TPHCM thúc đẩy kinh tế bằng đầu tư công

(ĐTTCO) - Theo tính toán, 1 đồng vốn ngân sách bỏ ra trong giai đoạn này, sẽ thu hút được khoảng 6,8-9,54 đồng vốn đầu tư từ xã hội. Chính vì vậy, việc giải ngân đầu tư công trong giai đoạn hiện nay sẽ góp phần tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

Tuyến đường Vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức đang thi công.
Tuyến đường Vành đai 3 đoạn qua TP Thủ Đức đang thi công.

Đẩy nhanh các dự án trọng điểm

Kết thúc quý I-2024, kinh tế TPHCM đạt được những kết quả nhất định nhưng vẫn chưa thật sự bền vững, đặc biệt công tác giải ngân đầu tư công còn chưa đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I ước đạt 406.345 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ.

Về tình hình thực hiện vốn đầu tư công, đến hết ngày 31-3, tổng số vốn giải ngân 5.566 tỷ đồng, đạt tỷ lệ hơn 7%. Như vậy, nếu so với số liệu giải ngân của quý I-2023 đạt 1.608 tỷ đồng, giải ngân quý I năm nay tăng hơn 3.958 tỷ đồng, gấp hơn 3,4 lần. Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra là 10-12% trong quý I.

TPHCM sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư lớn về công nghệ, chip bán dẫn. Nguồn lực từ các nhà đầu tư FDI sẽ giúp TPHCM từng bước vượt qua khó khăn, đạt được mục tiêu đề ra.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, với kết quả đạt được trong quý I, từ đây đến cuối năm TPHCM phải giải ngân 73.000 tỷ đồng, tức mỗi tháng phải giải ngân trên 8.000 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề cần tập trung giải quyết.

Do đó, TPHCM phải tổ chức họp thúc đẩy đầu tư công hàng tuần, thống nhất các giải pháp với các chủ đầu tư, sở ngành, quận huyện và nhà thầu. Các sở, ngành cũng phải tăng cường trách nhiệm trong giải quyết thủ tục có liên quan, từ thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư, giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, quỹ nền nhà tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật.

Riêng các địa phương quận huyện cần tập trung cho thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng. Trong đó, việc chi vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án năm 2023 phải kết thúc trong quý II, cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vào ngày 30-6, bàn giao để khởi công vào quý III-2024.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị UBND quận Bình Thạnh tập trung cho dự án rạch Xuyên Tâm, đường Chu Văn An; UBND TP Thủ Đức tập trung Vành đai 2, Vành đai 3; UBND quận 4 tập trung cầu đường Nguyễn Khoái; UBND quận 3 tập trung Metro số 2; UBND huyện Củ Chi tập trung cao tốc Mộc Bài, Vành đai 4.

Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án chuyển tiếp như Vành đai 3, nút giao An Phú, Quốc lộ 50, nút giao Nguyễn Văn Linh- Nguyễn Hữu Thọ, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, rạp xiếc đa năng Phú Thọ, các bệnh viện đa khoa cửa ngõ.

Bằng mọi giá tháo gỡ các rào cản

Đến thời điểm hiện nay, các công trình trọng điểm của TPHCM đã được triển khai xây dựng bước vào giai đoạn tăng tốc. Đơn cử dự án tuyến đường sắt Metro số 1, đã trình cơ quan thẩm quyền thẩm định hồ sơ và cấp chứng nhận an toàn hệ thống; đào tạo nhân sự; thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị và đặt hàng cung ứng dịch vụ công lĩnh vực đường sắt đô thị để khai thác, vận hành trong quý IV.

Dự án tuyến đường sắt Metro số 2 đã bàn giao mặt bằng đạt khoảng 90%. Dự án nút giao thông An Phú đã chọn được nhà thầu và cam kết đẩy nhanh tiến độ trong năm 2024 để bảo đảm kế hoạch đề ra.

Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đã khởi công tất cả các gói thầu, các đơn vị đã đẩy nhanh tiến độ thi công và đều đảm bảo tiến độ để hoàn thành dự án vào 30-4-2025.

Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ đang tăng tốc thi công sau thời gian chậm tiến độ, dự kiến thông xe nhánh hầm HC2 trước ngày 30-6 và thông xe nhánh hầm HC1 trước ngày 31-12.

Dự án thành phần 2 đường Vành đai 3 đã bàn giao đạt tỷ lệ hơn 98,2%.

Tuy nhiên, khó khăn nhất là dự án thành phần 1 đường Vành đai 3. Hiện dự án vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là nhu cầu cát đắp nền của dự án khoảng 9,2 triệu m3, trong khi nguồn cung có nguy cơ thiếu hụt, chưa xác định được đầy đủ nguồn cung cấp. Do vậy, TPHCM sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương liên quan đề nghị hỗ trợ vì nguồn vật liệu này quyết định lớn đến công tác chuẩn bị mặt bằng thi công.

Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, trong năm 2024 TPHCM giao 23.000 tỷ đồng cho công tác đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng đối với 158 dự án. Nếu công tác đền bù, giải tỏa thực hiện tốt, mặt bằng giao cho nhà thầu, đơn vị thi công sớm nhiều dự án sẽ được khởi công sớm, nhanh hoàn thành đưa vào sử dụng… góp phần làm cho bộ mặt đô thị khang trang sạch đẹp hơn. Đặc biệt, khi dự án được triển khai thi công một lượng vốn khổng lồ từ các nguồn lực khác nhau, sẽ chảy vào thị trường góp phần cho kinh tế TPHCM sôi động hơn.

Song song với việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng đề nghị các sở, ngành lưu ý tháo gỡ những rào cản để thúc đẩy các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trong những tháng tới. Ông Phan Văn Mãi đề nghị sở, ngành có liên quan khẩn trương thẩm định các dự án để ít nhất trong quý II phê duyệt được 5 dự án.

“Chúng ta nói thúc đẩy đầu tư công, thúc đẩy đầu tư tư nhân, phải cụ thể qua từng dự án, ở từng địa chỉ cụ thể. Nêu trách nhiệm của từng cơ quan, từng địa bàn cụ thể” - ông Phan Văn Mãi nói. Ngoài ra, Chủ tịch cũng đề nghị các sở, ngành tập trung thu hút đầu tư FDI, tạo mọi thuận lợi để đón các nhà đầu tư lớn đến đầu tư về công nghệ, chip bán dẫn; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn để từng bước vượt qua khó khăn, nhằm chung tay cùng TPHCM đạt được mục tiêu đề ra.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, qua thực tiễn từ các chính sách hỗ trợ của TPHCM để kích cầu, phát triển kinh tế cho thấy, cứ 1 đồng vốn từ ngân sách được đầu tư vào phát triển kinh tế sẽ thu hút từ 6,8-9,54 đồng vốn từ các nguồn lực khác đưa vào thị trường.

Chính vì vậy, giải ngân đầu tư công tại các dự án trọng điểm là một trong những giải pháp thu hút nguồn lực khác ngoài ngân sách để phát triển kinh tế TPHCM trong thời gian tới.

Các tin khác