TPHCM thu phí lòng đường, vỉa hè: Liệu có giảm tình trạng mất trật tự?

(ĐTTCO)- Lòng đường, vỉa hè nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không chỉ dùng cho mục đích giao thông mà còn là nơi tạo sinh kế, là nơi kiếm sống của nhiều người.
Vỉa hè không chỉ dùng cho mục đích giao thông mà còn là nơi tạo sinh kế, là nơi kiếm sống của nhiều người
Vỉa hè không chỉ dùng cho mục đích giao thông mà còn là nơi tạo sinh kế, là nơi kiếm sống của nhiều người

Thu phí sử dụng lòng đường, hè phố để giải quyết "tham nhũng vỉa hè"

UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Quyết định số 32 quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (thay thế quyết định từ năm 2008).

Quy định này cho phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông nhưng không gây mất trật tự, an toàn giao thông và phải nộp phí theo quy định.

Quy định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9 tới đây. Vấn đề được đặt ra là, liệu quy định này có làm giảm dần tình trạng mất trật tự vỉa hè, lòng đường, nhất là ở những nơi buôn bán hàng hóa, trông giữ xe.

Trong nhiều năm trở lại đây, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thường xuyên phải tổ chức các đợt cao điểm để lập lại trật tự lòng đường vỉa hè, nhất là nhưng đoạn là nơi buôn bán, hàng quán, trông giữ xe. Nhưng việc đòi lại vỉa hè cho người đi bộ vẫn còn là chuyện khó khăn. Có giai đoạn làm nghiêm như 5 năm trước đây, nhất là ở quận 1, TP Hồ Chí Minh, lòng đường và vỉa hè được trả lại cho người đi bộ, phố xá sạch sẽ, văn minh.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng lòng đường, vỉa hè nhất là ở những đường phố trung tâm của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không chỉ dùng cho mục đích giao thông mà còn là nơi tạo sinh kế, là nơi kiếm sống của nhiều người. Việc cá nhân, tổ chức nào được phép sử dụng vỉa hè, lòng đường vào các mục đích ngoài giao thông là một vấn đề rất lớn. Có người đã coi đây là hình thức "tham nhũng vỉa hè". Quyết định mới của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố được cho là sẽ giải quyết được các vấn đề này.

Những lòng đường, vỉa hè áp dụng thu phí phải đảm bảo chiều rộng tối thiểu cho người đi bộ 1,5m và lòng đường còn lại sau khi sử dụng phải đủ bố trí 2 làn xe 1 chiều lưu thông.

Ngoài dịch vụ trông giữ hay đậu đỗ xe, đây là lần đầu tiên việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường hè phố được mở rộng thêm 5 loại hình hoạt động khác: điểm tổ chức kinh doanh, dịch vụ mua bán hàng hóa, trung chuyển vật liệu, phế thải của các công trình xây dựng, lắp đặt các công trình tạm. Song song với danh mục 6 hoạt động thuộc diện thu phí, có 8 loại hình được miễn phí.

Mức thu phí không được quy định đồng loạt mà áp dụng theo 5 khu vực trên cơ sở bảng giá đất. Trên đây là mức phí được đề xuất vào tháng 6 vừa qua. Trong đó mức phí thấp nhất là 20.000 đồng/m2/tháng và cao nhất 350.000 đồng/m2/tháng.

Một khảo sát vừa được thực hiện vào tháng 6 vừa qua cho thấy, có 48% chủ các cửa hàng, 61% hàng rong cố định và 36% hàng rong di động, đồng thuận với việc thu phí cũng như với mức phí được đề xuất. Ước tính số tiền thu được từ việc thu phí lòng đường vỉa hè này khoảng hơn 1.500 tỷ đồng/năm.

Liệu có khả thi?

Trước khi Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh ban hành quyết định này Sở Giao thông Vận tải TP đã xây dựng dự thảo đề án "Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hồ Chí Minh", đang được lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học. Theo dự thảo đề án, thành phố sẽ chia các quận, huyện làm 5 khu vực và dựa theo giá đất tại tuyến đường đó và mức thu sử dụng vỉa hè để kinh doanh và trông giữ xe cũng khác nhau.

Mức phí đề xuất theo 5 khu vực. gồm có mức thu phí để kinh doanh và mức thu phí để giữ xe. Trong đó mức phí để kinh doanh thấp nhất là 20.000 m2/tháng. Cao nhất ở khu vực 1 là 100.000 đồng/m2/tháng. Mức thu phí vỉa hè để giữ xe thấp nhất là 50.000 đồng/m2/tháng ở khu vực 5 và 350.000 đồng/m2/tháng ở khu vực 1.

Đề án "Thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hồ Chí Minh" có điểm mới và được cho là đã tính đến việc bảo đảm sinh kế cho người dân sống nhờ vào kinh doanh trên vỉa hè. Mức thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường ở TP Hồ Chí Minh tương đương với Hà Nội và Đà Nẵng.

Việc này được cho là sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân, đồng thời tăng cường quản lý trật tự đô thị, sắp xếp bộ mặt đô thị và đem lại nguồn thu cho ngân sách thành phố. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của người dân là liệu thành phố có đạt được các mục tiêu này, nhất là bảo đảm người đi bộ có lối đi.

Cho thuê có thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố tuy còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng có tính khả thi. Tại Hà Nội và Đà Nẵng việc thí điểm trên quy mô một vài tuyến phố đã được tổ chức thực hiện và mang lại kết quả. Những không gian này còn là điểm nhấn về du lịch và văn hóa.

Đầu năm 2021, TP Hà Nội chấp thuận đề xuất của quận Hoàn Kiếm cho thuê vỉa hè tại 4 địa điểm, gồm: 94 Lý Thường Kiệt, 15 Ngô Quyền, 30A Lý Thường Kiệt và 11 Lê Phụng Hiểu. Đây đều là những đoạn vỉa hè có mặt bằng rộng, nằm ở vị trí đắc địa, sát khuôn viên nhà hàng, khách sạn lớn được cho thuê để bán cà phê, dịch vụ ăn uống.

Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của quận Hoàn Kiếm cho thuê vỉa hè tại một số địa điểm

Đến năm 2022, Hà Nội đã lập phương án cho thuê vỉa hè ở 5 tuyến phố để kinh doanh. Vị trí sử dụng là hè phố sát tường nhà và nằm trong phạm vi mặt tiền của tòa nhà kết nối với không gian tầng một. Thời gian cấp phép 6 tháng/lần, thời gian hoạt động từ 6h hôm trước đến 2h sáng hôm sau giá thuê với 45.000 đồng/m2/tháng.

Đầu năm nay, UBND TP. Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì xây dựng đề án quản lý vỉa hè, lòng đường. Nội dung đề án phải đảm bảo hài hòa giữa an ninh trật tự và phát triển kinh tế đô thị, gắn với đảm bảo quyền lợi sinh kế của nhân dân.

Còn trên thế giới, lâu nay các nước khác đã quản lý lòng đường, vỉa hè để kinh doanh rất rõ ràng hiệu quả. Ở Pháp, không khó để bắt gặp những quán cà phê vỉa hè, trong vạch kẻ. Đây thậm chí còn là 1 điểm nhấn, một nét văn hóa đặc trưng. Còn ở Thái Lan có quy định cụ thể những lòng đường, vỉa hè nào có thể sử dụng tạm để kinh doanh, kể cả bán hàng rong. Họ cho kẻ các ô vạch đánh dấu khu vực lòng đường, vỉa hè cho sử dụng tạm và tính phí theo giờ.

Đối với Việt Nam, tuy mới mẻ nhưng cần phải làm. Vì những chỗ đã làm thì lòng đường vỉa hè sạch sẽ, người đi bộ vẫn có lối đi, còn những chỗ chưa được làm thì vẫn bị chiếm dụng, mất vệ sinh và trật tự, người đi bộ cũng chẳng có lối đi mà nhà nước thì cũng thất thu.

Các tin khác