Đến nay, Tổ Công tác đã giải quyết các vướng mắc cho hàng chục dự án nhà ở, cùng nhiều kiến nghị đến các bộ ngành Trung ương.
Nhiều dự án được khơi thông
Đến nay, Tổ Công tác đã tổ chức 6 cuộc họp để giải quyết các nội dung còn tồn tại vướng mắc tại các dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án của nhà đầu tư không sử dụng vốn ngân sách TP, và đã có nhiều kết luận.
Cụ thể, có 3 dự án đã được giải quyết theo chỉ đạo của Tổ Công tác, bao gồm khu phức hợp Sóng Việt của Công ty Quốc Lộc Phát; khu nhà ở xã hội của Công ty VTHouse và Công ty Tâm Giao; dự án của Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam.
Có 13 dự án đang được các sở, ngành rà soát, thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP. Cụ thể, các dự án tại số 3A-3B Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1; căn hộ Lê Thành, Tân Tạo 2; khu nhà ở thấp tầng Tâm Đại Thành; tổ hợp cao ốc thương mại, dịch vụ, văn phòng và căn hộ trên đường Ba Tháng Hai, quận 11; dự án tại số 100 Cô Giang, quận 1; khu phức hợp căn hộ kết hợp thương mại - dịch vụ, khách sạn, officetel tại số 428-430 Nguyễn Tất Thành, quận 4; chung cư 926 Võ Văn Kiệt; cụm 8 chung cư lô số cư xá Thanh Đa, phường 27, quận Bình Thạnh; khu dân cư Nhơn Đức, Nhà Bè; dự án số 3 Võ Văn Tần, quận 3; dự án 350 Hoàng Văn Thụ, Tân Bình…
Ngoài ra, dự án Khu dân cư NBB Garden III của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy, đã được tham mưu theo ý kiến chỉ đạo của Tổ Công tác, nhưng vẫn còn nội dung vướng mắc. Riêng dự án Moonlight Centre Point của Hưng Thịnh và Metro Star của CT Group, đang được tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét chủ trương đầu tư.
Những nỗ lực của TPHCM trong việc tháo gỡ vướng mắc dự án nhà ở đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần tăng cường niềm tin cho thị trường bất động sản.
Một số dự án khác cũng đang được UBND TP giao các sở ngành khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật, để tham mưu lãnh đạo TP giải quyết dứt điểm. Một số dự án cụ thể, như việc giải quyết kiến nghị của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV, đề nghị được tiếp tục đầu tư dự án trung tâm thương mại, khách sạn và giao dịch quốc tế Noga-Sài Gòn tại vị trí Thương xá Tax (quận 1).
Một số kiến nghị của chủ đầu tư liên quan đến dự án Khu Liên hiệp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng của CTCP Gamuda Land, về việc chuyển nhượng một phần trong dự án, điều chỉnh tiến độ dự án, điều chỉnh một phần khu tái định cư sang thương mại…
Bên cạnh đó, đối với 41 dự án không đáp ứng điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, UBND TP đã giao Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) làm việc, thông báo đến các nhà đầu tư để nghiên cứu, đề xuất thay đổi mục tiêu từ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại sang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, hoặc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Chuyển nhà tái định cư sang nhà ở thương mại vướng gì?
Theo Tổ Công tác, khi thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, Sở KH-ĐT nhận thấy có rất nhiều dự án được bố trí một phần hoặc toàn bộ dự án để phục vụ tái định cư, hoặc bán lại cho TP để phục vụ tái định cư. Cụ thể, chung cư tái định cư lô A7 khu dân cư Gamuda (Tân Phú), lô F khu dân cư Phú Xuân (Nhà Bè), khu nhà ở Z756 đường Ba Tháng Hai do CTCP Hà Đô làm chủ đầu tư…
Việc bố trí tái định cư tại các dự án có nhiều hình thức khác nhau, trong đó hình thức phổ biến là chủ đầu tư bán trực tiếp cho đối tượng có nhu cầu tái định cư (theo danh sách địa phương cung cấp), hoặc bán lại cho Nhà nước (quỹ nhà ở, đất ở) theo giá bảo toàn vốn để Nhà nước bố trí tái định cư.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các quận huyện qua rà soát đã báo cáo Sở Xây dựng việc các địa phương không còn nhu cầu tái định cư, và đề nghị cho nhà đầu tư được chuyển một phần hoặc toàn bộ quỹ nhà/đất sang nhà ở thương mại. Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng tham mưu UBND TP ban hành văn bản chấp thuận.
Dù vậy, Sở KH-ĐT nhận thấy vẫn còn phải xem lại sự phù hợp của việc chuyển đổi này. Trường hợp thứ nhất là đối với đất có nguồn gốc được bồi thường từ ngân sách nhà nước, hoặc quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư (không qua đấu giá, đấu thầu) để thực hiện nhu cầu an sinh, do đó việc chuyển mục đích sang nhà ở thương mại là sai mục đích.
Trường hợp thứ hai, đối với các khu đất có nguồn gốc từ việc nhà đầu tư tự thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất (không phải là trường hợp Nhà nước giao đất không qua đấu giá, đấu thầu), nhưng khi chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đã quy định nhà đầu tư phải dùng một phần, hoặc toàn bộ của dự án bố trí tái định cư.
Trong khi đó, thời gian tới TPHCM triển khai nhiều dự án lớn, nhu cầu tái định cư rất lớn, do đó giữ lại quỹ nhà tái định cư là cần thiết. Trong trường hợp TP không có nhu cầu mua lại theo giá bảo toàn vốn, mà dự án chuyển sang dự án thương mại, có thể hiểu TP có quyền đấu giá lại phần chênh lệch giữa bảo toàn vốn và giá thị trường.
Từ những vấn đề thực tế phát sinh nói trên, Sở KH-ĐT kiến nghị Tổ Công tác: Đối với các dự án có nguồn gốc được bồi thường từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư, không chấp nhận chuyển qua nhà ở thương mại, trường hợp cho chuyển phải thu hồi và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
Đối với các dự án có nguồn gốc đất nhà đầu tư tự bồi thường và đến nay nhà đầu tư vẫn chưa kinh doanh tại các phần đất có mục tiêu tái định cư, đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với UBND quận huyện rà soát nhu cầu tái định cư của các dự án đầu tư công trong khu vực, để đề xuất phương án cụ thể.
Theo đó, nếu có nhu cầu tái định cư hiện tại và thời gian tới phải giữ lại. Trường hợp không có nhu cầu và được chấp thuận cho chuyển qua nhà ở thương mại, xem xét thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có), hay phải bán đấu giá quyền mua quỹ nhà, đất với giá bảo toàn vốn.