ.

Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản) (ảnh minh họa). Ảnh: CAO THĂNG

Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản) (ảnh minh họa). Ảnh: CAO THĂNG

Theo bà Mai Phong Lan, khó khăn hiện nay trong thu hút FDI tại TPHCM là dòng vốn vẫn chỉ tập trung ở một số quận, TP Thủ Đức và trong một số ngành nhất định; các doanh nghiệp FDI chưa tạo ra được nhiều lan tỏa về công nghệ, kỹ thuật và chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước; nhiều dự án FDI ảnh hưởng tới môi trường; chất lượng lao động chưa đảm bảo và thị trường lao động đã có dấu hiệu khan hiếm lao động ở các vùng động lực. Do khan hiếm lao động, hiện tượng lao động nhảy việc rất cao trong các doanh nghiệp FDI.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), cho rằng, không tính đến ưu đãi về thuế nữa thì vấn đề còn lại trong thu hút FDI chính là môi trường đầu tư. Qua khảo sát, ITPC nhận thấy các yếu tố chi phối môi trường đầu tư lớn nhất là tính ổn định chính trị, môi trường đầu tư minh bạch, rõ ràng, chính sách ít thay đổi, dễ dự đoán. Bên cạnh đó là nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng giao thông, viễn thông…

Không bỏ rơi nhà đầu tư cũ

Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, đề xuất, cần có định nghĩa cụ thể về nhà đầu tư chiến lược mà TPHCM muốn thu hút. Theo ông, đó phải là những nhà đầu tư có thể mở ra không gian phát triển mới cho TP, kéo theo nhiều nhà đầu tư khác.

Chia sẻ ý kiến này, PGS-TS Nguyễn Ngọc Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển (Trường Đại học Kinh tế TPHCM), cho rằng, cần xây dựng cho được tiêu chí thu hút đầu tư: Tiêu chí cụ thể, rõ ràng với lộ trình thực hiện sẽ giúp doanh nghiệp soi rọi vào đó để còn phấn đấu, chuẩn bị.

“Có tiêu chí thì doanh nghiệp trước khi đầu tư hoặc mở rộng đầu tư cũng sẽ có quyết định dễ dàng hơn. Đây cũng là cơ sở để đánh giá hàng năm hay giai đoạn, xem việc thu hút đạt được cấp độ nào”, PGS-TS Nguyễn Ngọc Vinh nói.

Một số đại biểu nhìn nhận, thông tin về đầu tư ở TPHCM còn thiếu, không đầy đủ. Việc hướng dẫn chính sách ở một số địa phương khác tận tình, cặn kẽ hơn ở TPHCM. Có đại biểu còn bày tỏ băn khoăn về định hướng của TPHCM liệu có “bỏ quên” các doanh nghiệp hiện hữu khi xây dựng chính sách mới hay không. Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, TPHCM cần tăng tính liên kết vùng trong thu hút FDI.

Về những ý kiến này, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, khẳng định, tinh thần của lãnh đạo TPHCM là chính sách FDI trước hết phải hướng đến các nhà đầu tư đã đến với TP. Trong liên kết vùng, công cụ quan trọng nhất là quy hoạch. Các quy hoạch đang xây dựng đều thể hiện rõ tinh thần liên kết vùng. TPHCM cũng đang thúc đẩy một loạt dự án giao thông liên vùng, như dự án Vành đai 3, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… và công nghiệp sẽ phát triển dọc theo trục giao thông.

Mục tiêu thu hút FDI của TPHCM

* Nâng tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Liên bang Nga, Anh, Hoa Kỳ lên hơn 70% trong giai đoạn 2023-2025 và 75% trong giai đoạn 2026-2030.

* Đến 2030, tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới do Tạp chí Fortune (Hoa Kỳ) xếp hạng có hiện diện và hoạt động tại TPHCM.

* Phấn đấu đến năm 2025, thu hút được trên 50 dự án công nghệ cao, tổng vốn đầu tư đạt trên 3 tỷ USD.

Các tin khác