TPHCM: Tiếp tục lùi ngày vận hành tuyến metro số 1

(ĐTTCO) - Thay vì vận hành thử nghiệm vào tháng 7, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ở TPHCM tiếp tục dời đến tháng 10 để hoàn thành nhiều phần việc còn lại.

Chiều 16-5, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) cho biết, MAUR vừa cập nhật tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại TPHCM. Theo đó, liên quan đến tiến độ của dự án metro số 1, ngày 2-5, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã có công hàm gửi Chủ tịch UBND TPHCM nêu quan điểm của Chính phủ Nhật Bản, JICA và các nhà thầu, sẽ hoàn thành công tác thi công dự án trong năm 2024.

Tuyến metro số 1 tiếp tục lùi ngày đưa vào khai thác. Ảnh: QUỐC HÙNG

Theo công hàm, phía Nhật Bản cho rằng tuyến metro số 1 có thể thực hiện công tác đào tạo cán bộ, nhân viên điều hành vào tháng 8 và tháng 9, tổ chức chạy thử tàu trong tháng 10, 11 và sau đó nhận chứng nhận an toàn.

Trong khi đó, theo MAUR, các công việc của tuyến metro số 1 đều dời tiến độ so với báo cáo của chính đơn vị gần 1 tháng trước đó.

Cũng theo MAUR, trong tất cả các cuộc họp từ cuối năm 2023 đến nay, nhà thầu Hitachi luôn khẳng định sẽ hoàn thành công tác ITC dự án metro 1 vào cuối tháng 5. Trên cơ sở đó, MAUR cùng tư vấn, các nhà thầu còn lại cố gắng thúc đẩy tiến độ các phần việc còn lại để đáp ứng các mốc hoàn thành đào tạo, hoàn thành công việc đưa metro số 1 vào vận hành vào quý IV. Tuy nhiên gần đây, nhà thầu Hitachi thông báo tiến độ ITC có thể bị đẩy lùi đến cuối tháng 7. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi công tác hoàn thành dự án.

Tuyến metro số 1 tiếp tục lùi ngày đưa vào khai thác. Ảnh: QUỐC HÙNG

Để kịp thời đưa metro 1 vào khai thác, vận hành theo đúng kế hoạch, MAUR cho rằng, việc tuân thủ các điều kiện hợp đồng và thiện chí hợp tác của nhà thầu Hitachi trong việc hoàn tất các công việc còn lại của dự án, rất quan trọng.

Về việc này, MAUR đã báo cáo UBND TPHCM và dự thảo báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện, các vướng mắc tồn đọng và kiến nghị phương án giải quyết các nội dung liên quan đến việc chuẩn bị đưa dự án metro số 1 vào vận hành thương mại. Trong đó, kiến nghị Thủ tướng xem xét, tăng cường tác động qua kênh ngoại giao với phía Nhật Bản để có ý kiến với Tập đoàn Hitachi và nhà thầu Hitachi để thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án. Tập trung thi công hoàn thành dự án song song với quá trình giải quyết các vấn đề vướng mắc về mặt thương mại, không chờ giải quyết xong các vướng mắc mới tiến hành triển khai công việc.

Ngoài ra, nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của dự án, MAUR kiến nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho phép tiếp tục tiến hành thanh toán các khối lượng công việc thực hiện trong năm 2024 song song với quá trình hoàn thành điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

UBND TPHCM ban hành Quyết định số 4474/QĐ-UBND ngày 11-10-2010 về phê duyệt dự án đầu tư metro số 1.

Lần điều chỉnh thứ nhất: Quyết định số 2759/QĐ-UBND ngày 30-5-2013 của UBND TPHCM (điều chỉnh Tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn và thời gian thực hiện dự án từ năm 2010 đến năm 2018).

Lần thứ 2: Quyết định số 3684/QĐ-UBND ngày 19-7-2016 của UBND TPHCM (Điều chỉnh Thiết kế cơ sở dự án).

Lần thứ 3: Quyết định số 4880/QĐ-UBNĐ ngày 14-11-2019 của UBND TPHCM (Thiết kế cơ sở, tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện từ năm 2010 đến năm 2026).

Lần thứ 4: Quyết định số 409/1/QĐ-BQLĐSĐT ngày 3-12-2020 của MAUR (Điều chỉnh cơ cấu khoản mục chi phí đối ứng tổng mức đầu tư).

Lần thứ 5: Quyết định số 245/QĐ-BQLĐSĐT ngày 22-7-2022 của MAUR (Điều chỉnh cơ cấu khoản mục chi phí đối ứng tổng mức đầu tư xây dựng).

Lần thứ 6: Quyết định số 169/QĐ-BQLĐSĐT ngày 1-6-2023 của MAUR (Điều chỉnh cơ cấu khoản mục chi phí đối ứng tổng mức đầu tư xây dựng).

Lần thứ 7: Quyết định số 4716/QĐ-UBNĐ ngày 16-10-2023 của UBND TPHCM (Điều chỉnh thời gian thực hiện hoàn thành và đưa vào khai thác dự án đến hết năm 2030 và 2 năm sửa chữa khiếm khuyết, bảo hành đến hết năm 2032).

Lần thứ 8: Quyết định số 442/QĐ-BQLDSĐT ngày 29-12-2023 của MAUR (Điều chỉnh cơ cấu khoản mục chi phí đối ứng tổng mức đầu tư xây dựng).

Các tin khác